Myanmar - mảnh đất “vàng” cuối cùng của châu Á
Từ khi mở cửa đất nước, Myanmar đang giống như “miếng mồi” béo bở, được khát khao bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, kinh tế Myanmar sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9,5% vào năm 2030. Đây là một con số tăng trưởng đáng mơ ước của nhiều quốc gia. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức có uy tín lại kỳ vọng lớn vào kinh tế Myanmar, từ khi mở cửa đất nước, Myanmar đang giống như “miếng mồi” béo bở, được khát khao bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Mấy ai nghĩ rằng chỉ cách đây vài năm, một chiếc sim bé xíu lại có giá tới 1.500 USD tại Myanmar. Đắt vì chúng quá hiếm! Chính vì vậy ngay sau khi quốc gia Myanmar mở cửa, hàng loạt các hãng viễn thông lớn đã nhảy vào thị trường này, và giờ người dân Myanmar có thể mua sim với giá chỉ từ 40.000 VND.
Không chỉ các hãng viễn thông, các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, từ bình dân cho đến xa xỉ cũng đua nhau nhảy vào thị trường này. Ai cũng muốn trở thành người tiên phong tại Myanmar.
Ông Ulf Ewaldsson, Trưởng phòng kỹ thuật, hãng điện thoại Ericsson chia sẻ: “Myanmar là một thị trường sơ khai với mật độ dân số cao lên tới gần 60 triệu dân, đây là cơ hội cực kỳ tuyệt vời cho chúng tôi”.
Giám đốc điều hành hãng Coca Cola - ông Muhtar Kent phát biểu đầy lạc quan: “Nhiều ý kiến băn khoăn, tại sao chúng tôi vội vàng đầu tư nhà máy tại Myanmar? Chúng tôi không nhìn ngắn hạn, chúng tôi nhìn Myanmar cho đến nhiều năm sau nữa, chắc chắn thị trường này sẽ đem lại nhiều lợi nhuận cho chúng tôi không thua kém gì những thị trường mà chúng tôi đã từng chinh phục”.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Myanmar đã lên tới con số 3,3 tỷ USD, tăng tới 113% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù nhiều tiềm năng nhưng các nhà đầu tư đến Myanmar cũng gặp phải những khó khăn nhất định, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng và luật pháp còn khá sơ khai.
Anh Nay Aung - Người sáng lập công ty du lịch Oway khẳng định: “Nhiều khó khăn phải đối mặt, từ cơ sở hạ tầng cho đến chính sách, nhưng từ khi đất nước này mở cửa, mọi sự đang dần thay đổi tích cực. Năm ngoái ngành du lịch Myanmar đã tăng tưởng đến 100%, nên tôi tin chắc tôi sẽ thành công ở đất nước nhiều tiềm năng này”.
“Tin tưởng” là từ mà nhiều nhà đầu tư, cũng như chính người dân Myanmar đang dành cho Chính phủ của Thủ tướng Thein Sein. Những thế hệ trẻ của Myanmar giờ đây cũng đang được thừa hưởng những điều tốt đẹp từ các chính sách mới.
Ah Moon Marip, người dân Myanmar nói: “Chúng tôi nhìn thấy đất nước mình thay đổi từng ngày, và tôi tin rằng đất nước chúng tôi sẽ ngày một tốt hơn”.
Anh Vũ
VTV
|