C.E.O gọi, Chính phủ có trả lời?
Chuyện làm ăn, xoay xở hàng ngày, doanh nhân trẻ đã nói nhiều rồi. Nay, thay vì ngồi kêu ca, than vãn, các C.E.O muốn nhìn xa hơn, đặt ra những vấn đề dài hạn 5-10 năm và đề nghị Chính phủ hồi đáp.
Quang cảnh Diễn đàn C.E.O 2014: Bước đi nào cho cuộc chơi mới được tổ chức tại TPHCM hôm 24-9-2014.
|
Trăn trở
Trước Diễn đàn C.E.O 2014, diễn đàn lớn nhất trong năm của giới điều hành doanh nghiệp Việt Nam, các C.E.O đại diện các ngành, lĩnh vực đã ngồi lại với nhau nhiều giờ đồng hồ tại TPHCM, bàn bạc sẽ đề xuất những vấn đề gì lên đại diện Chính phủ.
Ông Phạm Phú Trường, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn, Phó Ban tổ chức chương trình, cho biết đối với các C.E.O, hội nhập như con sóng lớn đã đến, họ muốn lựa chọn những vấn đề có khả năng tác động đến tổng thể, có thể phối hợp chủ động giữa doanh nghiệp và Chính phủ chứ không phải là những chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Các C.E.O hình dung nền kinh tế đang là con tàu ì ạch. Một con tàu leo dốc bao giờ cũng bao gồm hai động cơ: kéo và đẩy. Động cơ kéo là thị trường và người tiêu dùng, động cơ đẩy là doanh nghiệp. Nhưng khi leo dốc, người ta không bao giờ tập trung vào động cơ kéo mà tập trung vào động cơ đẩy. Sức khỏe doanh nghiệp có tốt thì mới tạo ra công ăn việc làm, kích cầu, tạo cảm hứng và tự do.
Nhưng doanh nghiệp bây giờ đang bất an. Họ nghẹn ngào khi nói đến cảnh sát giao thông. Họ thấy bị xem như con bò sữa khi mà các cơ quan công quyền các cấp nhìn họ như một nguồn thu khiến họ sống trong trạng thái bất an. Vậy Chính phủ có thể làm gì để giúp họ?
Theo ông Lê Trí Thông, Phó tổng giám đốc BCG Việt Nam, diễn đàn C.E.O năm nay không được đặt ra như là điểm đến trao đổi mà nhằm thể hiện tinh thần chủ động của doanh nhân trẻ. Các C.E.O không muốn dừng lại ở những kiến nghị và ngồi kêu khổ, họ muốn đi một bước xa hơn là “tiếp thị” các sáng kiến để thuyết phục Chính phủ rằng làm những việc này thì Chính phủ có lợi, cộng đồng doanh nghiệp có lợi.
Những vấn đề mà giới C.E.O đề xuất với Chính phủ gồm: quan niệm đúng về vai trò của thị trường, kênh phân phối trong chuỗi giá trị của nền kinh tế; chấm dứt tư duy ngắn hạn trong làm ăn cũng như trong các chính sách quản lý; cải thiện chất lượng chính sách và tổ chức thực thi chính sách; cải thiện sự bình đẳng giữa các khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhà nước, nước ngoài; củng cố niềm tin cho người kinh doanh; củng cố thương hiệu quốc gia để dọn đường cho hàng Việt Nam đi xa hơn.
Thị trường của doanh nghiệp Việt Nam ngày nay không còn là thị trường hơn 90 triệu dân như nhiều người vẫn nói, mà là thị trường châu Á, thị trường toàn cầu. Dựa trên cách nhìn “đại dương xanh” đó, với từng vấn đề nêu ra, các C.E.O đề nghị Chính phủ đưa ra các yêu cầu và doanh nghiệp trả lời, ngược lại, doanh nghiệp nêu yêu cầu thì cũng cần được Chính phủ hồi đáp. Họ đề nghị được gặp gỡ người đại diện của Chính phủ định kỳ hàng quí để đưa ra các kiến nghị.
