Thứ Sáu, 03/10/2014 15:38

Nội soi hệ thống ngân hàng (kỳ 2): Ai phục hồi ai tiếp tục bệnh?

Nói về triển vọng phục hồi của ngành ngân hàng, có lẽ yếu tố then chốt nhất bên cạnh tốc độ xử lý nợ xấu, sẽ là sự phục hồi của nguồn thu từ tín dụng.

* Nội soi hệ thống ngân hàng (kỳ 1): Cổ phiếu vua bị lảng tránh

ACB từng thuộc tốp các ngân hàng dẫn đầu có ROE cao nhất trong suốt giai đoạn 2006-2010 với chiến lược kinh doanh vô cùng linh hoạt và táo bạo.

Cũng như các ngành chứng khoán hay bất động sản, trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ, ngay cả những tay chơi yếu kém nhất cũng có lãi, ngành ngân hàng trở thành mục tiêu thâu tóm của nhiều đại gia, dù họ chưa hiểu và chưa từng một ngày trực tiếp điều hành và kinh doanh ngân hàng. Với một số ông/bà chủ mới này, làm ngân hàng có vẻ đơn giản vì tự nó có thể sinh lãi đồng thời còn là một cỗ máy giúp họ huy động vốn giá rẻ cho các hoạt động đầu tư khác.

Sự việc xảy ra với Ngân hàng Xây dựng mới đây đã cho thấy một thực tế là kinh doanh ngân hàng giờ đây khó hơn trước nhiều. Những ngân hàng trung bình và yếu kém sẽ ngày càng thấy ngột ngạt với áp lực cạnh tranh và áp lực tuân thủ các quy định mới về minh bạch. Triển vọng kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều năm là hoàn toàn hiện thực. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đang siết chặt dần các quy định và chế tài đối với việc lạm dụng ngân hàng như công cụ tài trợ vốn cho các giao dịch nội bộ.

Có thể, sẽ ngày càng nhiều ông chủ mới của các ngân hàng yếu kém mong ước mình chưa từng thâu tóm, chưa từng sở hữu ngân hàng.

Sau hơn ba năm đi xuống của toàn ngành, 2015 sẽ là năm đầu tiên chứng kiến sự phân hóa rõ nét trong ngành ngân hàng.

Ở mặt đối lập, khủng hoảng là cơ hội để các ngân hàng thận trọng và hiệu quả vượt lên và càng trở nên mạnh mẽ hơn. Những bước đi khôn ngoan thận trọng trong giai đoạn thị trường bùng nổ đã giúp các ngân hàng như VCB, MBB tránh được cuộc chạy đua tăng tín dụng và hậu quả là nợ xấu. Giờ đây mức nợ xấu thấp cũng đã được họ xử lý nhanh hơn. Thanh khoản dồi dào với giá vốn thấp sẽ đặt họ ở vị thế thuận lợi trong thời gian tới để thu hút các khách hàng tốt trong khi nhiều ngân hàng khác vẫn đang vật lộn với khó khăn.

Một lợi thế tiềm ẩn rất lớn khác cho các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro lớn cho nợ xấu là khả năng phát sinh lợi nhuận bất thường từ thanh lý tài sản bảo đảm và thu hồi nợ đã dự phòng. Chỉ tính trong ba năm qua, MBB đang có của để dành là tài sản thế chấp của hơn 5.600 tỉ nợ xấu đã dự phòng. Con số này của VCB là 12.200 tỉ đồng. Với tỷ lệ thu hồi bình quân phổ biến là 30-50% khoản nợ và thời gian thu hồi trung bình ba năm, có thể tính được lượng lợi nhuận bất thường sẽ quay trở lại trong thời gian tới là không hề nhỏ.

Sau khi thanh khoản hệ thống được đảm bảo, các đợt hạ lãi suất huy động liên tục diễn ra khẳng định ưu tiên của các ngân hàng đã chuyển từ tăng quy mô huy động sang giảm giá vốn. Và quí 2-2014 là giai đoạn đầu tiên Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) lần đầu tiên cải thiện sau 10 quí suy giảm. Kết quả là lợi nhuận từ tín dụng tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn hai năm. Dù vẫn còn sự khác biệt trong chất lượng nguồn thu, hệ thống ngân hàng đang chứng kiến một giai đoạn chuyển đổi quan trọng khi nguồn thu lớn nhất từ tín dụng bắt đầu tăng trở lại.

Từ sự tích cực của nguồn thu từ tín dụng, và quyết liệt trong hạch toán và xử lý nợ xấu, có cơ sở để tin rằng từ nửa sau năm 2014, VCB và MBB sẽ bắt đầu có lợi nhuận cải thiện so với cùng kỳ, mở ra một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2015 với ba động lực lớn là: lợi nhuận từ tín dụng tăng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm và thu nhập khác từ thanh lý tài sản và thu hồi nợ xấu cải thiện.

