Thứ Năm, 02/10/2014 18:56

Hàng không châu Âu: Đình công & bài toán giá rẻ

Cuộc đình công lịch sử của các phi công hãng hàng không Pháp Air France hé lộ thêm bức tranh không mấy khả quan đối với các hãng hàng không lớn châu Âu trong việc giành giật thị phần.

Cả Air France và Lufthansa đều chạy đua trong cuộc chiến giá rẻ, và kết quả là phải cắt giảm chi phí và phúc lợi của ngành. Ảnh: Reuters

Cả hai đều thiệt

Sau 14 ngày đình công, các phi công Air France đã quay lại với nhịp độ công việc bình thường từ ngày 30-9, tạm dừng cuộc xung đột kéo dài nhất trong vài chục năm qua giữa giới chủ Air France và các công đoàn phi công.

Bản tổng kết chẳng khiến ai hài lòng, cả hai bên đều thiệt. Với Air France là con số gần 300 triệu euro mất đi do hủy chuyến, hoãn chuyến và các thiệt hại phát sinh khi phải đền bù cho khách hàng. Nói như Tổng giám đốc Air France Alexandre de Juniac thì “trong 14 ngày các phi công không làm việc, Air France đã ném qua cửa sổ ba chiếc Boeing 737 mới tinh”. Trên hết là thiệt hại về hình ảnh, khi Air France giờ đây sẽ là một cái tên gây nghi ngại cho khách hàng.

Các phi công cũng mất nhiều hơn được. Yêu sách của họ về việc chỉ ký một hợp đồng lao động duy nhất khi bay cho cả Air France lẫn nhánh giá rẻ Transavia của hãng này không được chấp nhận. Hình ảnh của chính họ trở nên xấu xí. 69% dân Pháp được hỏi tức giận với các phi công, coi họ là “những đứa trẻ hư hỏng” vì quá được nuông chiều. So với các đồng nghiệp châu Âu, các phi công Air France được hưởng nhiều ưu đãi. Số giờ bay của họ thấp hơn từ 20-25% và thu nhập theo giờ bay của mỗi phi công Air France cao hơn các đồng nghiệp trong các hãng hàng không giá rẻ đến 40%.

Ngay những đồng nghiệp làm trong các bộ phận khác của Air France cũng lên tiếng chỉ trích các phi công là “ích kỷ” và “bè phái”, chỉ biết nghĩ đến lợi ích của mình mà không quan tâm đến sự hy sinh của các bộ phận khác. Chỉ trích này đến từ phân tích rằng, nếu yêu sách của các phi công được chấp nhận thì chi phí của Transavia sẽ tăng thêm 2-3%, xóa sạch lợi nhuận của nhánh duy nhất hiện nay làm ra tiền cho Air France, vốn thua lỗ nhiều năm qua trên thị trường hàng không Pháp và châu Âu.

Cái được duy nhất của các phi công là ban giám đốc Air France đã phải quyết định tạm hoãn dự án Transavia Europe, tức mở rộng chi nhánh của Transavia ra ngoài hai thị trường quen thuộc hiện nay là Pháp và Hà Lan, đồng nghĩa với việc có thể giảm bớt phi công Pháp và thay vào đó là thuê các phi công nước ngoài với giá rẻ hơn.

Dĩ nhiên, với Air France, đó là một bước lùi.

Miếng bánh “giá rẻ”

Với Air France hay nhiều hãng hàng không lớn khác tại châu Âu như Lufthansa (Đức), giành giật thị trường với các hãng hàng không giá rẻ giờ là một trong những nhiệm vụ chiến lược cho tương lai. Theo các nghiên cứu gần đây của hãng Boeing, chi phí cho các chuyến bay ngày càng tăng trong khi giá vé lại đã giảm 16% kể từ năm 1995 đến nay.

Thực tế này, cộng thêm sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng hàng không ở Trung Đông (Emirates, Etihad Airways…) buộc các hãng hàng không lớn của châu Âu phải thay đổi để tồn tại, mà hướng đi khả thi nhất là lập ra các nhánh giá rẻ để cạnh tranh thị phần hiện đang chiếm 27% ngành hàng không thế giới và dự kiến sẽ lên mức 35% vào năm 2033.

