DN đề xuất giãn thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đề nghị giãn thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt so với lộ trình đề ra trong dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong buổi gặp gỡ đoàn đại biểu quốc hội TPHCM hôm 15-10.
Lần đầu tiên trò chơi trực tuyến (game online) được đưa vào dạng sản phẩm/dịch vụ
phải chịu thuế TTĐB.
|
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội xem xét phê chuẩn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra từ ngày 20-10-2014.
Theo dự thảo Luật, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mặt hàng thuốc lá dự kiến tăng từ mức 65% hiện nay lên 70% trong thời gian từ ngày 1-7-2015 đến 31-12-2017, và lên 75% từ ngày 1-1-2018.
Ông Vũ Xuân Hưng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị nên lùi lộ trình tăng thuế đến năm 2017 cho mức 70% và đến năm 2020 cho mức tăng 75%.
Lý do được ông Hưng đưa ra là để đồng bộ với chính sách. Cụ thể, theo Nghị định 67/2013/NĐ-CP về định hướng phát triển ngành thuốc lá, đến năm 2017, doanh nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề hoặc sáp nhập nếu có sản lượng dưới 100 triệu bao/năm.
Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), tăng thuế TTĐB vào thời điểm này sẽ vô tình tiếp tục tạo cú hích cho buôn lậu phát triển, và mục tiêu của việc đánh thuế TTĐB là để giảm tiêu dùng thuốc lá sẽ không đạt được, vì lượng thuốc lá lậu trốn thuế sẽ tăng để bù lượng sụt giảm của sản xuất trong nước.
Theo VTA, số thuốc lá nhập lậu trong năm 2013 là 21,9 tỉ điếu, chiếm 20,7% thị phần. Hiện thuốc lá sản xuất tại Việt Nam chịu thuế TTĐB 65%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 135%, trong khi thuế đối với mặt hàng này ở các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam, như Lào, Campuchia và Trung Quốc đều thấp, nên tạo tính hấp dẫn để thuốc lá lậu từ các nước này tràn vào Việt Nam.
Do đó, ông Cường cho rằng, Chính phủ nên làm trước một bước việc tăng cường chống buôn lậu thuốc lá, rồi mới tăng thuế TTĐB, theo đó mới đảm bảo giảm tiêu thụ thuốc lá trong nước.
Ông Vũ Xuân Hưng, VCCI, cũng cho rằng việc tăng thuế TTĐB với các mặt hàng khác như bia, trò chơi trực tuyến (game online) cũng nên được xem xét cho phù hợp với quy hoạch ngành, như Quyết định 2435/QĐ-BCT phê duyệt ngành bia-rượu-nước giải khát đến năm 2015.
Đối với trò chơi trực tuyến (game online) (với dự luật trên, lần đầu tiên game online được đưa vào diện đánh thuế TTĐB - PV), ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng không nên đánh thuế TTĐB với sản phẩm này. Bởi lẽ, trên thực tế, game online đang được các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp xuyên biên giới do đó không thể quản lý được. Trong khi đối tượng chịu thuế tại Việt Nam chủ yếu là các công ty phát hành, tức là đơn vị thứ cấp sản xuất lại game nước ngoài sau khi ký hợp đồng về bản quyền. Các công ty phát hành này đang chịu nhiều thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế nhà thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bản quyền cho nhà sản xuất nước ngoài,….
Ngoài ra, về quản lý nhà nước, với các game trong nước phát hành, đã có hội đồng thẩm định nội dung để ngăn chặn game kích động bạo lực, mang tính chất gây nghiện. Ông Thọ cũng cho rằng cần có lộ trình hỗ trợ để doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được sản phẩm công nghệ nội dung số, phần mềm thay thế sản phẩm nước ngoài.
Theo bà Phan Hoài Thu, đại diện của Công ty CP VNG, nếu áp thuế TTĐB lên sản phẩm game online, nhà nước có thể thu thêm được 800 tỉ đồng/năm cho ngân sách, nhưng số thuế thất thu sẽ là khoảng từ 626 tỉ - 1.043 tỉ đồng do doanh thu của ngành nội dung số giảm vì gặp khó khăn khi bị áp thuế TTĐB 10%.
Tại buổi gặp gỡ này, cũng có ý kiến đề xuất không nên đánh thuế TTĐB với các mặt hàng như xe điện vì đây là phương tiện đang sử dụng để phục vụ du lịch, hay không nên đánh thuế TTĐB lên máy điều hoà nhiệt độ vì đây là mặt hàng phổ biến và cần thiết cho cuộc sống chứ không còn được xem là hàng xa xỉ hay cần hạn chế tiêu dùng.
Bản chất của thuế TTĐB là công cụ giúp định hướng tiêu dùng, tức đánh thuế những sản phẩm mà Nhà nước không khuyến khích sử dụng để hạn chế tiêu dùng và tạo nguồn thu ngân sách.
T.Thu
tbktsg
|