Đồng rúp giảm giá, ai bị hệ lụy?
Tỷ trọng trong giao dịch toàn cầu của đồng rúp đã giảm xuống còn 0,4% từ mức 0,6% vào năm 2012, qua đó kéo đồng rúp tụt 5 hạng xuống vị trí thứ 18 trong số những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên toàn thế giới.
Mất giá 20%, sau 9 tháng
Kể từ tháng 1 đến nay, đồng rúp đã giảm giá khoảng 20% so với đồng USD và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1998. Đây là một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất chỉ sau đồng peso của Argentina.
Giới phân tích dự báo, đồng tiền này còn có thể tiếp tục giảm sâu hơn, bất chấp những nỗ lực can thiệp của NHTW Nga khi chỉ trong vài ngày vừa qua đã chi ra tới 1,75 tỷ USD nhằm kéo giá lên. Trước đó, NHTW Nga đã chi trên 40 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong 5 tháng đầu năm. Giá dầu thô và khí đốt giảm mạnh và lệnh cấm vận của phương Tây là những nguyên nhân chính khiến đồng rúp mất giá mạnh vừa qua.
“Áp lực giảm giá của đồng rúp vẫn rất lớn khi các nhà đầu tư (NĐT) tiếp tục rời bỏ quốc gia này và biện pháp trừng phạt của phương Tây đang bóp nghẹt việc tiếp cận thị trường vốn nước ngoài” - Vladimir Evstifeev, Ngân hàng Zenit nói với hãng tin Bloomberg.
Các NĐT đã rút vốn mạnh khỏi Nga kể từ khi khủng hoảng nổ ra ở Ukraine và phương Tây siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Theo một số ước tính, lượng vốn ròng chạy khỏi Nga năm nay có thể lên trên 100 tỷ USD, mạnh nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra vào năm 2008.
Tại hội nghị thường niên về đầu tư tổ chức hồi đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng trấn an các NĐT nước ngoài. Theo đó cam kết Nga sẽ không áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn và sẽ duy trì tiến trình tư nhân hóa.
Theo số liệu của Bloomberg, tỷ trọng trong giao dịch toàn cầu của đồng rúp đã giảm xuống còn 0,4% từ mức 0,6% vào năm 2012, qua đó kéo đồng rúp tụt 5 hạng xuống vị trí thứ 18 trong số những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên toàn thế giới. Bloomberg cũng cho biết, hiện không có một quốc gia nào giữ đồng rúp trong dự trữ ngoại hối.
Nếu tiếp tục bơm ngoại tệ dự trữ ra để giúp nâng giá đồng Rúp, NHTW Nga có nguy cơ sẽ bị cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối. Đó là lý do tại sao nhiều nhà phân tích đang đặt cược vào khả năng bước đi tiếp theo của NHTW Nga là sẽ tăng lãi suất vào đầu tháng này, qua đó có thể đẩy lãi suất cho vay lên mức 8,5%/năm. Điều này nếu xảy ra sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế vốn đã khó khăn sẽ càng khó khăn hơn.
Một lợi ích tiềm năng của việc đồng tiền mất giá là giúp làm giảm chi phí sản xuất trong nước, qua đó tạo cho các nhà sản xuất trong nước khả năng cạnh tranh tốt hơn. Chính phủ Nga cho biết điều này đang xảy ra. Đã xuất hiện một số thông tin về sự gia tăng hoạt động trong các ngành như chế biến thực phẩm và luyện kim.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là hệ thống kinh tế dựa trên sản xuất của Nga đã bị lãng quên trong nhiều năm qua khi nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu, khí đốt và các hàng hóa khác. Các nhà máy sản xuất của Nga không thể tăng đáng kể sản lượng mà không cần đầu tư vốn lớn.
Nhưng theo chuyên gia kinh tế Neil Shearing thuộc Capital Economics, với dự báo nguy cơ vốn rút ra khỏi Nga năm nay có thể lên tới 120 tỷ USD thì cơ hội để ngành sản xuất Nga có được đầu tư lớn là rất mờ nhạt.
Những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất
Đồng rúp giảm sâu hơn cũng có nghĩa sẽ ngày càng có đối tượng chịu ảnh hưởng hơn.
Đó là người tiêu dùng. Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Nga, đồng nội tệ mất giá khiến lạm phát đã tăng lên đến 8% trong tháng 9. Trong đó, riêng giá thực phẩm tăng tới 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán hàng tiêu dùng nhập khẩu như máy tính xách tay đã sụt giảm mạnh. Người dân Nga cũng đang trì hoãn mua xe ô tô và các mặt hàng giá trị lớn khác.
Đó là các ngân hàng và các DN Nga. Đồng rúp giảm đang đánh trực diện vào bảng cân đối tài chính của họ, trong đó bao gồm khoảng 54,7 tỷ USD nợ nước ngoài đến hạn trả trong ba tháng tới. "Một số DN tư nhân có thể sẽ yêu cầu chính phủ hỗ trợ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ bên ngoài của họ” – chuyên gia Shearing nhận định và cho biết thêm: "Đặc biệt trong bối cảnh phần lớn khu vực tư nhân đã bị đóng cửa với thị trường vốn toàn cầu do lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Tiếp đến là các nhà sản xuất nước ngoài tại Nga. Các công ty khác nhau, từ nhà sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch đến hãng sản xuất ô tô Nissan đang gặp khó khăn trong các khoản đầu tư vào hoạt động sản xuất tại Nga. Một đồng rúp yếu khiến họ phải mất thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, dẫn đến giá bán hàng đầu ra cao hơn và doanh số bán hàng giảm.
Các công ty như Nissan đang thúc đẩy các nguồn cung vật liệu tại ngay trong nước Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi họ làm vậy thì một đồng rúp yếu hơn vẫn sẽ làm giảm giá trị lợi nhuận mà họ thu về.
Không thể không nhắc đến ảnh hưởng lan tỏa, đó là các chủ khách sạn ở một số thị trường du lịch đón khách Nga truyền thống như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Đây là những đối tượng phục vụ cho khách du lịch Nga nhưng đang trực tiếp chịu các tác động vì nhiều người Nga không còn đủ khả năng đi du lịch ở nước ngoài.
Hãng du lịch TUI của Anh - một trong những công ty chuyên cung cấp các tour du lịch trọn gói tới các điểm đến như Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) hay thành phố Sharm el Sheikh (Ai Cập) đầu tháng này cho biết, họ đã cắt giảm số lượng các gói kỳ nghỉ cung cấp cho khách hàng Nga đi khoảng 30%. Một số công ty lữ hành của Nga chuyên về du lịch nước ngoài thậm chí đã phải dừng kinh doanh.
Đỗ Lê
thời báo ngân hàng
|