Cấp phép cho bến xe sắp giải tỏa: Hứa suông với cử tri?
Bến xe sắp bị giải tỏa, bỗng dưng được xếp hạng và cấp phép hoạt động. Nguy cơ tái diễn cảnh ùn tắc giao thông và các doanh nghiệp vận tải phải “gồng mình” chịu thêm chi phí vô lý. Điều quan trọng nhất, lời hứa của chính quyền với cử tri có thể thành “lời nói gió bay”.
Ông Lê Thuận Bé - Phó GĐ Sở GTVT Cần Thơ vừa ký quyết định công bố cùng lúc hai bến xe tại TP Cần Thơ. Bến thứ nhất nằm ở trung tâm thành phố, góc đường Hùng Vương - Nguyễn Trãi (gọi tắt là Bến xe Hùng Vương). Bến thứ 2 tại 36 đường Nguyễn Văn Linh (hay còn gọi là Bến xe 91B), cách Bến Hùng Vương chưa đầy 4 km. Theo đó, Bến xe Hùng Vương được hoạt động từ nay đến 31/12/2014 (tức là chỉ tồn tại hơn 2 tháng); bến xe 91B được tồn tại đến năm 2017.
Những quyết định này lập tức dấy lên lo ngại về việc thực hiện lời hứa của chính quyền Cần Thơ với cử tri. Cụ thể, từ năm 2009, UBND TP Cần Thơ chủ trương lập Bến xe 91B nhằm xóa bỏ Bến xe Hùng Vương, giảm ùn tắc cho nội đô. Vì nhiều lý do, việc này bị trì hoãn.
Cuối năm 2013, tại cuộc họp HĐND TP Cần Thơ, cử tri quận Ninh Kiều và Cái Răng yêu cầu UBND TP thực hiện di dời bến xe Hùng Vương theo lời “hứa nhiều năm rồi”. Trong công văn trả lời cử tri vào tháng 2/2014, GĐ Sở GTVT Cần Thơ tiếp tục hứa sẽ giải tỏa bến xe này trong năm 2014.
Ngoài ra, do UBND TP Cần Thơ quyết định cho xây một bến xe mới, rộng 3,5 ha (tại Quận Cái Răng) thay 2 bến xe trên nên đã chủ trương dời 2 bến trên. Trong văn bản ban hành vào tháng 3/2014, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Hùng Dũng yêu cầu Cty Bến xe tàu phà Cần Thơ (chủ đầu tư) sớm hoàn thành bến mới để giải tỏa cả Bến Hùng Vương và 91B trong năm 2014.
Chủ trương là vậy nên việc công bố hai quyết định công nhận hai bến mới trở nên khó hiểu. Đặc biệt khi Bến xe 91B được cấp phép đến tận cuối 2017. Đại diện Sở GTVT Cần Thơ trả lời về việc này: Nếu di dời bến xe 91B vào cuối năm 2014 như chỉ đạo của UBND tỉnh, lúc đó sẽ hủy quyết định công bố Bến xe 91B.
Từ tháng 7/2014, sau khi các doanh nghiệp vận tải kêu cứu Bộ GTVT (qua hội nghị trực tuyến) về việc Cty Bến xe tàu phà Cần Thơ (chủ sở hữu hai bến xe Hùng Vương và 91B) gộp hai bến cách nhau gần 4 km thành 1 bến; thu tiền hai lần với một xe xuất bến; Thanh tra bộ GTVT đã kết luận: Việc gộp bến là “không phù hợp” với quy định. Sau khi Cty này khiếu nại, trong thông báo mới đây, Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm, coi đây là việc làm “chưa đúng” và yêu cầu chỉ được thu tiền một lần.
Điều vô lý là, mức giá đang được áp dụng đối với xe xuất bến tại Cần Thơ cao bất thường. Một xe giường nằm (xuất bến tại Cần Thơ) bị thu 313.500 đồng. Trong khi đó, phí xuất bến tại bến xe lớn nhất TP HCM (Bến xe miền Tây) chỉ 164.500 đồng/chuyến; Bến xe Cà Mau 122.200 đồng.
Bến xe 91B còn có một dấu hiệu vi phạm khác: Hợp đồng thuê đất giữa Cty Bến xe tàu phà Cần Thơ và Sở Tài nguyên Môi trường Cần Thơ (ký năm 2013) ghi rõ mục đích sử dụng 31.000 m2 (tại đây) kinh doanh dịch vụ bến xe, nhưng 20.000 m2 đã được dùng làm trung tâm đào tạo lái xe.
Hòa Hội - Bảo An
HCM (Bến xe miền Tây) chỉ 164.500 đồng/chuyến; Bến xe Cà Mau 122.200 đồng. Bến xe 91B còn có một dấu hiệu vi phạm khác: Hợp đồng thuê đất giữa Cty Bến xe tàu phà Cần Thơ và Sở Tài nguyên Môi trường Cần Thơ (ký năm 2013) ghi rõ mục đích sử dụng 31.000 m2 (tại đây) kinh doanh dịch vụ bến xe, nhưng 20.000 m2 đã được dùng làm trung tâm đào tạo lái xe. Hòa Hội - Bảo An">tiền phong
|