Doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành
“Cú hích” thúc đẩy cổ phần hóa
Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 cho phép các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá và giá trị sổ sách, được xem như một “cú hích” thúc đẩy cổ phần hóa gắn với thị trường chứng khoán.
Thoái vốn chậm
Theo Quyết định 51/2014/QĐ-TTg, các DNNN cổ phần hóa sau ngày 1/11/2014 phải đăng ký lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và giao dịch tập trung trên thị trường Upcom; các doanh nghiệp cổ phần hóa trước ngày 1/11/2014 phải có kế hoạch tham gia giao dịch tập trung trong vòng 1 năm kể từ ngày Quyết định 51/2014/QĐ-TTg có hiệu lực.
|
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đến cuối năm 2013, đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vào các lĩnh vực nhạy cảm, ngành nghề kinh doanh không đúng chức năng (chứng khoán, tài chính- ngân hàng, bất động sản) khoảng 21.417 tỷ đồng. Hệ quả đã khiến không ít DNNN làm thất thoát vốn, thua lỗ, hiệu quả kinh doanh thấp… Chủ trương của Đảng, nhà nước là kiên quyết chấm dứt tình trạng DNNN đầu tư vào các lĩnh vực không đúng chức năng kinh doanh đến năm 2015, buộc các doanh nghiệp phải thoái vốn.
Tuy nhiên, tính đến tháng 9/2014, các tập đoàn, tổng công ty mới thoái vốn được 4.453 tỷ đồng, đạt khoảng 20% trên tổng số 21.417 tỷ đồng vốn đầu tư nhà nước cần thoái. Như vậy, giá trị vốn đầu tư cần phải thoái trong kế hoạch năm 2015 của các DNNN còn lại là rất lớn, khoảng 16.367 tỷ đồng.
Mở hướng đi mới
Để tạo điều kiện cho các DNNN thoái vốn nhanh, thúc đẩy cổ phần hóa gắn với thị trường chứng khoán, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 51/2014/QĐ-TTg cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách kế toán trên nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất.
Đối với công ty cổ phần đã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom định giá cổ phiếu dưới mệnh giá thì bán theo biên độ quy định trên sàn chứng khoán. Nếu sau 3 tháng doanh nghiệp không bán hết cổ phiếu phải thoái vốn thì giảm giá tối đa 10% so với bình quân giá giao dịch thành công của 15 ngày trước để bán theo thỏa thuận.
Đối với công ty chưa niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán, chưa đăng ký và giao dịch trên sàn Upcom định giá cổ phần thấp hơn mệnh giá thì tổ chức bán đấu giá công khai. Nếu bán đấu giá lần đầu không thành công, hoặc không bán hết cổ phần thoái vốn qua đấu giá có thể bán thỏa thuận với giá không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp không bán hết), không thấp hơn giá khởi điểm (trường hợp bán đấu giá không thành công). Trường hợp bán thỏa thuận không thành công thì mức giá khởi điểm để bán đấu giá lần 2 giảm tối đa không quá 10% so với giá khởi điểm đấu giá lần đầu...
Việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu. Trường hợp cổ phần thoái vốn không bán được hoặc không bán hết, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ mua bằng mệnh giá (nếu không bán được cổ phần lần đầu qua đấu giá), mua bằng giá đấu thành công thấp nhất ngay sau khi bán đấu giá (đối với số cổ phần không bán được hết), mua bằng giá thỏa thuận thành công thấp nhất (trường hợp bán thỏa thuận không hết).
Lan Ngọc
công thương
|