Thứ Bảy, 04/10/2014 09:19

Nhập siêu với Trung Quốc vẫn tăng mạnh

Câu chuyện giảm nhập siêu và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã được nói nhiều, nhất là thời gian gần đây với đầy quyết tâm và ý chí. Thế nhưng, thực tế ba tháng qua cho thấy, chẳng những tình hình không được cải thiện, mà còn trầm trọng hơn.

* Nhập khẩu từ Trung Quốc sắp chạm mốc 40 tỉ USD

* Cách nào hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc?

* Nhập siêu từ Trung Quốc: Nhìn từ cửa khẩu

Việt Nam vẫn đang nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng công nghiệp từ Trung Quốc. Trong ảnh: Một cuộc triển lãm thiết bị ngành dệt may.

Mảng tối

Trước hết, xét trên tổng thể, cho dù vẫn phải tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, nhưng xuất nhập khẩu vẫn là bức tranh sáng của nền kinh tế nước ta từ đầu năm đến nay.

Đó là, với nhịp tăng rất đáng khích lệ 14,4% trong tám tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 97,2 tỉ đô la Mỹ, trong khi chỉ với 10,7%, nhập khẩu đã tăng thấp hơn hẳn, cho nên “rổ” hàng hóa nhập khẩu chỉ mới đạt gần 94,2 tỉ đô la Mỹ.

Có thể khẳng định sự lệch pha như vậy giữa xuất và nhập khẩu là điều đặc biệt đáng mừng, bởi kim ngạch xuất siêu gần 3,1 tỉ đô la Mỹ, đạt tỷ lệ 3,3% là những kết quả chưa từng có.

Thế nhưng, trong bức tranh chung rất sáng đó, mảng buôn bán hai chiều với thị trường Trung Quốc từ khi biển Đông dậy sóng tới nay lại càng tối hơn.

Các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung trong ba tháng gần đây đã đạt gần 38,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 3,7 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng vỏn vẹn 4,3%.

Trong khi đó, ở đầu vào, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường thế giới trong cùng kỳ chỉ đạt 36,9 tỉ đô la Mỹ và tăng 11,1%, thì riêng thị trường Trung Quốc đã đạt gần 10,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5%.

Như vậy, cặp chỉ số nhịp độ tăng trưởng xuất và nhập khẩu với thị trường thế giới nói chung trong ba tháng qua nghiêng nhiều hơn về phía xuất khẩu, nhưng riêng với thị trường Trung Quốc lại lệch hoàn toàn về phía nhập khẩu.

Chính vì xuất khẩu giảm tốc quá mạnh còn nhập khẩu vẫn tăng tốc, cho nên thị trường Trung Quốc chỉ chiếm 9,6% trong rổ hàng hóa xuất khẩu của nước ta, trong khi tỷ trọng này trong rổ hàng hóa nhập khẩu lại chiếm tới 28,8%.

Cũng chính vì sự lệch pha như vậy, kim ngạch nhập siêu với thị trường Trung Quốc trong ba tháng qua đã đạt kỷ lục mới với gần 6,9 tỉ đô la Mỹ.

Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay sẽ chạm ngưỡng 15 tỉ đô la Mỹ, còn nhập khẩu gần như chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng 40 tỉ đô la Mỹ, cho nên nhập siêu từ thị trường này sẽ vượt xa ngưỡng 25 tỉ đô la Mỹ.

Hàng nông sản: giảm xuất, tăng nhập!

Trong bức tranh rất không sáng sủa ba tháng qua trong xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc có hai động thái đặc biệt đáng lưu ý.

Thứ nhất, thay vì tăng rất mạnh trong những năm gần đây, xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản từ năm 2013 đến nay đã giảm ngày càng mạnh.

Các số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu của nước ta sang thị trường Trung Quốc trong bốn năm 2008-2011 tăng đều tương ứng 21,2%; 27,1%; 47,3% và 50,4%, còn năm 2012 vẫn tăng 16,8%, năm 2013 chỉ còn tăng 2,2%, nhưng năm tháng đầu năm nay đã giảm 2,5% và ba tháng gần đây đã giảm kỷ lục 4%.

Đây chính là lý do đặc biệt quan trọng khiến nhịp tăng xuất khẩu nói chung sang thị trường này trong ba tháng qua chỉ còn 4,3%, trong khi xuất khẩu ra thị trường thế giới nói chung vẫn tăng 12,1%.

Thứ hai, trong khi xuất khẩu trì trệ thì nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lại vẫn tăng rất mạnh, cho nên tỷ lệ nhập siêu cao ngất ngưởng, cho dù nền kinh tế đang chuyển sang xuất siêu.

Các số liệu thống kê cho thấy, cho dù nhập khẩu 14 mặt hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản và vật tư nông nghiệp chủ yếu trong ba tháng qua cũng đã giảm 4%, cho nên chúng ta vẫn duy trì được mức xuất siêu tương đối khá ở các nhóm hàng này đối với thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm các mặt hàng còn lại (ngoài 14 mặt hàng nói trên) từ thị trường này đã lên tới gần 10,2 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 13,4%, cao hơn rất nhiều so với nhịp tăng 8,5% trong xuất khẩu, cho nên kim ngạch nhập siêu nhóm các mặt hàng này với thị trường Trung Quốc đã lên tới hơn 7,6 tỉ đô la Mỹ, đạt tỷ lệ “siêu cao” 300,3%.

Tất cả những điều nói trên cũng có nghĩa là, nhập khẩu các mặt hàng công nghiệp từ thị trường Trung Quốc đang tăng bùng nổ.

Hai động thái ngược chiều nói trên cộng hưởng với nhau dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc tăng lên.

Như vậy, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm nay sẽ chạm ngưỡng 15 tỉ đô la Mỹ, còn nhập khẩu gần như chắc chắn sẽ vượt qua ngưỡng 40 tỉ đô la Mỹ, cho nên nhập siêu từ thị trường này sẽ vượt xa ngưỡng 25 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy, mong muốn cải thiện cán cân thương mại để bớt lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc rộ lên ở thời điểm biển Đông dậy sóng hồi tháng 5-2014 vẫn chỉ là “ý chí”, còn thực tế buôn bán với thị trường này vẫn theo guồng quay vốn đã được hình thành trong hơn một thập kỷ trở lại đây theo hướng chúng ta ngày càng thất thế hơn.

Nguyễn Đình Bích

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tổng giám đốc phát ngôn hớ, EVN vội vàng đính chính (03/10/2014)

>   Lãnh đạo điện lực sắp hưu nhận thêm trăm nhân viên (03/10/2014)

>   Phát triển ngành công nghiệp ôtô: Lại chờ... chính sách cụ thể (03/10/2014)

>   Doanh nghiệp hãy tự “lột xác” để phát triển (03/10/2014)

>   Tốn cả tỉ USD nhập giống rau quả (03/10/2014)

>   Công bố kết quả nghiên cứu về ngành bia (03/10/2014)

>   Thủ tướng: “Làm kinh doanh mới thấy nhiều vướng mắc vô lý” (03/10/2014)

>   Việt - Hàn hướng đến kim ngạch thương mại 70 tỷ USD (03/10/2014)

>   Tin thị trường vật liệu xây dựng tuần đầu tháng 10 (03/10/2014)

>   Từ ngày 1-11, tăng gấp đôi phí đường bộ với xe đầu kéo (03/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật