Trung Quốc phạt 2 hãng xe nước ngoài “chặt chém” khách
Cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc hôm qua (11/9) đã tuyên bố phạt lần đầu tiên đối với các hãng xe nước ngoài về hành vi thao túng giá cả. Theo đó, hai hãng Volkswagen và Chrysler bị phạt số tiền tổng cộng 46 triệu USD.
Hãng tin Reuters cho biết, án phạt này làm gia tăng khả năng Trung Quốc có án phạt tương tự đối với các thương hiệu xe ngoại lớn khác như Mercedes-Benz hay Jaguar Land Rover. Đây đều là các hãng đang bị điều tra về hành vi đi ngược lại cạnh tranh.
Các hãng xe nước ngoài bắt buộc phải thành lập liên doanh ở Trung Quốc. Volkswagen có cổ phần 30% trong liên doanh FAW-Volkswagen
|
Nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc nói sẽ phạt đơn vị bán hàng thuộc FAW-Volkswagen, liên doanh của Volkswagen tại Trung Quốc, số tiền 249 triệu Nhân dân tệ, tương đương 40,6 triệu USD vì thao túng giá xe Audi. Tương tự, bộ phận bán hàng của Chrysler tại Trung Quốc bị cơ quan chống độc quyền ở Thượng Hải phạt 32 triệu Nhân dân tệ vì hành vi độc quyền giá xe.
Ngoài ra, 3 nhà phân phối của Chrysler ở Thượng Hải và 8 nhà phân phối Audi ở Hồ Bắc cũng bị phạt.
Nhiều lĩnh vực ở Trung Quốc đã chịu tác động không nhỏ từ nỗ lực chống độc quyền được đẩy mạnh kể từ khi luật chống độc quyền của nước này được thực thi vào năm 2008. Tuy vậy, ngành ôtô là ngành bị “soi” nhiều nhất và các hãng xe nước ngoài thường xuyên bị truyền thông nhà nước Trung Quốc tố là “chặt chém” người tiêu dùng. Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Hình phạt theo luật chống độc quyền của Trung Quốc rất nghiêm khắc, và các công ty vi phạm có thể bị phạt số tiền tương đương 10% doanh thu hàng năm ở nước này. Tuy vậy, theo nguồn tin thân cận, mức phạt mà liên doanh FAW-Volskwagen phải chịu chỉ tương đương 6% doanh thu của Audi tại Hồ Bắc.
Tháng trước, Trung Quốc phạt 12 công ty sản xuất phụ tùng ôtô Nhật Bản với tổng mức phạt kỷ lục 1,235 tỷ Nhân dân tệ vì cho rằng các công ty này thao túng giá.
Các cuộc điều tra chống độc quyền của Trung Quốc đang gây lo ngại. Tháng 8 vừa qua, Hội đồng Thương mại EU tại Trung Quốc nói, Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật “tay to” và có vẻ như không công bằng đối với các công ty nước ngoài.
Các hãng xe nước ngoài bắt buộc phải thành lập liên doanh ở Trung Quốc. Volkswagen có cổ phần 30% trong liên doanh FAW-Volkswagen.
Án phạt nhằm vào Chrysler và Audi không nằm ngoài dự báo, bởi trước đó, Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã tuyên bố kết luận hai hãng này vi phạm luật chống độc quyền. Về phần mình, Audi thừa nhận bộ phận bán hàng vi phạm “một phần” luật chống độc quyền của Trung Quốc.
Diệp Vũ
vneconomy
|