Bảo lãnh phát hành cổ phiếu: Có nên bắt buộc?
Để đảm bảo chất lượng cổ phiếu phát hành, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần tiếp tục đặt ra yêu cầu bảo lãnh phát hành để tránh việc NĐT mua cổ phiếu “rởm”, bị thổi giá. Quy định này cũng là để bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ lẻ và chính việc quy định bảo lãnh phát hành mới tạo được lòng tin cho NĐT.
Nếu trước năm 2008, dịch vụ bảo lãnh phát hành (BLPH) cổ phiếu mang lại lợi nhuận lớn cho các CTCK thì 5 năm sau đó lại trở nên rất ảm đạm. Từ đầu năm đến nay, thị trường chỉ ghi nhận vài vụ BLPH cổ phiếu lác đác được thực hiện, với những DN tên tuổi như FLC, ASM, FCM… ThS. Nguyễn Thị Phương Luyến, Phó chủ nhiệm Bộ môn Chứng khoán (Học viện Ngân hàng) cho biết, hoạt động BLPH ở nước ta hiện nay chưa thể thực hiện được vai trò của mình.
Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VSM Hoàng Đình Kế cho rằng, BLPH thời gian qua chưa triển khai được nhiều vì khi thực hiện nghiệp vụ này, CTCK bị hạn chế nhiều mặt, trong các IPO vừa qua rất ít CTCK sử dụng dịch vụ này. Lý do là thanh khoản của TTCK không cao, đặc biệt với cổ phiếu niêm yết bổ sung nên các CTCK không dám mạo hiểm để triển khai.
Cụ thể, khi thực hiện hợp đồng BLPH theo cam kết chắc chắn, CTCK sẽ đứng ra mua lại phần mà bán không hết. CTCK sẽ không gặp rủi ro gì trong trường hợp cổ phiếu thanh khoản tốt, trị giá cao, hoặc nếu hoạt động của DN sau phát hành tốt thì giá cổ phiếu có thể tăng. Nhưng nếu mức giá chỉ quanh mệnh giá 10-12.000 đồng/cổ phiếu thì CTCK có thể rủi ro lớn khi bị ứ đọng vốn, thoái vốn khỏi cổ phiếu đó sẽ khó khăn, nếu thoái vốn toàn bộ thì giá cổ phiếu có thể bị giảm. “Lúc đó, rủi ro cho CTCK là rất lớn”, ông Kế nói.
Quan trọng hơn, các CTCK đang bị hạn chế khi phải đầu tư cho chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của Thông tư số 226 TT/BTC. Theo đó, mức trích lập chỉ tiêu này với cổ phiếu chưa niêm yết có hệ số rủi ro là 80%, nên các CTCK không dám áp dụng nghiệp vụ BLPH mang tính cam kết chắc chắn hoặc có/không mà chỉ BLPH dưới dạng cố gắng tối đa. Cũng vì thế nên rất ít CTCK áp dụng nghiệp vụ này, ngoại trừ những CTCK trong cùng hệ thống với DN mới thực hiện nghiệp vụ BLPH.
Ông Kế cho rằng, về lý thuyết rất nhiều DN rất muốn sử dụng nghiệp vụ BLPH vì nó tạo ra uy tín, sức mạnh quảng bá rất tốt cho đợt phát hành của mình. Thế nhưng, sắp tới việc BLPH sẽ không được triển khai nhiều bởi các đợt IPO, phát hành cổ phiếu của rất nhiều DN lớn, các tổ chức hiện tại không đủ vốn để bảo lãnh cho việc đó. Ngoại trừ việc liên kết bảo lãnh, trong đó một thành viên trong nhóm đó là NHTM, họ rút vốn ra đáp ứng cho việc bảo lãnh thành công. Nhưng đến thời điểm này, các NHTM cũng rất hạn chế việc đó vì đầu tư vào cổ phiếu thời điểm này nhiều ngân hàng rất dè dặt, họ cũng chịu sự quản lý và phải tính toán cơ hội kinh doanh.
Ông Kế dự báo, trong vòng một hai năm tới, việc BLPH sẽ không nhiều. Còn bà Nguyễn Thị Phương Luyến cho rằng, từ năm 2014, kỳ vọng vào nền kinh tế vào TTCK đã khởi sắc, trong các năm 2012, 2013, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ tái cấu trúc nền kinh tế, DN, hệ thống các TCTD, TTCK... kết quả bước đầu đã ảnh hưởng tốt đến thị trường tài chính. Khi thị trường này khởi sắc, niềm tin NĐT được củng cố thì BLPH sẽ tốt hơn.
Bảo lưu quan điểm kiến nghị UBCKNN cần quy định bắt buộc phải BLPH khi DN phát hành cổ phiếu ra công chúng, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam cho rằng, phát hành ra công chúng có nhiều NĐT nhỏ lẻ, họ rất thiếu thông tin. Để đảm bảo chất lượng cổ phiếu phát hành, UBCKNN cần tiếp tục đặt ra yêu cầu BLPH để tránh việc NĐT mua cổ phiếu “rởm”, bị thổi giá. Quy định này cũng là để bảo vệ quyền lợi NĐT nhỏ lẻ và chính việc quy định BLPH mới tạo được lòng tin cho NĐT.
“Chỉ có DN kinh doanh hiệu quả, kết hợp với phương án phát hành khả thi gồm phương án sử dụng vốn huy động được đi kèm với giá phát hành hợp lý, thì mới có quyền lựa chọn CTCK có uy tín và tiềm lực tài chính mạnh đứng ra bảo lãnh và như vậy đợt phát hành sẽ có nhiều cơ hội thành công”, ông Hải cho biết.
Dương Công Chiến
thời báo ngân hàng
|