Chủ Nhật, 05/10/2014 11:04

Lối thoát nào khi JFE ra đi?

Sự xuất hiện của tập đoàn JFE (Nhật Bản) được kỳ vọng sẽ giải cứu dự án xây dựng nhà máy thép ở khu kinh tế Dung Quất bị trì trệ nhiều năm qua. Thế nhưng mới đây, JFE cũng đã tuyên bố dừng xem xét đầu tư vào dự án có vốn đăng ký hàng tỉ đô la Mỹ này.

Dự án nhà máy luyện thép Dung Quất tại Quảng Ngãi được hình thành từ năm 2006, khởi đầu là do Công ty Tycoons (Đài Loan) đề xuất với công suất 5 triệu tấn/năm và tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ. Đó là thời điểm mà chính sách đầu tư của Việt Nam đang trao quyền tự quyết cho các địa phương và các địa phương đang lao vào cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài.

Vào thời điểm dự án được cấp phép, giới chuyên gia đã hoài nghi về tính khả thi của nó. Tycoons chỉ là một nhà sản xuất nhỏ với thương hiệu khiêm tốn trong làng thép thế giới.

Không lâu sau đó, dự án có thêm nhà đầu tư mới là E-United (Đài Loan). Hai nhà đầu tư đến từ Đài Loan này nâng vốn cam kết của dự án lên 3,3 tỉ đô la Mỹ nhưng vẫn giữ công suất như cũ và đổi tên thành dự án Nhà máy Thép Guang Lian (Quảng Liên) - Dung Quất. Theo giấy phép đầu tư, E-United trở thành nhà đầu tư chính nắm quyền chi phối dự án với vốn góp lên đến 90%, Tycoons chỉ góp 10%.

Năm 2011, hai nhà đầu tư tiếp tục xin điều chỉnh quy mô công suất nhà máy từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn/năm; đồng thời vốn đầu tư cũng tăng lên thành 4,5 tỉ đô la Mỹ. Đề xuất này của nhà đầu tư cũng được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc. Tuy nhiên, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất chưa cấp lại giấy chứng nhận đầu tư vì nhà đầu tư chưa chứng minh được khả năng thu xếp vốn cho dự án.

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc triển khai dự án này. Cứ mỗi lần cơ quan hữu trách định rút giấy phép đầu tư thì chủ đầu tư lại xin gia hạn và nảy sinh yếu tố mới như thay đổi đối tác, tăng vốn...

Mất một khoảng thời gian khá dài, việc thu xếp vốn của E-United gần như bế tắc thì đầu năm 2012, dự án này được tập đoàn JFE (Nhật Bản) “để mắt”. JFE được đánh giá là tập đoàn sản xuất thép lớn trên thế giới, có năng lực tài chính, công nghệ, và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thép. JFE là một trong số ít công ty chuyên cung cấp thép tấm dùng trong sản xuất ô tô trên thế giới.

Tháng 4-2012, tập đoàn JFE cùng E-United đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, JFE sẽ nghiên cứu tính khả thi của dự án, xác nhận các vấn đề liên quan đến thiết bị, sản phẩm, cơ sở hạ tầng, điều kiện ưu đãi đầu tư... trước khi quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sau khoảng hai năm nghiên cứu, đến nay JFE đã chính thức thông báo không tham gia đầu tư vào dự án.

Có nhiều nguyên nhân giải thích việc này. Những đề xuất xin ưu đãi thêm của chủ đầu tư đã bị Chính phủ bác bỏ, như ưu đãi bổ sung 210 héc ta đất, mặt nước để nâng tổng diện tích dự án lên hơn 700 héc ta. Chính phủ không đồng ý ngân sách tiếp tục chi tiền đền bù diện tích đất bổ sung, không chấp thuận chi phí nạo vét luồng lạch để điều chỉnh quy hoạch tăng số lượng cảng biển. Đồng thời, chỉ đồng ý giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm chứ không miễn hoàn toàn loại thuế này trong suốt vòng đời dự án.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lý do JFE không đầu tư là vì công ty này cho rằng thị trường thép hiện nay đang suy giảm, trong khi có nhiều dự án thép lớn đang triển khai xây dựng tại Việt Nam cũng như một số nước lân cận.

Sự rút lui này của JFE được giới quan sát liên tưởng đến việc đầu năm nay, dự án thép 5 tỉ đô la Mỹ ở khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) do tập đoàn Tata Steel (Ấn Độ) góp 65% vốn cùng với các đối tác Việt Nam cũng xin không triển khai, sau bảy năm nghiên cứu.

Lý do là vì Jata và chính quyền địa phương chưa đạt được thỏa thuận về kinh phí bỏ ra để giải phóng mặt bằng và tái định cư nên dự án bị chậm tiến độ và tiến tới... ngưng luôn. Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc nói trên, cũng có ý kiến cho rằng việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan) nhiều lần tăng quy mô dự án khu liên hợp thép Formosa đang được xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng phần nào ảnh hưởng đến ý định không đầu tư của Tata.

Với sự rút lui của JFE, dự án thép Guang Lian này vẫn chỉ do E-United và Tycoons đứng tên đầu tư. Họ vừa đề nghị được tiếp tục triển khai dự án và dự kiến sẽ khởi công vào thời điểm này của năm sau.

Ông Lê Văn Dũng, Phó ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất, cho biết mặc dù chủ đầu tư vẫn muốn tiếp tục triển khai dự án, nhưng Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất yêu cầu phải có cam kết tiến độ từng hạng mục một cách rõ ràng để tránh trường hợp dự án bị kéo dài như thời gian qua. Ban cũng sẽ báo cáo lại với UBND tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có quyết định cuối cùng.

Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   “Ma trận” phân phối dược phẩm (05/10/2014)

>   Mảnh ghép cuối cùng (05/10/2014)

>   Đề xuất thêm 2 đường bay 'vàng' (05/10/2014)

>   Nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ tăng 93% (05/10/2014)

>   Giải ngân vốn ODA: Bước đột phá mới (04/10/2014)

>   Giải bài toán phát triển công nghiệp hỗ trợ (04/10/2014)

>   Đầu tư 24.500 tỷ đồng làm đường cao tốc Trung Lương-Cần Thơ (04/10/2014)

>   Da giày lại vướng quy tắc xuất xứ (04/10/2014)

>   Cuộc chiến trong chén nước mắm (04/10/2014)

>   Thành lập khu công nghiệp Cơ khí - Ô tô TP.HCM (04/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật