Câu hỏi còn treo ở Diễn đàn Kinh tế mùa thu
Kinh tế Việt Nam còn ở đáy hay đã thoát? Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu tin là kinh tế Việt Nam đã bước ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất sau hơn một ngày rưỡi nghe các nhà kinh tế hàng đầu đất nước bàn luận.
* Lạm phát 2014 - 2015 bao nhiêu là “vừa”?
* “Không kinh tế thị trường, không giải quyết được gì”
* Chuyên gia kinh tế cảnh báo: Chỉ 'bơm' tiền khó xử lý bong bóng bất động sản
Làm sao mà kinh tế có thể thoát đáy, khi số doanh nghiệp chết vẫn trên đà tăng cao, tổng cầu vẫn rất yếu?
|
Tổng kết tinh thần của Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 tại phiên họp của Ủy ban Kinh tế ngay sau đó, ông nói: “Chúng ta đã vượt qua đáy khó khăn, nhưng còn rất mong manh nếu không điều hành tốt. Đây là các chuyên gia đánh giá. Họ có cơ sở và họ nói cũng đúng”. GDP chín tháng đầu năm 2014 ước tăng 5,54%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ của hai năm trước (năm 2013 tăng 5,14%, năm 2012 tăng 5,1%).
Thực tế thì kinh tế Việt Nam đã qua đáy hay chưa?
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói tại diễn đàn: “...Ở góc độ tăng trưởng thì kinh tế Việt Nam đã đến đáy cuối năm 2013 và đang đi lên vật vã, chậm chạp”. Tuy nhiên, ông Tuyển nói có nhiều chuyên gia kinh tế không đồng tình với ông. “Tôi thấy chúng ta phải giải đáp được điều này tại đây”, ông nói tại diễn đàn.
Những diễn biến sau đó cho thấy khó mà có câu trả lời thuyết phục.
Nhưng, ngay cả ông Tuyển, đang là trưởng nhóm chuyên gia của Thủ tướng, cũng không tin hoàn toàn vào nhận xét của mình, cũng như số liệu thống kê. Tại phiên thảo luận sáng 27-9, ông kể “sáng hôm qua tôi hỏi Văn phòng Chính phủ (về tăng trưởng GDP), họ nói là 5,54%”, sau đó (buổi sáng) một cán bộ ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo là GDP tăng 5,54%, nhưng đến tối thì báo lại là 5,62% trong chín tháng.
Ông Tuyển nói: “Tuy nhiên, tăng trưởng với Việt Nam 5,6-5,8% là không khó”. Chỉ cần khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô, hay than, thì sẽ có tăng trưởng. Cách làm này đã từng được sử dụng, nó cho thấy tư duy thành tích của chúng ta còn rất nặng.
Phần trình bày của ông Tuyển, tuy vậy, chưa trả lời trực tiếp vào câu hỏi, kinh tế Việt Nam đã thoát đáy thật sự hay chưa, như Chính phủ nhận định.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên kể, ông nhận được một câu hỏi, làm sao mà kinh tế có thể thoát đáy, khi số doanh nghiệp chết vẫn trên đà tăng cao, tổng cầu vẫn rất yếu? Ông trả lời: “Có tăng trưởng là do khu vực FDI”.
Đừng để quá muộn
Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Sanjay Kalra cho rằng: “Điều quan trọng là phải khôi phục lại tăng trưởng kinh tế. Việt Nam không thể để tăng trưởng chậm, kéo dài 2-3 năm, vì như thế sẽ không giải quyết được nợ xấu và các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước. Kỳ vọng cải cách hiện chưa đạt được và phải hành động ngay nếu không thì quá muộn”.
|
Nhưng câu trả lời của ông Thiên chỉ đúng một phần, nếu căn cứ vào đánh giá của ông Tuyển “các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới 67% kim ngạch xuất khẩu và 70% giá trị sản xuất công nghiệp”, và thậm chí còn sai nếu căn cứ vào đánh giá của ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: “Với đầu tư FDI, chúng ta chỉ có khả năng hấp thụ từ 900 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ mỗi tháng. Có nghĩa tính theo tỷ trọng GDP thì FDI cũng giảm”. Như vậy, lập luận tăng trưởng dựa vào vốn FDI là chưa thuyết phục.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng chỉ vào khoảng 6,2% trong chín tháng, điều mà ông Đỗ Thiên Anh Tuấn đến từ Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho là rất thấp nếu trừ đi lạm phát để góp phần tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Võ Trí Thành, lẽ ra đầu tư của Việt Nam phải lớn hơn nếu tính tổng cộng tiết kiệm hàng năm khoảng 30% GDP, vốn FDI, ODA và các nguồn khác từ bên ngoài. Song, thực tế là tổng đầu tư toàn xã hội chỉ còn khoảng 30% GDP, tức đang giảm, trong đó đầu tư nhà nước chỉ còn 35%, của tư nhân trong nước khoảng 40%, và còn lại của FDI (mỗi tháng giải ngân chỉ 0,9-1 tỉ đô la Mỹ - không tăng so với những năm trước). Có nghĩa là luận điểm tăng trưởng kinh tế có được nhờ vào tăng tổng đầu tư cũng không rõ ràng.
Bên cạnh đó, ông Thành thừa nhận, nhiều mặt hàng xuất khẩu rất khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, doanh nghiệp mới thành lập tăng thấp, nông nghiệp cũng vậy còn thu nhập của nông dân lại kém đi. Tất cả những điều này chứng minh tổng cầu thấp. Ông nói: “Nhìn chung bức tranh sản xuất kinh doanh là khó khăn và trì trệ. Một đột phá cho nó rất khó”. Còn ông Tuyển nói thêm: “Quan trọng là cách thức tạo ra tăng trưởng chứ không chỉ là tốc độ tăng trưởng”.
Cách thức đó vẫn chỉ là “kỳ vọng”, như các nhà kinh tế nhận định tại diễn đàn: công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế dựa trên ba trụ cột chính là doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại vẫn giậm chân tại chỗ sau gần bốn năm phát động.
Tư Giang
tbktsg
|