Xuất khẩu may mặc của Thái Lan sẽ tăng trưởng hạn chế
Hàng may mặc xuất khẩu của Thái Lan được dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng hạn chế từ 3-5% vào năm 2015, trong khi mức tăng trưởng của năm nay có thể chỉ đạt vào khoảng 2-3% bởi những khó khăn tại châu Âu và Mỹ.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu.
|
Chủ tịch Hiệp hội sản xuất hàng may mặc Thái Lan Thavorn Kanokvaleewong cho biết hàng may mặc của nước này có thể phải đối mặt với nhiều thách thức vào năm tới.
Theo đánh giá của hiệp hội, nền kinh tế Mỹ hiện nay chưa thật sự hồi phục trong khi các nước châu Âu vẫn phải đối mặt với lạm phát. Thái Lan cũng có thể sẽ mất quyền miễn trừ thuế nhập khẩu hàng may mặc vào châu Âu vào đầu năm tới, mặc dù nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này từ Nhật Bản, với mức thuế bằng không, gia tăng và các nhân tố tích cực từ việc hình thành Cộng đồng chung ASEAN vào cuối năm 2015.
Từ tháng Một đến hết tháng Tám, hàng may mặc xuất khẩu của Thái Lan đạt giá trị 1,95 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu và Hong Kong tăng, trong khi xuất khẩu sang Mỹ giảm.
Các nhà xuất khẩu hàng may mặc Thái Lan đang cố gắng đẩy mạnh việc xuất khẩu sang châu Âu trong quý bốn để đề phòng hàng may mặc Thái Lan bị loại khỏi danh mục ưu đãi thuế từ đầu năm sau.
Dự kiến trong năm nay, xuất khẩu may mặc của Thái Lan sẽ đạt 2% lên tới 3 tỷ USD (hơn 97 tỷ baht).
Việc mất quy chế hưởng ưu đãi về thuế (GSP) từ các nước châu Âu sẽ có tác động mạnh tới xuất khẩu may mặc của Thái Lan. Dự kiến thuế nhập khẩu vào Liên minh châu Âu đối với mặt hàng này của Thái sẽ tăng lên 12% thay cho 9,6% như hiện nay, khiến các hàng may mặc của Thái mất tính cạnh tranh, đặc biêt là đối với hàng của Việt Nam.
Một số nhà sản xuất hàng may mặc Thái Lan đã chuẩn bị tư thế cho những thay đổi mới bằng việc chuyển dây chuyền hay cơ sở sản xuất sang các quốc gia láng giềng như Việt Nam hay Myanmar, nơi có giá nhân công rẻ và vẫn chưa mất quy chế GSP.
Việt Nam được Hiệp hội sản xuất hàng may mặc Thái Lan đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất bởi không những vẫn còn được hưởng quy chễ miễn trừ thuế GSP, mà còn có hiệp định tư do thương mại với Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, Việt Nam có thể sẽ sớm trở thành thành viên của Hiệp định đối tác liên Thái Bình Dương và được hưởng mức thuế ưu đãi trong nội bộ các nước thành viên.
Myanmar và Campuchia cũng là những điểm đến được người Thái lựa chọn bởi nhân công lao động rẻ và vẫn được hưởng quy chế miễn trừ thuế từ các nước phát triển.
Hiện đã có khoảng 30 nhà sản xuất hàng may mặc Thái Lan mở nhà máy thứ hai của họ tại các nước láng giềng, chủ yếu là Việt Nam và Campuchia. Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy sẽ có thêm từ 30 đến 50 doanh nghiệp may mặc nữa có kế hoạch mở rộng sang các nước láng giềng ASEAN trong vòng năm năm tới.
Một nhà máy quy mô trung bình tại một nước láng giềng ASEAN đối với Thái Lan sẽ mất chi phí đầu tư khoảng 100 triệu baht, với quy mô khoảng 3.000m2 và số công nhân thuê khoảng 500 đến 1.000 người. Đối với nhà máy lớn sẽ phải chi phí đầu tư 300 triệu baht trên 10.000m2 và nhân công thuê khoảng 2.000 người.
Việc các nhà sản xuất may mặc Thái Lan chuyển dây chuyền sang các nước láng không có nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu của họ sẽ tăng nhanh trở lại giống như thời gian qua, nhưng đây là cách mà Thái Lan muốn thực hiện nhằm duy trì chất lượng hàng hóa, đồng thời để bảo vệ thương hiệu của họ khi chưa muốn tăng giá cả./.
Hà Linh
vietnam+
|