Ngã ngựa thì leo lên đi tiếp
Doanh nghiệp bây giờ đang bất an. Họ nghẹn ngào khi nói đến cảnh sát giao thông. Họ thấy bị xem như con bò sữa khi mà các cơ quan công quyền các cấp nhìn họ như một nguồn thu khiến họ sống trong trạng thái bất an. Vậy Chính phủ có thể làm gì để giúp họ?
|
Ở diễn đàn C.E.O năm nay, các doanh nhân đứng đầu các thương hiệu lớn đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với doanh nhân trẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc chuỗi nhà hàng Wrap&Roll bày tỏ “một thứ cảm xúc rất phức tạp” khi Wrap&Roll đã có bảy năm trên thương trường, với chín cửa hàng. “Liệu có ai muốn đầu tư vào công ty, cùng đi trên đường với chúng tôi không?”, bà hỏi.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), chia sẻ: “Hãy cứ làm cho công ty lớn hơn, không nhất thiết phải bán lúa non dù nhiều quỹ đến chào mua. Chúng ta cần nhà đầu tư tốt chứ không cần kiếm lời ngắn hạn. Vậy doanh nghiệp phải tự làm mình trở nên hấp dẫn hơn lên, có nhiều ưu điểm đến nỗi họ phải tìm đến và đưa tiền cho ta. Và khi bán cổ phần cũng mới chỉ là sự bắt đầu. Ta cần biết rõ ta bán để làm gì. Đừng sợ bị thâu tóm mà quan trọng là tạo ra giá trị cho công ty”.
Nhưng xây dựng công ty lớn lên đâu dễ! Một C.E.O trẻ hỏi nhà kinh doanh hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPP: “Làm sao để doanh nghiệp dệt may Việt Nam cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế?” Ông Nguyễn nói: “Thương hiệu Việt Nam không mạnh về tài chính. Thời trang cũng như ẩm thực, phải có bí quyết riêng. Đôi khi cần tập trung “đánh một quả” nhưng là có suy tính. Kinh doanh là con đường dài, đừng vì một lần ngã ngựa mà không leo lên đi tiếp”.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THA), cần suy nghĩ tạo giá trị doanh nghiệp thông qua chất lượng sản phẩm và triết lý kinh doanh. “Đừng học tràn lan mà hãy tập trung vào lĩnh vực hẹp của bạn. Bạn có thể mất nhưng đôi khi phải đánh cược 49-50. Quan trọng là ý chí”. Ông cho biết không phải tự nhiên mà từ đầu năm tới nay, Trường Hải bán được 40.500 ô tô. Đó là kết quả của ý chí và khát vọng. Ông nói: “Từ năm 2002, tôi đã đưa ra mục tiêu cho Trường Hải là trở thành nhà bán nhiều ô tô nhất Việt Nam vào năm 2015. Tôi đã luôn kiên trì với mục tiêu đó và nay, tôi đã làm được”.
Với vẻ hào hứng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn FPT (FPT), cho biết 3 từ mà ông đang nghĩ tới là “cơ hội, cơ hội và cơ hội”. Ông nói: “Bối cảnh mới bao giờ cũng có cơ hội cho bạn. Càng nhiều thay đổi thì càng nhiều nhân tố mới. Vấn đề là tạo được sự khác biệt và nhanh hơn người khác. Những công ty lớn cũng có thể choáng váng, không kịp trở mình khi cơ hội đến. Hãy giữ lấy ý chí, sẽ có ngày thị trường Việt Nam là nhỏ bé đối với bạn. Bài học của tôi là phải lao ra, đừng sợ”.
Một cách điềm đạm hơn, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, bổ sung: “Cơ hội là cái đến sau, cái cần có trước để nắm lấy cơ hội là phải sở hữu các giá trị riêng để khi khách đến thì đem ra đón tiếp”. Theo ông Viên, mỗi doanh nhân hãy tự hỏi mình đã có gì để đón cơ hội? Hội nhập là cơ hội rất tốt nhưng trước đó, doanh nghiệp phải tự tìm giá trị cho mình để nắm bắt cơ hội, phải sáng tạo, tạo ra của cải, thương hiệu, rồi phải luôn gõ cửa tìm kiếm những sự đồng hành, tương tác để cộng hưởng các giá trị.
Theo ông Viên, chưa bao giờ nhu cầu bắt tay nhau của doanh nghiệp Việt Nam lên cao như vậy. Nếu Chính phủ quan tâm hơn, đồng lòng với doanh nghiệp hơn thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh nhanh hơn trên đường băng hội nhập.
Hồng Phúc
tbktsg
|