Thứ Sáu, 03/10/2014 09:19

Doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng sang Đông Nam Á

Sự chuyển hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản giúp các nước Đông Nam Á lục địa giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các công ty Nhật Bản đang chuyển dịch nguồn lực kinh doanh sang các nước Đông Nam Á để tìm kiếm nguồn nhân lực rẻ hơn. Gần đây 8 công ty Nhật Bản đã bắt đầu triển khai hoạt động tại thị xã Savannakhet của Lào nằm bên bờ sông Mê Kông, trong đó có các thương hiệu lớn như Nikon (chuyên sản xuất thiết bị chụp ảnh) và Toyota (hãng xe hơi hàng đầu thế giới).

Ông Hisao Tanaka, Chủ tịch tập đoàn Toshiba, trình bày chiến lược phát triển của công ty, trong đó có việc mở rộng đầu tư vào Đông Nam Á

Lào là một nước nghèo, có dân số 7 triệu người và là một đồng minh thân cận của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác viện trợ lớn nhất của Lào, bên cạnh đó họ cũng đầu tư vào nhiều lĩnh vực như khai khoáng, thủy điện và nông nghiệp. Nhật Bản đang muốn thay đổi điều này. Khu công nghiệp mới mở tại Savannakhet là một phần trong kế hoạch lớn của họ ở Lào, bao gồm một cây cầu bắc qua sông Mê Kông sang Thái Lan và nâng cấp đường cao tốc dẫn tới biên giới Việt Nam. Ông Hiroshi Yamamoto, giám đốc một doanh nghiệp phụ trợ của Nikon, tin tưởng rằng Lào có thể trở thành trung tâm trung chuyển của tập đoàn này.

Đây là một ví dụ điển hình của việc Nhật Bản sử dụng viện trợ và vốn đầu tư để làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Trong năm 2012, Việt Nam đã nhận được 1,7 tỉ đôla Mỹ viện trợ từ Nhật Bản - nhiều nhất trong các nước được Nhật Bản viện trợ ở Đông Nam Á lục địa, tăng hơn 60% so với năm trước. Nhật Bản cũng đang bắt đầu tăng viện trợ cho Campuchia, Myanmar và Lào - các đồng minh của Trung Quốc - nhưng ở mức độ thấp hơn. Động thái này diễn ra trong thời điểm quan hệ Nhật - Trung đang xấu đi rõ rệt do các tranh chấp lãnh thổ và mâu thuẫn lịch sử.

Giáo sư David Potter ở Đại học Nanzan, Nhật Bản, nhận định: “Rõ ràng việc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc đang trở thành ưu tiên trong chính sách viện trợ của Nhật Bản”.

Một quan chức thương mại cấp cao của Nhật Bản cho biết Tokyo coi viện trợ là một cách để phá thế kiểm soát của Trung Quốc đối với các nước còn nghèo như Campuchia và Lào: “Chúng tôi muốn thấy nền công nghiệp bản địa phát triển, tự đứng trên đôi chân của mình và trở nên bớt phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Chính sách này đã từng được Nhật Bản áp dụng vào thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, khi họ cung cấp tài chính cho Thái Lan để phát triển cơ sở hạ tầng. Giờ đây, các công ty lắp ráp xe hơi và sản xuất thiết bị điện tử NhậtBản chiếm hơn 2/3 lượng vốn đầu tư nước ngoài ở Thái Lan. Chính sách trên vừa đem lại các lợi ích kinh tế, vừa góp phần khiến hai nước xích lại gần nhau hơn: Thái Lan vẫn giữ trạng thái đồng minh với Nhật Bản khi căng thẳng khu vực gia tăng bởi các yêu sách lãnh thổ mà Trung Quốc đưa ra.

Hiện nay, các thị trường mới nổi như Lào và Campuchia đem đến cho các doanh nghiệp Nhật Bản sự lựa chọn giá nhân công rẻ hơn Thái Lan và Trung Quốc. Mức lương trung bình ở Thái Lan đã tăng khoảng 40% từ khi mức lương tối thiểu được nâng lên 2 năm trước, và tình trạng thiếu nhân lực thường xuyên xảy ra. Các công ty Nhật Bản sẽ không chuyển hẳn khỏi Thái Lan vì đây vẫn là một trung tâm xuất khẩu lớn, tuy nhiên họ đang tích cực tìm cách để chuyển các cơ sở cần nhiều nhân lực sang các nước láng giềng để giảm chi phí sản xuất.

