"Cục nợ công"
Những ngày này, mở ti vi ra xem hay đọc báo, thậm chí ra lề đường “hóng gió” chúng ta đều nghe nói đến chuyện nợ công. Đang có ít nhất hai cách tiếp cận về xử lý nợ công, tạm chia thành một từ phía nghị trường và một từ phía lề đường.
Trong nghị trường, một số đại biểu quốc hội tranh cãi với nhau liệu nợ công của chúng ta đã vượt ngưỡng 65% GDP hay chưa và đâu là con số chính xác về nợ công.
Một số đại biểu khác cho rằng bội chi ngân sách và kỷ luật tài khóa lỏng lẻo là nguyên nhân chính của nợ công. Cũng có đại biểu quan tâm đến tính bền vững nợ công khi tình trạng chi thường xuyên quá lớn trong khi chi đầu tư phát triển đang bị thu hẹp, lại dành một phần đáng kể ngân sách để trả nợ, hay thậm chí phải đi vay mới trả cũ.
Về giải pháp, một số đại biểu đặt vấn đề xem xét lại cơ cấu thu chi ngân sách hiện nay, cách thức phân bổ vốn, rà soát lại các khoản chi không cần thiết để cắt giảm... Thế nhưng, có vẻ như nhiều vấn đề và giải pháp mà các đại biểu nêu ra vẫn chưa “trúng huyệt” và thuyết phục cử tri.
Ở bên kia đường, không ít người dân cũng dành sự quan tâm về nợ công với tư cách là con nợ phải trả cuối cùng. Tất nhiên, không phải ai cũng biết định nghĩa nợ công là gì và việc tính toán như thế nào nhưng chắc chắn ai cũng nhìn thấy có một "cục nợ" gần 1.000 USD đang treo lơ lửng trên đầu họ.
Gấp tờ báo lại, thứ mà người dân liên tưởng đến không phải là thâm hụt ngân sách hay thứ gì khác có tính vĩ mô như vậy mà là tình trạng thất thoát, lãng phí, không hiệu quả trong sử dụng tài sản công nói chung cũng như chi tiêu ngân sách nói riêng.
Hơn nữa, sự thất thoát và lãng phí này không hẳn hoàn toàn là do năng lực quản lý kém cỏi mà là do thể chế yếu kém, tạo cơ hội cho hành vi trục lợi, tham ô, tham nhũng và tiêu cực mà không có hình thức chế tài thích đáng. Nhiều người nghi ngại nợ công chính là hệ quả đi cùng với sự tha hóa, biến chất của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ công chức.
Với lẽ đó, trong suy nghĩ của người dân, thay vì bàn chuyện nợ công bao nhiêu là an toàn hay cái gì khác đại loại như vậy thì nên bàn chuyện xử lý tham nhũng và chống tiêu cực ở khu vực công sẽ thiết thực hơn.
Nợ công dù có đáng ngại nhưng vẫn không thể sánh bằng nạn tham nhũng và ô dù - vốn là một nguyên nhân dẫn đến nợ công cao. Chỉ có cải cách và cải cách nhanh chóng mới là chìa khóa cho thành công. Cải cách càng chậm thì càng tạo cơ hội để người ta bòn rút càng nhiều, càng nhanh tài sản công chừng đó.
Chính sách cải cách hiện nay nên được đẩy nhanh càng sớm càng tốt bởi như vậy sẽ hạn chế phần nào tình trạng lạm dụng quyền lực để vơ vét ngân khố quốc gia và tài sản công. Thiết kế cải cách phải tạo cơ chế khuyến khích, thiết lập các chuẩn mực để cho mọi người phấn đấu, phải tạo cơ hội công bằng và khách quan để sự phấn đấu của họ là có ý nghĩa nhưng cũng đồng thời phải có những thiết chế “thép” để loại bỏ sự yếu kém và trì trệ, trừng phạt những người được cho là cản trở cải cách.
Đỗ Thiên Anh Tuấn/Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright
thanh niên
|