Cổ phiếu thị trường mới nổi lại hút tiền nhà đầu tư
Các thị trường mới nổi cuối cùng cũng bừng tỉnh sau giấc ngủ dài.
* 4 rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý về thị trường mới nổi
* Làn sóng tháo chạy khỏi cổ phiếu thị trường mới nổi đột ngột tạm dừng
* Chưa đầy 2 tháng, vốn rút khỏi thị trường mới nổi đã vượt cả năm 2013
* Rút vốn ồ ạt khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi
Trong 3 tháng qua, quỹ iShares MSCI Emerging Market ETF đầu tư dựa trên chỉ số của các cổ phiếu thị trường mới nổi đã tăng vọt 7%, vượt xa mức tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.
Còn nhớ vào đầu năm nay, nhà đầu tư ồ ạt rút gần 11.5 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư thị trường mới nổi trước lo ngại rằng các quốc gia từ Trung Quốc cho đến Brazil sẽ “chìm nghỉm” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hồi các biện pháp kích thích kinh tế và nâng lãi suất.
Tuy nhiên, số liệu từ Trim Tabs cho thấy kể từ thời điểm đó đến nay, nhà đầu tư đã rót trở lại khoảng 13.8 tỷ USD vào các quỹ đầu tư thị trường mới nổi.
Ông Peter Kohli, người quản lý các khoản đầu tư thị trường mới nổi của DMS Funds tại Leesport, Pennsylvania nhận định: “Các thị trường này có cơ hội tăng trưởng nhiều hơn thế nữa”.
Quỹ iShares MSCI Emerging Market ETF phục hồi mạnh - Nguồn: CNN Money
|
Ông cho biết các thị trường mới nổi đang “ăn nên làm ra” bất chấp sự thật rằng chương trình kích thích của Fed sắp kết thúc. Ông nói: “Các thị trường đang bắt đầu đứng trên chính đôi chân của mình và theo tôi đó là một tín hiệu tuyệt vời”.
Tuy nhiên, không phải thị trường mới nổi nào cũng đạt được kết quả mỹ mãn như nhau. Trong khi Nga và Ukraina khá “bấp bênh” thì Ấn Độ lại bùng nổ. Chỉ số Mumbai Sensex của nước này đã tăng gần 30% trong năm 2014 trước kỳ vọng rằng Tân Thủ tướng Narendra Modi có thể thúc đẩy nền kinh tế với các cải cách có lợi cho thị trường. Tương tự, Indonesia và Thái Lan cũng trở thành các điểm sáng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.
Theo ông Kohli, các quốc gia đạt được kết quả khả quan thời gian qua cũng là các nước đã tiến hành một số bước đi chính trị để hội nhập hơn vào nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, đồng nội tệ và thị trường chứng khoán Nga lại chứng kiến đà lao dốc mạnh trong năm nay do những căng thẳng với phương Đông xung quanh vấn đề Ukraina.
Về phần mình, ông Kohli tỏ ra bi quan về Trung Quốc và Brazil. Các số liệu gần đây cho thấy kinh tế Brazil đã rơi vào suy thoái trong quý 2, giai đoạn mà nước này được cho là nhận được lực đẩy từ lượng du khách và các khoản đầu tư cho World Cup. Còn tại Trung Quốc, nhà đầu tư lo ngại về đà tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản và lĩnh vực tín dụng đen.
Một nhân tố khác ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi là gói kích thích mới từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm giúp nền kinh tế khu vực thoát khỏi tình trạng trì tệ. Dù chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB không đem lại cho các thị trường mới nổi sức bật như chương trình mua trái phiếu của Fed nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến các thị trường này. Chẳng hạn như các doanh nghiệp châu Âu sẽ có thêm khả năng tài chính để nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài.
Dĩ nhiên, những rủi ro khi đầu tư vào các thị trường mới nổi vẫn còn hiện diện. Bất kỳ sự giảm tốc đáng kể nào từ các quốc gia lớn như Trung Quốc cũng có thể lây lan sang các thị trường mới nổi khác và khiến đà phục hồi chệch hướng. Và trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở siêu mức thấp trong một thời gian dài, sự gia tăng bất ngờ của lãi suất có thể khiến nhà đầu tư tìm kế thoái lui.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|