Cà phê ngậy hương nhờ giá tăng nóng
Trong mươi ngày đầu vụ cà phê 2014/15, giá cà phê trên thị trường nội địa đã có lúc vút lên bằng mức cao nhất của niên vụ cũ. Ly cà phê thơm ngậy nhờ giá trên thị trường nóng lên từng ngày…
Nắng hạn đốt nóng giá cà phê
Diễn biến giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Ice đầu niên vụ 2014/15 (tác giả tổng hợp)
|
Hình như không gì ngăn được đà của đợt tăng giá trên các sàn kỳ hạn cà phê và thị trường nội địa như trong mười ngày đầu tiên của niên vụ mới 2014-15.
Những ngày đầu tháng 10 thường là cao điểm mùa mưa tại các vùng trồng cà phê ở Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu lớn nhất thế giới. Mọi con mắt đều đổ dồn về nước này để xem lượng mưa có đủ để giúp cây cà phê ra và nở hoa đại trà hay không, từ đó người ta sẽ đoán được mùa hay mất mùa.
Nhưng đến nay, các bản tin thời tiết đều đưa toàn chuyện không may. Hãng khí tượng Somar có trụ sở tại Brazil dự báo rằng mưa tại nhiều vùng cà phê nước này sẽ đều hơn trong vòng từ bảy đến mười ngày nữa, tuy nhiên tại các bang Parana, Sao Paolo và Minas Gerais - đúng ngay các vùng cà phê trọng điểm của Brazil - thì lượng mưa rất ít….
Tin thời tiết Brazil như thế đã tạo nên một làn sóng tăng giá mới trên các sàn kỳ hạn cà phê sau đợt ngày đầu vụ. Nếu so với giá ngày cuối vụ cũ 30-9, đến hết ngày 9-10, giá kỳ hạn robusta tăng được 188 đô la/tấn và arabica Ice tăng 28 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương 617 đô la/tấn tính trên giá đóng cửa.
Nhờ thế, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên được hâm nóng từng ngày. Có lúc giá đã chạm mức 42 triệu đồng/tấn. “Tôi đã cắt bán đi một nửa, còn lại một nửa để xem sao,” anh Tám Danh ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, giữ lại cà phê từ hai vụ trước đến nay mới quyết định bán trong dịp giá tăng vừa qua. Nhiều người theo anh Tám Danh cũng bán ra để lấy chỗ tích trữ sản phẩm mùa thu hoạch sắp tới.
Sáng nay 11-10, giá cà phê nội địa được giao dịch quanh mức 41,3 triệu đồng/tấn, cao hơn 1 triệu đồng/tấn so với thứ Bảy tuần trước. Giá kỳ hạn phiên cuối tuần khuya hôm qua 10-10 có nguội lại đôi chút. Trên sàn robusta Ice, đóng cửa giá chốt mức 2.176 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1), tăng 79 đô la/tấn so với tuần trước, giá arabica cả tuần cũng tăng 13,90 cts/lb hay 306 đô la/tấn.
Mất mùa, sao vẫn bán ra mạnh?
Cho đến nay, một thắc mắc khó trả lời là tại sao các nước sản xuất biết phía trước sản lượng giảm, nguồn cung cấp cà phê thiếu hụt, nhưng họ vẫn bán mạnh…và giá cũng chẳng vì bán nhiều mà rớt.
Ủy hội Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) ước xuất khẩu cà phê nước này trong tháng 9-2014 đạt 2,94 triệu bao (60 kg x bao), tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó robusta tăng 70,8% đạt 255 ngàn bao. Như vậy, cả niên vụ 2013/14 Brazil xuất khẩu 35,57 triệu bao, tăng 13% so với 31,48 triệu bao trong năm cũ.
Hình như hai cách chơi của hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới có gì đó khác nhau. Đối với nước bạn, ai nói gì cứ nói nhưng được giá là cứ bán. Thái độ này làm các nhà phân tích thị trường nghi ngờ sản lượng thật có của Brazil.
Nhưng đối với nông dân nước ta, xem ra thiệt thà hơn do có thái độ rõ ràng hơn. Đại diện của một công ty kinh doanh nước ngoài có kho bãi tại Đồng Nai cho rằng “đợt bán ra hiện nay không chỉ vì giá cao, mà thu hoạch sắp tới sản lượng có thể khá hơn; nếu biết sắp tới mất mùa, đố họ bán ra một hột dù với mức 42 triệu đồng/tấn”.
Dẫu sao hãy để thị trường phát triển theo hướng tự nhiên của nó. Chỉ có một đắn đo đối với các nhà phân tích thị trường là hàng bán ra hiện nay hầu như không đi thẳng tới nhà tiêu thụ, các hãng rang xay mà đi vào các kho chứa, phục vụ đầu cơ tích trữ. Tính đến thời điểm hiện nay, tồn kho tại các nước tiêu thụ đã trên mức 21 triệu bao, trong đó hàng tồn kho có chất lượng có thể đấu giá (tenderable) trên sàn kỳ hạn đang lớn dần. Cà phê đạt chuẩn đấu giá của sàn robusta Ice đang ở mức 111.670 tấn và arabica 143.385 tấn.
Đầu cơ tài chính thường sử dụng lượng tồn kho này của hai sàn để “làm giá”. Bây giờ, đang thuận vì giá tăng. Chỉ sợ một lúc nào đó, giá nghịch bất ngờ, sẽ ảnh hưởng lớn đến chén cơm manh áo của người sản xuất, thậm chí ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế của một tỉnh, một nước nếu chỉ biết dựa vào xuất khẩu cà phê.
Nhu cầu robusta đang tăng
Biểu đồ 2: Diễn biến giá cách biệt giữa 2 sàn kỳ hạn Ice arabica và robusta (nguồn: CQG Inc.)
|
Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong vòng một năm tính đến hết tháng 8-2014 đạt 109,5 triệu bao, trong đó robusta chiếm khoảng 40,3 triệu bao, báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết. Trong lượng robusta trên, nước ta chiếm trên 50%.
Nhờ thời tiết Brazil có vấn đề, giá cách biệt giữa hai loại cà phê arabica và robusta đang giãn ra, có lợi hoàn toàn cho robusta. Đầu niên vụ 2013/14, tuy giá robusta xuống thấp, có khi chỉ còn 1.600 đô la/tấn nhưng vẫn ít người mua loại này do Brazil bán arabica ra nhiều với mức cách biệt rất rẻ. Có lúc giá hai sàn cà phê chênh lệch nhau chỉ 25 cts/lb hay chừng 550 đô la/tấn. Hiện nay, mức cách biệt này đã giãn ra, đứng ở mức 125 cts/lb hay chừng 2.750 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 2). Giả sử người mua mua 1 tấn robusta phải trả 2.000 đô la, thì trước đây chỉ mua arabica rẻ với mức 2.550 đô la/tấn nhưng hiện nay phải mua arabica mắc hơn với giá 4.750 đô la/tấn.
Giữa hai chọn lựa, nhà rang xay sẽ quay sang mua robusta và sẵn sàng trả cao hơn để có chất lượng robusta tốt hơn, có thể thay thế cho arabica trong mẻ rang. Robusta chất lượng cao đang đầy cơ hội. Có lúc giá robusta chế biến ướt của một số công ty cà phê ở Daklak bán với mức cộng 500 đô la/tấn trên giá niêm yết sàn robusta Ice.
Arabica là loại quyết định chất lượng, mùi thơm cho ly cà phê, robusta thường được sử dụng phối trộn với arabica hay dùng để chế biến cà phê hòa tan.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|