Mổ xẻ một góc “thành tích” xuất siêu
Từ năm 2012, Việt Nam đã lần đầu tiên xuất siêu và trạng thái này duy trì đến nay. Trong khi các cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận đó là điểm sáng của nền kinh tế, thì các chuyên gia lại tỏ ra lo lắng về những góc tối đằng sau.
Giai đoạn 2000-2012, xuất khẩu của nước ta tuy làm tăng sản xuất xấp xỉ 12% nhưng lan tỏa đến giá trị gia tăng lại giảm (-13,3%) và quan trọng hơn là lan tỏa đến nhập khẩu tăng rất mạnh (+52%). Điều này khẳng định xuất khẩu ở thời điểm hiện nay chẳng những là xuất khẩu sản phẩm thô, tài nguyên và sản phẩm gia công mà còn gây nên nhập siêu mạnh.
Xét trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu cao. Đỉnh điểm là năm 2008, tổng mức nhập siêu hàng hóa là trên 18 tỉ đô la Mỹ.
Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nhập siêu cũng không hẳn là không tốt, nếu các hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên trên thực tế, các loại hàng hóa nhập khẩu lại chủ yếu phục vụ cho khu vực FDI, một khu vực mà hầu hết máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu... dùng cho sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, và sau đó lại phục vụ cho xuất khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao.
Những mặt hàng xuất khẩu như điện tử; máy tính và linh kiện; điện thoại và các loại linh kiện; hàng dệt may; giày dép... mang nặng tính lắp ráp gia công, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, hiệu quả cho nền kinh tế cũng không cao.
|
Điều này có thể thấy được qua nghiên cứu tình hình nhập siêu và tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2000-2012 (hình 1). Nhập siêu có cao hay thấp thì GDP vẫn tăng trưởng khá trong giai đoạn này. Năm 2012, xuất siêu là 284 triệu đô la Mỹ thì tăng trưởng GDP vẫn đạt được 5,03%, dù là thấp trong vòng 12 năm qua.
Một điểm cần lưu ý trong yếu tố này là xu hướng nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực FDI cũng ngày càng “lấn lướt”, dần dần chiếm lĩnh thị phần của khu vực kinh tế trong nước. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước năm 2000 là 52,98%, giảm xuống còn 36,93% năm 2012; khu vực FDI tăng lên tương ứng từ 47,02% năm 2000 lên 63,07% năm 2012. Cơ cấu nhập khẩu cũng có sự thay đổi đáng kể, khi mà khu vực kinh tế trong nước phải “nhường” 24,9% thị phần cho khu vực FDI trong giai đoạn 2000-2012.
Rõ ràng là chúng ta đã và đang phải đối mặt với vấn đề “tự tái cấu trúc về sở hữu” của nền kinh tế khi mà chúng ta càng ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu và nhập khẩu phần lớn cũng chỉ để phục vụ cho xuất khẩu mà thôi, và cuối cùng nền sản xuất trở thành “gia công toàn diện”.
Ta đang mừng rỡ vì thành tích của người khác!
TBKTSG trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh về tác động thực tế của thành tích xuất siêu hiện tại.
Đánh giá chung của ông về bức tranh kinh tế qua “thành tích” xuất siêu của nước ta từ năm 2012 đến nay?
- Đây không phải chuyện hay mà là một hiểm họa bởi xuất siêu trong mấy năm gần đây là của khu vực kinh tế FDI (khu vực FDI) trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu. Tình hình này phản ảnh nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi thể chế, trong khi khu vực FDI đã không chịu nhiều ảnh hưởng của thể chế, mà còn được nhiều ưu đãi của thể chế.
Xu hướng mặt trái của tấm huân chương này sẽ như thế nào, thưa ông?
- Xu hướng nhập khẩu và xuất khẩu của khu vực FDI cũng sẽ ngày càng lấn lướt. Đến tám tháng đầu năm 2014, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI đã chiếm gần 68% trong tổng giá trị xuất khẩu và đương nhiên là tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước giảm đi tương ứng.
Đánh giá và dự báo như vậy, ông nghĩ gì về vai trò và đóng góp của khu vực FDI?
- Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng mạnh mẽ (63%, trong giai đoạn 2000-2012) nhưng tỷ lệ giá trị tăng thêm của khu vực này trong tăng trưởng GDP thay đổi không đáng kể (vẫn chỉ loanh quanh 17-18% GDP). Điều đó cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của khu vực FDI không đáng kể. Trong khi đó, xuất khẩu của khu vực này lại ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến nhập khẩu. Dù là nhập khẩu của nước nào cũng là nhập khẩu, không nên phân biệt từ Trung Quốc hay từ đâu (điều đó chỉ có ý nghĩa khi phân tích cụ thể vấn đề cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu).
Ở một khía cạnh khác, nếu tăng trưởng GDP mà cơ bản do đóng góp của khu vực FDI thì thực ra không phải là một tín hiệu đáng mừng đối với người dân Việt Nam. Trong 18% đóng góp của khu vực này vào GDP thì người dân Việt Nam được hưởng thông qua tiền công lao động, theo tôi, chưa tới 10%. Vì trong giá trị gia tăng bao gồm thu nhập của người lao động, thặng dư và thuế gián thu, mà thuế thì khu vực này đã được ưu đãi tối đa, nếu không họ cũng chuyển giá để làm giảm lợi nhuận, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng: chỉ chăm chăm làm bài toán trừ giữa xuất và nhập khẩu để tô đậm thành tích xuất siêu là cố tình không nhìn thấy “bản chất” thâm hụt của ngoại thương nước nhà. Khối FDI xuất khẩu từ Việt Nam rồi “khuân của” về nước. Ông thấy sao về chuyện này?
- Đúng là như vậy. Chuyện này giống như ta mừng rỡ vì thành tích của người khác!
Theo ông, phải làm sao để xuất siêu là miếng bánh thật mà người dân có thể “ăn”?
- Theo tôi cần có một cơ chế (thể chế) cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngang bằng với khu vực FDI và khu vực kinh tế Nhà nước.
Mỹ Lệ
|
Nguyễn Trí Dũng
tbktsg
|