VCB và MBB cũng đang nổi lên như hai ngân hàng dẫn đầu dựa trên các tiêu chí: thanh khoản tốt nhất, chất lượng tài sản tốt nhất, chi phí vốn thấp nhất, hiệu quả hoạt động cao nhất, trích lập dự phòng rủi ro lớn nhất, quản trị minh bạch và thận trọng nhất.

Dưới áp lực của Thông tư 02 và Thông tư 09, các ngân hàng khác trong nhóm tám ngân hàng niêm yết sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh hạch toán nợ xấu đẩy chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh.

Hồ sơ sức khỏe một số ngân hàng niêm yết

ACB: là một trường hợp khác biệt. Ngân hàng này từng thuộc tốp các ngân hàng dẫn đầu có ROE cao nhất trong suốt giai đoạn 2006-2010 với chiến lược kinh doanh vô cùng linh hoạt và táo bạo. Giai đoạn 2006-2007, lợi nhuận của ACB tăng tốc từ tín dụng và đầu tư cổ phiếu; 2008 họ thắng lớn từ trái phiếu trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán tháo để chạy khỏi Việt Nam; 2009 tiếp tục là năm thắng lợi từ tín dụng và cổ phiếu trong con sóng tăng từ gói kích cầu; 2010 ACB tiếp tục thu lợi từ thị trường liên ngân hàng, từ vàng... Đằng sau hiệu quả kinh doanh vượt trội đó của ACB là đội ngũ lãnh đạo rất nhạy bén với cơ hội thị trường và cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. ACB thời ấy có sự năng động và hiệu quả mang hình hài một ngân hàng đầu tư đầu tiên của Việt Nam. Nhưng rồi những rủi ro không thể tiên liệu của thị trường thế giới và Việt Nam đã khiến các lãnh đạo của ACB mắc vào những sai lầm. Nay lợi thế cạnh tranh từ đội ngũ lãnh đạo ấy không còn. ACB quay về làm tín dụng đơn thuần với không nhiều lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh chỉ đạt trung bình thấp.

STB: Trải qua những biến động lớn sau đợt thâu tóm đổi chủ năm 2012, ngân hàng này đang bất ngờ thể hiện trên bề nổi một mức sinh lời ROE cao thứ nhì trong ngành (sau MBB) và NIM cao nhất trong ngành. Nhưng những số liệu hai năm qua về việc đảo gần 30% dư nợ từ kỳ ngắn sang trung dài hạn cũng như việc tăng vọt của lãi phải thu tương ứng với số đảo nợ này cho thấy một bức tranh khác hẳn về chất lượng tài sản và lợi nhuận thực của ngân hàng. Rất ít nợ xấu được ghi nhận, rất ít dự phòng được trích lập. Con đường phục hồi của STB sẽ còn dài trước mặt.

SHB: Ngân hàng này công bố nợ xấu lên đến 8,2% dư nợ, lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết nhưng cũng là ngân hàng có dự phòng nợ xấu thấp nhất hệ thống. SHB, với rất ít lợi thế về nguồn vốn rẻ hay cơ cấu khách hàng tốt, đã không thể có đủ lợi nhuận để đảm bảo cả hai mục tiêu: trả cổ tức và xử lý nợ xấu. Cách ngân hàng này chọn trong 2-3 năm trở lại đây là ưu tiên trả cổ tức cho cổ đông từ hạch toán các khoản lãi thực chất chưa thu được và đẩy nợ xấu về thì tương lai để chờ thời gian xử lý giúp.



Lê Chí Phúc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Cổ tức “chôn” vào dự phòng (30/10/2014)

>   Nợ xấu: Còn công tác thì nói khác nhưng nghỉ rồi thì phải nói khác! (30/10/2014)

>   Chính phủ không hình sự hóa vi phạm kinh tế (29/10/2014)

>   Chính phủ ưu tiên giải quyết vấn đề nợ xấu của các ngân hàng (29/10/2014)

>   Hạ lãi suất và một mục tiêu khó nói (29/10/2014)

>   Vốn giá rẻ cho doanh nghiệp: Tiếp cận thế nào? (28/10/2014)

>   Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động (29/10/2014)

>   VNCB bổ nhiệm Tổng giám đốc (29/10/2014)

>   Các ngân hàng Thụy Sĩ quan tâm tới thị trường tài chính Việt Nam (29/10/2014)

>   HSBC: Tăng trưởng tín dụng cuối năm chỉ khoảng 10% (29/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật