Trung Quốc: "Ngân hàng bóng tối" mang lại lợi ích cho nền kinh tế
Trong thông báo mới nhất, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cho biết Trung Quốc cần nắm lấy cơ hội để định hướng hệ thống các trung gian tài chính (hiện đang vận hành hoạt động cho vay không chính thức ngoài hệ thống ngân hàng - SB) nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đang cần vốn, đồng thời tăng cường quản lý lĩnh vực này.
Loại hình "ngân hàng bóng tối" này phát triển mạnh trong những năm gần đây và khá linh hoạt trong việc ấn định mức lãi suất cho vay nhưng mức độ rủi ro thường cao hơn, mà trong đó có vụ sản phẩm tín dụng mà Ngân hàng Evergrowing hậu thuẫn có giá trị lên tới 4 tỷ nhân dân tệ (652,18 triệu USD) bị vỡ nợ đầu tháng 9/2014.
Sự vụ này đã làm dấy lên những đồn đoán về khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ siết chặt hoạt động của SB.
Trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh giám sát nguồn vốn bắt buộc đối với các ngân hàng, các ngân hàng phải tìm kiếm các trung gian tài chính khác để giảm bớt sức ép đối với nhu cầu tài chính.
Phát biểu tại một hội nghị vừa diễn ra cuối tuần trước, Phó Thống đốc PBoC Hu Xiaolian nhấn mạnh rằng SB cần được khuyến khích vì nó mang lại lợi ích cho nền kinh tế và không thể phủ nhận được rằng ở một mức độ nhất định, hoạt động này giúp thỏa mãn nhu cầu vốn ở nhiều cấp.
Hoạt động trung gian tài chính phi ngân hàng nhìn chung được hiểu là các hoạt động cho vay không "hiển thị" trong bảng cân đối tài chính của ngân hàng và có mức lãi suất tự do khá cao nhưng mức độ rủi ro cũng cao hơn vì ít tuân theo các luật lệ quy định chính thức.
Giới phân tích cảnh báo rằng rủi ro vỡ nợ đang gia tăng trong bối cảnh đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chậm lại.
Theo tính toán của bộ phận nghiên cứu thuộc Ngân hàng ANZ của Australia, SB tại Trung Quốc có giá trị lên tới khoảng 33.000 tỷ nhân dân tệ (5.383 tỷ USD) vào giữa năm 2014, tương đương 58% GDP của nước này năm 2013, hay 20% tổng tài sản của khối ngân hàng Trung Quốc.
Trang Nhung
Vietnam+
|