Cổ tức “chôn” vào dự phòng
Nợ xấu tăng nhanh kể từ khi áp dụng quy định phân loại nợ mới theo Thông tư 09, theo đó khoản dự phòng rủi ro của NH gia tăng nên lợi nhuận thu về teo dần. Kết quả lợi nhuận của NH năm nay hoàn toàn phụ thuộc vào việc xử lý và thu hồi nợ, thay vì chú trọng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
* Nợ xấu tại Việt Nam đã từng “trốn” như thế nào?
* Xử lý nợ xấu đang quay về với câu chuyện “tiền thật”?
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, cho rằng tình hình xử lý nợ xấu hiện nay còn nhiều khó khăn nên đòi hỏi trước hết với NH là trích dự phòng đầy đủ, với các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC cũng phải trích dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt (TPĐB).
Vì thế rất khó để kỳ vọng được lợi nhuận cao. Đó cũng là vấn đề đang được các NHTM đưa ra kiến nghị với NHNN về việc xem xét để giảm dự phòng cho TPĐB nhận lại sau khi bán nợ xấu cho VAMC. Chẳng hạn, cần xem xét để giảm dự phòng TPĐB xuống 10% thay vì 20% hiện nay, nhằm giảm áp lực lợi nhuận và cổ tức cho các NHTM trước tình hình tín dụng khó tăng trưởng.
Tại DongA Bank, nợ xấu đến cuối tháng 9-2014 đã lên đến 6,8%, trong khi tín dụng chỉ tăng 6,5%. Mặc dù DongABank đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC trong 9 tháng qua lên đến gần 1.900 tỷ đồng, nhưng theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc, trước tình hình tín dụng khó tăng trong khi thanh khoản huy động vẫn khá tốt nên DongABank chưa có nhu cầu sử dụng TPĐB để tái cấp vốn. Chính vì lợi nhuận sa sút do nợ xấu tăng nhanh nên HĐQT DongABank cũng vừa có thông báo đến cổ đông về việc hoãn chi trả cổ tức đợt 1-2014 như dự kiến ban đầu.
Tổng giám đốc một NH lớn tại TPHCM cũng cho rằng, quỹ dự phòng rủi ro cho nợ xấu của NH đã tăng phi mã trong 9 tháng qua và hiện lên đến 7.000 tỷ đồng, đáng lo nhất là với nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Vì thế, dù chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm nay khá khiêm tốn, chưa tới 2.000 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng, nhưng khả năng khó có thể thực thi. Lợi nhuận khó đạt chỉ tiêu nên cổ tức chi trả cho cổ đông năm nay khả năng sẽ không thực hiện mà NH tập trung để trích dự phòng rủi ro, dù cổ tức đưa ra cho năm nay ở mức 5%, giảm gần một nửa so với năm trước.
Thực tế, trong 3 năm gần đây không ít NH đã “ém” cổ tức của cổ đông, vì nợ xấu tăng đòi hỏi dự phòng rủi ro cao. Mặt khác, để gia tăng năng lực tài chính trước sức ép cạnh tranh của thị trường và làn sóng M&A, các NH thường dùng cổ tức (chia bằng cổ phiếu) để tăng vốn điều lệ. Thế nhưng do kế hoạch tăng vốn của nhiều NH, nhất là với những NH nhỏ khó thực hiện.
Chẳng hạn tại VietABank, hơn 2 năm chưa thể thực hiện được kế hoạch phát hành 40,2 triệu cổ phiếu (tương đương 402 tỷ đồng) để tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng từ việc chi trả cổ tức cho cổ đông, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn, cũng như quỹ dự trữ bổ sung tăng vốn điều lệ. Lý giải cho việc này, HĐQT VietABank cho biết do cùng trong thời điểm năm 2013 đề án tái cấu trúc của NH đang được NHNN xem xét phê duyệt và đến cuối tháng 3-2014 mới chính thức được NHNN phê duyệt.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết 9 tháng đầu năm nay các NHTM trên địa bàn đã có lãi trên 4.600 tỷ đồng (lãi thu về cao hơn chi phí hoạt động). Tuy nhiên, thu nhập từ tín dụng chỉ đóng góp 45,1% vào tổng lợi nhuận, phần còn lại (hơn 50%) là các hoạt động ngoài tín dụng.
Vì nợ xấu của các NHTM trên địa bàn tăng nhanh kể từ khi áp dụng Thông tư 09, đến cuối tháng 8-2014, tổng nợ xấu của các NH là 60.900 tỷ đồng (chiếm 6,1% trong tổng dư nợ) so với mức đầu năm 2013 là 44.600 tỷ đồng (công ty tài chính và cho thuê tài chính có nợ xấu cao nhất, chiếm 21-37% tổng nợ xấu). Trong khi đó, các NH chỉ xử lý 15.584 tỷ đồng nợ xấu.
Bảo Lâm
đttc
|