Thứ Hai, 27/10/2014 09:18

Hợp tác đầu tư với Nhật: Thời điểm vàng

Thu hút và hợp tác với nhà đầu tư Nhật, doanh nghiệp (DN) Việt cần nắm trong tay những "bí quyết".

Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Kaizen Yoshida.

Mỗi một doanh nhân có một con đường sự nghiệp, với Lê Long Sơn là con đường vòng tròn kết nối đầu tư Việt-Nhật. Với 20 năm chưa phải là dài đối với đời người, nhưng đủ để ông đi hết vòng tròn kết nối những cơ hội đầu tư. Được mệnh danh là “người vận chuyển công nghệ”, ông cho rằng đây là thời điểm vàng trong mối quan hệ Việt-Nhật và cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt “làm ăn” với doanh nghiệp Nhật; đồng thời mở ra quá trình chuyển giao công nghệ Nhật vào Việt Nam.

NCĐT đã trao đổi với ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Kaizen Yoshida, xung quanh vấn đề này.

So với doanh nghiệp từ các quốc gia khác ở Đông Á, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng đầu tư khác biệt như thế nào?

Trước khi nền kinh tế Trung Quốc nổi lên, thị trường Nhật tương đối vững vàng với dân số 125 triệu. Đầu tư ra nước ngoài không được quan tâm mà chú trọng vào thị trường nội địa. Chỉ một số ngành đặc thù như xe hơi, kim khí điện máy là những sản phẩm mang chiến lược toàn cầu mới có chiến lược đầu tư ra nước ngoài rất sớm. Còn lại đa số doanh nghiệp chỉ sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, phục vụ cho nội địa. Chúng ta thấy một số sản phẩm chỉ có đến Nhật mới mua được mà người Việt Nam gọi là “hàng nội địa”. Thời điểm này là giai đoạn phát triển thần kỳ của Nhật.

Tuy nhiên, từ năm 2000, thị trường Nhật có xu hướng suy thoái bởi xu thế tiêu dùng thay đổi. Nhu cầu đầu tư ra nước ngoài là xu hướng tất yếu đặt ra cho hầu hết các doanh nghiệp nước này. Kể cả các ngành đặc thù cũng có nhu cầu này. Họ đầu tư theo hai yếu tố là mở rộng thị trường và lấp chỗ trống nguồn nhân lực. Thay vì nhập khẩu nguồn nhân lực và xuất khẩu sản phẩm, doanh nghiệp Nhật đang có xu hướng chuyển sang “bản địa hóa” thị trường nước ngoài thông qua đầu tư trực tiếp và chuyển giao.

Tình hình địa chính trị Việt Nam và Nhật có chung một bối cảnh để có thể xích lại gần nhau hơn. Nước Nhật đang tìm kiếm những đối tác cùng phát triển bền vững. Việt Nam đang quan tâm đến Nhật về khoa học công nghệ để phát triển nền kinh tế. Bây giờ là thời điểm vàng trong mối quan hệ Việt-Nhật.

Vì sao Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật hơn so với các thị trường lân cận trong khu vực?

Việt Nam là đất nước có nguồn nhân lực trẻ, độ tuổi bình quân là 27 và dân số ở độ tuổi dưới 30 chiếm 60% tổng dân số. Cơ cấu dân số Việt Nam hiện tại gần giống với cơ cấu dân số Nhật sau chiến tranh. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang ở giai đoạn gần giống với Nhật khi họ phát triển thần kỳ để trở thành cường quốc kinh tế. Những điều kiện đã giúp Nhật Bản phát triển chính là ngành chế tạo phát triển và dân số trẻ mang khát vọng lớn.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp Nhật gặp vấn đề khi chuyển giao kỹ thuật cho lớp kế cận vì họ thiếu nguồn lao động trẻ. Nhưng họ đã và sẽ thành công bằng cách chuyển giao những máy móc thiết bị sang Việt Nam thông qua đầu tư; và chuyển giao cho những tu nghiệp sinh Việt Nam đã từng học tập và làm việc trong các doanh nghiệp Nhật. Khi về nước, những người này sẽ đứng ra điều hành và quản lý doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam.

Nhà đầu tư Nhật thường sẽ có những bước đi như thế nào trong từng lĩnh vực hay ngành nghề khác nhau?