Air France thành lập Transavia năm 2006, Lufthansa lập ra Germanwings rồi trở thành cổ đông chính của Eurowings để cạnh tranh ở thị trường châu Âu với mức giá dự kiến rẻ hơn 20%. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến không đơn giản khi Air France hay Lufthansa buộc phải cắt giảm chi phí ở mức tối đa để thực sự có các nhánh “giá rẻ” khả dĩ cạnh tranh được với Ryan Air hay EasyJet. Trong khi chi phí nhiều nhất là nhiên liệu chiếm 30% không thể thay đổi, các hãng này buộc phải tìm phương cách tiết kiệm ở việc cắt giảm nhân công, đóng cửa một số dịch vụ hay chuyển các chuyến bay đến các sân bay phụ, xa các trung tâm lớn để tiết kiệm phí sân bãi.

Nhưng cả Transavia của Air France lẫn Eurowings của Lufthansa đều chưa thành công. Tính theo đơn vị hoạt động, Ryan Air có chi phí rẻ nhất, tiếp đến là Vueling, dù hãng này không thực sự là “giá rẻ” và sau đó là Norwegian Air Shuttle của Na Uy.

Khúc mắc lớn nhất với các hãng như Air France hay Lufthansa là rào cản của các nghiệp đoàn, đặc biệt trong tình huống của Air France. Ở Pháp, nơi các công đoàn có quyền lực rất lớn và được xem là một trong ba nhân tố chính của bộ máy thể chế, cùng với chính phủ và nghiệp đoàn giới chủ. Các chương trình cải cách như Air France luôn bị các công đoàn phản đối gay gắt. Sau cuộc đình công 14 ngày vừa qua vừa tạm ngưng, dự án chiến lược Perform 2020 mà Air France mới tung ra hôm 11-9 gần như không thể thực hiện trọn vẹn.

Những phương án chuyển hướng mà các hãng như British Airways hay Norwegian Air từng thực hiện thành công như thuê các phi công từ châu Á thực hiện các chuyến bay giữa châu Âu với Mỹ cũng khó được chấp nhận tại Air France hay Lufthansa. Nguyên do vẫn là sự phản đối của các công đoàn và đôi khi là cả sức ép từ chính các chính phủ, như chính phủ Pháp, vốn không muốn chịu thêm bất cứ gánh nặng chỉ trích nào về việc cắt giảm việc làm đang trầm kha trong khủng hoảng kinh tế.

Về sâu xa, đó chính là nút thắt trong kế hoạch thay đổi mô hình phát triển mà chính phủ Pháp đang tiến hành, thông qua “Hiệp ước trách nhiệm”, đó là giảm bớt quyền lực của các công đoàn để giảm gánh nặng cho các công ty và từ đó nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp đang ngày càng mất dần ảnh hưởng.

Nhưng đó là chuyện còn lâu mới có hồi kết.

Quang Dũng

thời báo kinh tế sài gòn

Các tin tức khác

>   Hàn Quốc đạt thặng dư tài khoản vãng lai 30 tháng liên tiếp (01/10/2014)

>   Bà Merkel: EU có thể xét lại chính sách năng lượng đối với Nga (30/09/2014)

>   Hãng BlackBerry thông báo lỗ 207 triệu USD trong quý 2 (29/09/2014)

>   Venezuela quốc hữu hóa tài sản công ty Mỹ (29/09/2014)

>   Coca Cola bội thu nhờ in tên lên nhãn chai (29/09/2014)

>   Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông? (29/09/2014)

>   Hàng Thái nhập lậu “đè” hàng nội (29/09/2014)

>   Trung Quốc ‘đẩy’ lạc hậu sang nước khác để… cứu mình (29/09/2014)

>   Italy có thể mất vị trí sản xuất rượu vang hàng đầu cho Pháp (28/09/2014)

>   Đầu tư nước ngoài vào Philippines giảm gần 39% trong quý hai (28/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật