Hành lang pháp lý VAMC: Vấn đề sống còn để xử nợ xấu
Cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng hơn, đặc thù hơn cho VAMC, vấn đề nâng cao được năng lực tài chính cho VAMC cũng rất cấp thiết và đang được NHNN phối hợp với các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp giải quyết nhằm giải phóng nhanh một lượng giá trị tài sản lớn đang bị tồn đọng làm tắc nghẽn một lượng vốn lớn của xã hội.
* Bao giờ có “con buôn” VAMC?
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐTV VAMC, đến thời điểm này công ty đã mua hơn 90.000 tỷ đồng nợ xấu từ các TCTD và cũng bán nợ được 3.000 tỷ đồng. Khoản nợ mới nhất được VAMC đấu giá thành công có giá trị 300 tỷ đồng, bằng 70% giá trị gốc của khoản vay.
Lãnh đạo một viện kinh tế lớn cho rằng, với mức đấu giá trên là khá cao và bước đầu thành công của VAMC. Bởi lẽ, trong quá trình xử lý nợ xấu (XLNX) ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc có rất nhiều khoản nợ xấu khi bán chỉ thu về được 45 - 50%, thậm chí có những khoản chỉ được 20% giá trị gốc khoản vay... Nhưng, để đẩy nhanh tiến độ XLNX qua VAMC, thời gian qua nhiều kiến nghị nhấn mạnh điều kiện cần phải trao quyền năng đặc biệt cho công ty này, thậm chí xây dựng luật riêng cho VAMC.
VAMC sẽ được phép kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của TCTD trước khi bán nợ?
|
Vừa qua, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia NH trong và ngoài nước và cả các đại biểu Quốc hội đều đưa ra quan điểm: Khi XLNX trở thành vấn đề lớn của cả nền kinh tế thì không còn là câu chuyện của chỉ riêng ngành NH. Nên dù có cố gắng, bản thân hệ thống NHTM không đủ sức để XLNX mà cần phải có tác nhân từ bên ngoài. Hay nói “nôm na” là Nhà nước phải ra tay hoặc thành lập công ty chuyên XLNX. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, để xử lý quyết liệt được nợ xấu, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện phải rất mạnh mẽ cả về quyền lực, năng lực và cả pháp lực. Ví dụ như Thụy Điển đầu những năm 90, quốc hội đã trao toàn quyền cho NHTW nước này XLNX.
“Tất nhiên, quốc hội phải giám sát chặt chẽ điều này vì nguồn tiền rất lớn. Nhưng ở đây tôi muốn nói là khi giải quyết một vấn đề đặc biệt phải có cách xử lý đặc thù, với quyền hạn đặc biệt”, một chuyên gia NH đưa ra quan điểm.
Mới đây, khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, tất cả các nước có AMC đều có một bộ luật riêng về cơ chế hoạt động AMC để có thể XLNX một cách nhanh nhất, thông thoáng nhất và từ đó để đạt được hiệu quả cao nhất cho phát triển kinh tế. Nhưng, trong thời gian hết sức cấp bách, nếu đặt vấn đề xây dựng ngay một luật như vậy thì sợ rằng không có đủ thời gian. Vì vậy, thời gian qua chúng ta phải xử lý theo cả mục tiêu ngắn hạn và mục đích dài hạn.
Đồng quan điểm, lãnh đạo Viện CIEM cho rằng, ở Việt Nam đặt vấn đề xây dựng bộ luật riêng cho VAMC rất công phu và mất nhiều thời gian. Và nếu càng kéo dài thời gian XLNX, tổn phí của nền kinh tế càng nhiều và ngược lại. Kinh nghiệm cho thấy, sự phục hồi kinh tế, hoạt động trở lại bình thường hệ thống tài chính phụ thuộc vào tốc độ XLNX. Thực tế, hiện nay VAMC vấp phải nhiều khó khăn trong hoạt động, mà những vấn đề về pháp lực liên quan nhiều đến các khung khổ pháp lý khác nhau như xử lý tài sản đảm bảo, hình thành thị trường mua bán nợ…
Ngay cả hành lang pháp lý để bảo vệ cho cán bộ VAMC chưa được rõ ràng khi tiến hành định giá phát mại tài sản hoặc đấu giá… Nếu chờ hoàn thiện tất cả khung khổ pháp lý này thì phải chờ một thời gian rất dài. Vì vậy, vị lãnh đạo CIEM đề xuất, thay vì chờ đợi xây dựng luật riêng cho VAMC thì cơ quan chức năng “nhặt” ra những điểm mấu chốt nằm trong các văn bản pháp lý khác nhau - đang là những yếu tố cản trở quá trình XLNX - tổng hợp lại đề xuất những nội dung cần được “đặc cách” để trình Quốc hội thông qua. Vì Nghị quyết của Quốc hội có sức mạnh vị trí tương đương như Luật.
Những nút thắt được vị chuyên gia trên đưa ra cũng trùng với kiến nghị của lãnh đạo VAMC trình Quốc hội chỉnh sửa để hoàn thiện hành lang pháp lý. Ngoài kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung Luật Đất đai cho phép các NĐT nước ngoài mua nợ được nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, lãnh đạo VAMC còn đề nghị Quốc hội có ý kiến để tòa án chấp thuận nội dung hợp đồng ủy quyền khởi kiện của VAMC cho TCTD. Theo đó, TCTD được phép thay mặt VAMC ký đơn khởi kiện và thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn. Đồng thời, cho VAMC được phép kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của TCTD trước khi bán nợ.
TS. Cấn Văn Lực bổ sung cần phải cho phép VAMC có quyền xử lý tài sản đảm bảo, chuyển nhượng, bán khoản nợ mà không phải xin phép bên đi vay. Ngoài ra, cơ quan này có quyền phối hợp với cơ quan công an cưỡng chế nếu bên đi vay không hợp tác. Nhất là hạn chế hình sự hóa trong quan hệ tranh chấp dân sự, đặc biệt trong việc bán nợ, tài sản thấp hơn giá trị gốc. “Có một hành lang pháp lý hoàn thiện, đủ mạnh như vậy mới đẩy nhanh được tốc độ XLNX, lãnh đạo Viện CIEM nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý, NHNN cũng đã liệt kê tất cả các bộ luật hiện hành đang có những nội dung không phù hợp với việc XLNX thông qua VAMC trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội cân nhắc có hướng điều chỉnh trong thời gian tới. Cùng với đó, cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng hơn, đặc thù hơn cho VAMC, vấn đề nâng cao được năng lực tài chính cho VAMC cũng rất cấp thiết và đang được NHNN phối hợp với các bộ, ngành chức năng tiếp tục phối hợp giải quyết nhằm giải phóng nhanh một lượng giá trị tài sản lớn đang bị tồn đọng làm tắc nghẽn một lượng vốn lớn của xã hội.
Thanh Huyền
thời báo ngân hàng
|