Tuy nhiên, xu hướng này hiện thời đang tập trung vào các nước có quy mô thị trường lớn: Thái Lan và Indonesia (nước có thị trường tiêu dùng khá lớn) khi Nhật Bản chuyển hướng đầu tư khỏi Trung Quốc sau các cuộc bạo loạn bài Nhật năm 2012. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản năm trước đã đầu tư lên tới 10 tỉ đôla Mỹ vào Thái Lan, con số lớn nhất từ trước đến nay. Việt Nam - quốc gia có 92 triệu dân, cũng vướng vào tranh chấp với Trung Quốc giống Nhật Bản - đã nhận được 3 tỉ đôla Mỹ vốn đầu tư từ Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2012.

Các doanh nghiệp Nhật cũng đang khá hứng thú với thị trường Myanmar do nước này muốn mở cửa và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tokyo đã cung cấp vốn để xây dựng một khu công nghiệp ở phía Nam Yangon, nhưng các khó khăn về cơ sở hạ tầng là một trở ngại khá lớn. Trong khi đó, các nước nhỏ như Lào và Campuchia nhiều khả năng chỉ đóng vai trò phụ trợ trong chuỗi sản xuất ở Thái Lan. Số vốn đầu tư của Nhật năm ngoái vào Campuchia chỉ là 127 triệu đôla Mỹ - tăng 75% so với 2012, tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn. Theo số liệu của ASEAN, trong thời gian từ 2005 đến 2012, các công ty Trung Quốc đầu tư vào Campuchia nhiều gấp 10 lần các công ty Nhật Bản, ở Lào là 4 lần.

Cuộc dịch chuyển này không phải là không có những trở ngại. Một số công ty Nhật Bản phàn nàn rằng các công nhân ở Lào và Campuchia đã quen với nền sản xuất nông nghiệp và hay bỏ việc khi tới mùa thu hoạch nông sản; số khác thì chỉ đi làm để kiếm tiền đi học rồi thôi. Phát ngôn viên Yasuo Komine của công ty Minebea chuyên sản xuất động cơ và vòng bi cho biết thử thách lớn nhất ở Campuchia là việc tuyển dụng và giữ chân công nhân. Công ty này mới mở một nhà máy ở Campuchia với 6.000 công nhân chuyên làm các công việc đơn giản.

Trung Quốc cũng không đứng yên nhìn Nhật Bản vượt mặt mình. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố kế hoạch thành lập một ngân hàng chuyên về phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á để làm đối trọng với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) mà Nhật Bản đóng vai trò chính. Trung Quốc cũng đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nối tỉnh Vân Nam với Lào và Thái Lan. Tuy vậy, các quan chức chính phủ Lào rất hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản. Lượng vốn đầu tư của Nhật Bản vào thị trường Lào đã tăng từ 27,5 triệu đôla Mỹ năm 2012 lên 406 triệu đôla Mỹ năm 2013, vượt qua viện trợ của chính phủ Nhật Bản. Giá thành sản xuất ở Lào rẻ bằng 1/3 ở Trung Quốc và các công ty phụ trợ có quy mô vừa và nhỏ đang nghiên cứu rất kĩ về hướng đi mới này.

Sự dịch chuyển vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản là thời cơ để các nước Đông Nam Á tận dụng nhằm phát triển kinh tế cũng như xây dựng quan hệ tốt đẹp với một cường quốc đang nổi lên ở khu vực. Điều này cho phép các nước này thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc.

Trần Khắc Thành

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Thu nhập của lao động nông thôn tại châu Á tăng mạnh (03/10/2014)

>   ASEAN tăng cường hài hòa hóa các quy định về mỹ phẩm (02/10/2014)

>   Italy: Biểu tình chống chính sách khắc khổ trước cuộc họp của ECB (02/10/2014)

>   Ngân sách dành cho an toàn thông tin toàn cầu đã giảm (02/10/2014)

>   Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức vì sai lầm trong bảo vệ Obama (02/10/2014)

>   Chính phủ Pháp thừa nhận tình hình kinh tế tiếp tục ảm đạm (02/10/2014)

>   Hàng không châu Âu: Đình công & bài toán giá rẻ (01/10/2014)

>   Hàng không châu Âu: Đình công & bài toán giá rẻ (02/10/2014)

>   Hàn Quốc đạt thặng dư tài khoản vãng lai 30 tháng liên tiếp (01/10/2014)

>   Bà Merkel: EU có thể xét lại chính sách năng lượng đối với Nga (30/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật