Moody's: Chất lượng tín dụng của các ngân hàng Việt Nam sẽ cải thiện
Moody's Investors Service cho biết sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam và sự cải thiện của hoạt động quản trị đã dẫn đến sự khác biệt về mặt tín dụng, dù ở mức độ vừa phải, giữa các ngân hàng Việt Nam. Và điều này đã được thể hiện qua động thái tín nhiệm tích cực của Moody’s đối với 6 ngân hàng Việt Nam hôm 22/09.
* Moody's nâng bậc tín nhiệm VIB và nâng triển vọng ACB, MBB, STB, Techcombank, VPBank lên “tích cực”
* Moody's bất ngờ nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lần đầu từ năm 2005, triển vọng “ổn định”
Trong báo cáo công bố ngày 09/10 với tiêu đề “Môi trường vĩ mô ngày càng ổn định sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam giải quyết vấn đề chất lượng tài sản”, Moody’s đã đưa ra phân tích chi tiết về các nguyên nhân đằng sau động thái tích cực gần đây đối với xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng Việt Nam.
Ông Eugene Tarzimanov, Phó Chủ tịch Moody’s nhận định: “Hành động tín nhiệm tích cực gần đây đối với các ngân hàng Việt Nam chủ yếu xuất phát từ sự ổn định của môi trường hoạt động trong nước. Đây là yếu tố thuận lợi đối với các ngân hàng vì đã góp phần khôi phục chất lượng tài sản, đem lại sự ổn định cho cơ sở tiền gửi và cải thiện triển vọng kinh doanh của các ngân hàng”.
Ông Tarzimanov cho biết thêm: “Bên cạnh đó, một số ngân hàng Việt Nam cũng đã cải thiện chuẩn mực quản trị và hạ thấp khẩu vị rủi ro, nhờ đó nâng cao được chuẩn mực bảo lãnh tín dụng của mình”.
Báo cáo của Moody’s cung cấp các phân tích chuyên sâu về chiến lược của từng ngân hàng và các biện pháp đã được áp dụng để cải thiện hoạt động quản trị, đồng thời nhấn mạnh rằng một số ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp hơn so với các ngân hàng khác trước các điều kiện khắc nghiệt của thị trường kể từ năm 2011 đến nay. Các biện pháp này, cùng với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đã làm giảm mức độ ảnh hưởng của các tài sản xấu mới xuất hiện trong bảng cân đối kế toán và cũng cải thiện triển vọng phục hồi của các tài sản xấu đã tồn tại lâu nay.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cho biết trong báo cáo rằng tình hình và xếp hạng tín dụng của các ngân hàng sẽ chỉ cải thiện nếu chất lượng bảo lãnh và khả năng tăng vốn cải thiện đáng kể, và nếu các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng lợi nhuận cũng như xóa sổ các tài sản có vấn đề.
Theo báo cáo của Moody's, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã phần nào phục hồi từ mức đáy xác lập trong năm 2012 và Việt Nam đã thành công trong việc ổn định lạm phát ở các mức thấp lịch sử. Kết quả này đã cho phép Ngân hàng Nhà nước cắt giảm các mức lãi suất chính sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn đã giảm về mức 6.5% vào đầu năm nay từ mức 15% đầu năm 2012.
Theo Moody’s, các mức lãi suất thấp hơn là yếu tố tích cực đối với các ngân hàng Việt Nam vì điều này góp phần làm giảm gánh nặng nợ đối với người đi vay và dẫn đến sự cải thiện của thị trường bất động sản.
Các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, bao gồm lạm phát và tỷ giá ổn định, và nhu cầu vay vốn yếu đã cải thiện thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi mạnh hơn tăng trưởng cho vay, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) đã tăng lên mức 82% vào tháng 6/2014 từ mức 87% trong cùng kỳ 2013.
Được biết, hiện tại Moody's đang thực hiện đánh giá tín nhiệm đối với 9 ngân hàng của Việt Nam, trong đó có hai ngân hàng quốc doanh và 7 ngân hàng cổ phần tư nhân.
Phước Phạm (Theo Moody’s)
|