Ý tưởng đại lộ “xương sống” qua 3 nước Đông Dương
"3 nước Lào, Campuchia và Việt Nam nên có một tuyến đại lộ làm "xương sống” để tạo đà cho hội nhập, giao lưu mạnh mẽ về kinh tế, văn hoá và đời sống cho nhân dân 3 nước, từ đó nhanh chóng bắt kịp trình độ phát triển tại khu vực ASEAN và trên thế giới”. Đó là đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn (Đoàn bay 919, Quân chủng Phòng không Không quân), đồng thời là tác giả đầu tiên của ý tưởng đường bay thẳng Hà Nội-TPHCM mà Bộ GTVT vừa chính thức thành lập tổ công tác đàm phán với Lào và Campuchia để hiện thực hóa ý tưởng về "đường bay vàng”- đường bay thẳng.
Ông Tuấn bày tỏ vui mừng vì cuối cùng từ ý tưởng "đường bay vàng” của ông đã được Bộ GTVT lắng nghe. Tuy nhiên, cùng với đường bay thẳng Hà Nội-TPHCM, ông Tuấn hi vọng Bộ GTVT và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu các giải pháp giao thông trên bộ nhằm phát huy tiềm năng tối đa về hợp tác, phát triển quan hệ kinh tế - xã hội giữa 3 nước Đông Dương.
Bản đồ phác thảo đại lộ xương sống qua 3 nước Đông Dương
do ông Mai Trọng Tuấn đề xuất
|
Trong đề xuất gửi các Bộ, ngành Trung ương, ông Tuấn nêu ý tưởng: đại lộ chung của 3 nước Đông Dương có chiều dài khoảng 1.000 km, với điểm bắt đầu từ đèo Mụ Dạ (Việt Nam) qua biên giới Việt - Lào, tiếp đến các điểm: Na Pao, Mường Phìn, Xa La-van, Champasak, 4 điểm nằm trên đất Lào, Stung Treng, Kratie, tới điểm cuối là Bình Phước (VN). Trong đó, phần nằm trên đất Việt Nam là 30km, phần nằm trên đất Lào là 560km và nằm trên đất Campuchia là 410km.
Theo ông Tuấn, nếu được triển khai thì đại lộ đặc biệt này sẽ là con đường ngắn nhất nối 2 vùng trọng điểm kinh tế của Việt Nam, là đồng bằng Nam bộ và đồng bằng sông Hồng: cự ly sẽ rút ngắn được trên 300km cho đường 1A và 500km cho đường Trường Sơn, chỉ còn là 1.400 km (tính từ Hà Nội đến TPHCM). Lợi thế này là rất đáng quan tâm vì theo ông Tuấn, QL1A của Việt Nam, mặc dù đã và đang được mở rộng và nâng cấp tới 4 làn xe, nhưng vì lưu lượng xe Bắc - Nam rất lớn, qua nhiều khu dân cư, nhiều điểm lượn, quanh co, tầm nhìn hạn chế, nên hiện các phương tiện qua đường bộ chỉ đạt được vận tốc trung bình 40km/h, tốn nhiều thời gian, tiền của và sức khoẻ.
Trong đề xuất, ông Tuấn còn khẳng định, tuyến đại lộ qua 3 nước Đông Dương sẽ giúp phân chia được một lưu lượng phương tiện lưu thông khá lớn, giảm được nhiều tai nạn giao thông. Đặc biệt là tuyến Hà Nội-TPHCM. Đặc biệt vào mùa mưa lũ, các con đường Bắc - Nam của Việt Nam vốn thường xuyên bị hư hại, giao thông đường bộ ách tắc.
Đối với nước bạn Lào, tuyến đại lộ sẽ tạo điều kiện cho các tỉnh từ Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào thông thương làm ăn, buôn bán thuận lợi, với thị trường 2 vùng kinh tế trọng điểm của Bắc và Nam, cũng như các địa phương khác của Việt Nam. Đặc biệt là với miền Nam Việt Nam; Mở rộng khả năng xuất nhập khẩu các nước phía đông bắc châu Á và đông nam Trung Quốc qua các cảng biển của Việt Nam. Bên cạnh đó, với 560km đường xương sống chạy qua nước Lào, chắc chắn sẽ tạo được một nguồn thu phí giao thông đáng kể và lâu dài, phần lớn nguồn thu sẽ là các phương tiện từ Việt Nam, có thể có tới số lượng hàng chục ngàn chiếc xe mỗi ngày. Trong khi đó, đối với Campuchia, khi hình thành đại lộ nêu trên cũng sẽ giúp thông thương kinh doanh làm ăn thuận lợi, mở rộng thị trường với một vùng lớn phía Bắc Việt Nam, miền Trung Lào và Thượng Lào. Đáng chú ý, các tỉnh nghèo nằm trong khu Tam Giác (13 tỉnh của 3 nước) có điều kiện phát triển nhanh chóng khi con đường xương sống đi qua. Campuchia cũng sẽ có được nguồn thu phí đáng kể và lâu dài trên xa lộ có cự ly 410km, mà phần lớn nguồn thu là các phương tiện giao thông của Việt Nam.
Trước đề xuất của ông Mai Trọng Tuấn, tại Hội nghị cấp cao 3 nước Campuchia - Lào -Việt Nam, họp tại Thủ đô Viêng Chăn của nước Lào vào tháng 11-2004, đã thống nhất ký hiệp định C.L.V định hướng hợp tác phát triển đến năm 2020. Trong đó, cũng đã đặt ra quy hoạch về Tam Giác phát triển 3 quốc gia và xây dựng mới khu Tam Giác phát triển gồm 13 tỉnh nghèo biên giới. Hiện nay, sau khi bổ sung thêm 3 tỉnh: Bình Phước (Việt Nam), Kratie (Campuchia), Champasak (Lào) thì tổng diện tích của 13 tỉnh sẽ vào khoảng là 143.000km2, dân số 6,7 triệu người. Do đó, một tuyến đại lộ đi qua khu vực tam giác cần phát triển này, sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả và nhanh chóng theo hiệp định C.L.V, mà cấp cao 3 nước đã ký kết, chắc chắn sẽ thuận lợi nhiều hơn.
Ông Tuấn chia sẻ: Dân gian vẫn có câu rằng: mở đường đến đâu, dân giàu đến đấy. Do đó, ông Tuấn mong muốn với đề xuất của mình sẽ gợi mở một hướng giải pháp cho 3 nước anh em Việt Nam, Lào và Campuchia sẽ xích lại gần nhau hơn, thông thương làm ăn thuận lợi hơn, kể cả thị trường các nước Đông Á và Đông Nam Á.
Lê Anh
đại đoàn kết
|