Đối với sản xuất, nhà đầu tư sẽ rót tiền trực tiếp với mô hình 100% vốn Nhật do có nhiều ưu đãi. Họ chủ động thực hiện, có khách hàng và có thị trường. Mục đích đầu tư của họ mang tính “nội địa hóa” sản phẩm và thị trường.

Đối với lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, giáo dục đào tạo, tài chính hay bảo hiểm, cơ chế tại Việt Nam vẫn còn mang tính khép kín hoặc mở cửa một phần. Vì vậy, nhà đầu tư Nhật sẽ có thể tham gia liên doanh hoặc mua bán sáp nhập. Doanh nghiệp Việt Nam đã có một thị trường nhất định sẽ trở thành tầm ngắm trong quá trình thâm nhập của nhà đầu tư Nhật.

Yếu tố con người thường được doanh nghiệp Nhật đầu tư như thế nào trong quá trình chuyển giao?

Doanh nghiệp Nhật tìm được nhân sự tốt là họ chuyển giao. Điều này mở ra cơ hội cho bộ phận người Việt Nam có tài năng, am hiểu văn hóa, biết tiếng Nhật, từng đi tu nghiệp ở Nhật… được chọn để chuyển giao công nghệ và có cơ hội trở thành người quản lý cho các doanh nghiệp của Nhật.

Hiện tại, đã có một bộ phận giới trẻ nắm bắt được cơ hội này trở thành những “ông chủ” của công nghệ Nhật. Việc chuyển giao công nghệ thông qua các doanh nghiệp FDI sẽ thất bại nếu không có nguồn nhân lực để tiếp nhận. Vì sao bức tranh công nghiệp Việt Nam vẫn chưa thành hình sau 25 năm thu hút đầu tư FDI? Điều này xuất phát từ quan điểm sai lầm cho rằng có thu hút FDI để chuyển giao công nghệ, trong khi lại không chú trọng vào đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với quá trình đó.

Nhà đầu tư Nhật sẽ dùng những tiêu chí nào để lựa chọn đối tác tại Việt Nam?

Chủ động kiểm soát, quyết định những vấn đề của doanh nghiệp là yếu tố mang đậm nét trong văn hóa kinh doanh của nhà đầu tư Nhật. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến quá trình liên doanh với doanh nghiệp Việt. Hai bên phải thấu hiểu đặc điểm này để dung hòa và có tiếng nói chung.

Bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm đến nguồn nhân lực của mình, có khả năng thấu hiểu được văn hóa Nhật, nhất là văn hóa kinh doanh của họ. Nếu không, nhà đầu tư Nhật sẽ cảm thấy bất an và sẽ ngừng đàm phán. Họ chọn đối tác rất kỹ cả về kinh doanh lẫn người điều hành doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi tìm hiểu đối tác, doanh nghiệp Nhật cử nhân viên đi làm việc trước chứ không phải ông chủ. Ở Việt Nam thì ngược lại. Thế nên khi làm việc, hai chủ thể này khó có được tiếng nói chung.

Cách làm việc của người Việt Nam không chú trọng vào tiểu tiết. Khi đàm phán phía Việt Nam thì muốn quyết tổng thể rồi hãy tính tiếp. Còn người Nhật thì lại ngược lại, càng tỉ mỉ, càng chi tiết càng tốt, chậm nhưng chắc. Doanh nghiệp Việt cần phải tìm hiểu được đối tác trước khi thực hiện đàm phán. Phải biết kiên trì với đối tác Nhật thì cơ hội thành công sẽ đến.

Đình Bắc

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Vốn 4 tỷ USD trở lên mới được kinh doanh casino (27/10/2014)

>   “Nới cánh cửa” cho sản phẩm gỗ vào EU (27/10/2014)

>   Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cần thay đổi tư duy chờ đợi (27/10/2014)

>   Ham dự án tỷ đô: Việt Nam chịu thiệt 1.800 tỷ? (27/10/2014)

>   Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cần công bố dự báo nguồn lực trong 5 năm tới (26/10/2014)

>   Chặn tự do cấm kinh doanh (26/10/2014)

>   Điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam (26/10/2014)

>   Cá, tôm xuất khẩu vào siêu thị nội địa (26/10/2014)

>   Đến 2020, xây 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (26/10/2014)

>   Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam (26/10/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật