Kinh tế Anh sau trưng cầu ý dân ở Scotland: Niềm tin quay trở lại
Cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland - sự kiện đã làm nóng dư luận thế giới thời gian qua - đã kết thúc với kết quả là Scotland tiếp tục ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Vương quốc Anh).
Với đa số cử tri nói “Không” với độc lập, nền kinh tế Xứ sở Sương mù đang dần ổn định trở lại sau những biến động về tài chính và tiền tệ vừa qua.
Độc lập để tự chủ về kinh tế
Với dân số hơn 5 triệu người, Scotland là một trong những quốc gia lâu đời nhất thế giới. Năm 843, Vua Kenneth MacAlpin đã thống nhất các vùng lãnh thổ và "khai sinh" ra Scotland. Scotland là một quốc gia độc lập trong suốt hơn 800 năm cho tới khi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland được thành lập năm 1707.
Scotland có hệ thống pháp luật riêng. Giáo hội nhà nước Scotland nằm dưới sự bảo vệ của Đạo luật Hợp nhất. Tuy nhiên, Chính phủ ở London và Ngân hàng Anh, do William Paterson, một người Scotland, sáng lập năm 1694, lại nắm quyền kiểm soát toàn bộ các vấn đề tiền bạc và tài chính tại Scotland.
Yêu cầu đòi quyền tự quyết tại Scotland đã buộc giới chức xứ Westminster phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1997 để thành lập Quốc hội Scotland tại Edinburgh - thể chế chịu trách nhiệm về các vấn đề cụ thể của Scotland. Đề xuất này đã nhận được 74,3% số phiếu ủng hộ của các cử tri và tới năm 1999, Quốc hội Scotland chính thức đi vào hoạt động.
Quốc hội Scoland có thể đề ra các điều luật trong những lĩnh vực như giáo dục, chi tiêu cho y tế, nhà ở, du lịch, vận tải và một số vấn đề khác, song lại không có quyền quyết định các chính sách nhập cư, quốc phòng, đối ngoại, việc làm, thương mại, năng lượng và thậm chí là cả tài chính. Hầu hết số tiền chi tiêu của Quốc hội Scotland và các dịch vụ tài chính công đều do Chính phủ Vương quốc Anh cấp.
Những người ủng hộ Scotland độc lập đã nêu lên những vấn đề nóng không chỉ ở riêng Scotland mà còn ở cả Vương quốc Anh và châu Âu, nhất là kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đó là bất bình đẳng kinh tế, tình trạng thất nghiệp kéo dài, phúc lợi xã hội bị cắt giảm trong khi việc giải cứu các đại ngân hàng lại được ưu tiên, do nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào các ngành tài chính.
Họ tin rằng một Scotland độc lập sẽ đưa ra được giải pháp cho những vấn đề trên tốt hơn cách mà London đã và đang lựa chọn, chẳng hạn như giảm thuế doanh nghiệp để thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, mở cửa hơn nữa cho người nhập cư hay khuyến khích phụ nữ làm việc.
Trong khi đó, kinh tế đang tăng trưởng ổn định, nguồn dầu mỏ Biển Bắc dồi dào và thu nhập bình quân đầu người không kém gì Vương quốc Anh là những lý do giới chức Scotland kiên quyết đòi độc lập. Ông Alex Salmond, Thủ hiến Scotland và là một đại diện cho những người nói “có” trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, cho rằng nguồn thu từ các giếng dầu ở Biển Bắc sẽ đưa Scotland trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.
Theo Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, 90% số dầu mà Vương quốc Anh khai thác nằm trên lãnh thổ và lãnh hải Scotland. Theo các số liệu chính thức công bố năm 2012, dầu mỏ của Scotland đóng góp khoảng 39,5 tỷ USD/năm cho nền kinh tế Vương quốc Anh.
Ở lại vì những cam kết
Ngày 19/9, một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland, Thủ tướng Anh David Cameron nói ông sẽ "tôn trọng đầy đủ" cam kết chuyển giao thêm quyền lực về thuế, ngân sách và phúc lợi cho Nghị viện Scotland.
Trong chiến dịch vận động nói “Không” trong cuộc trưng cầu dân ý, ba đảng chính trị lớn nhất tại nước Anh (gồm đảng Bảo thủ, đảng Lao động và đảng Dân chủ Tự do) đã ký một cam kết đẩy nhanh việc trao quyền tự chủ cho Scotland về thuế và chi tiêu nếu cử tri bỏ phiếu từ chối một Scotland độc lập. Một thời gian biểu để thực hiện những thay đổi này đã được ông Gordon Brown, cựu Thủ tướng Anh và là dân biểu Scotland, đưa ra và nhanh chóng được các đảng tại nước Anh ủng hộ.
Mặc dù vậy, hiện nay, “kịch bản” chuyển giao quyền lực giữa Vương quốc Anh và Scotland vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Cameron cho biết dự thảo luật mới cho Scotland, “Đạo luật Scotland,” sẽ được công bố vào Burns Night (ngày 25/1/2015) để sẵn sàng cho Hạ viện bỏ phiếu. Tuy nhiên, với một cuộc tổng tuyển cử tại Xứ sở Sương mù sẽ diễn ra vào tháng 5/2015, đạo luật này sẽ không được thông qua cho tới khi Quốc hội mới bắt đầu làm việc.
Đó là chưa kể việc các chính đảng tại nước Anh, dù đều đồng ý sẽ giao cho Nghị viện Scotland thêm quyền lực đáng kể trong lĩnh vực tăng thuế thu nhập so với quyền hạn hiện nay, đang bất đồng về phạm vi thay đổi.
Trong cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, cùng với những cam kết từ các đảng tại Vương quốc Anh, những yếu tố khác có tác động đến quyết định của cử tri có thể còn là những cảnh báo của giới kinh doanh bán lẻ về khả năng hàng hóa tăng giá cũng như việc nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Standard Life, Tập đoàn Ngân hàng Lloyds công bố kế hoạch chuyển một số hoạt động về London để đảm bảo vẫn là một phần của hệ thống thuế và tiền tệ của Anh quốc trong trường hợp Scotland độc lập.
Điều mà cử tri Scotland mong muốn là chất lượng sống được cải thiện và an sinh xã hội được bảo đảm chứ không phải độc lập đi liền với việc làm bị mất và giá cả tăng cao.
Ngoài ra, việc Scotland không được tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh hay sẽ phải "làm lại từ đầu" khi phải xin gia nhập các tổ chức mà Vương quốc Anh đang là thành viên như Liên minh châu Âu cũng làm cho quyết tâm đòi độc lập giảm đi phần nào.
Và niềm tin đã quay trở lại
Theo công ty tư vấn CrossBorder Capital, trong tháng 8, các nhà đầu tư đã rút 27 tỷ USD đầu tư tài chính khỏi Vương quốc Anh. Đây là lượng vốn chảy ra lớn nhất trong một tháng kể từ sau cuộc khủng hoảng ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) hồi năm 2008 do giới đầu tư ngày càng lo ngại về những tác động tiêu cực lên tình hình kinh tế và tài chính trong trường hợp Scotland độc lập.
Bên cạnh đó, các quan ngại về tác động của kịch bản Scotland chia tay Vương quốc Anh đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống còn 1,6208 USD/bảng trong phiên giao dịch ngày 8/9, mức thấp kỷ lục của 10 tháng.
Tuy nhiên, việc Scotland tiếp tục ở lại đã giúp nền kinh tế Vương quốc Anh dần ổn định trở lại. Theo tờ Thời báo Tài chính, trong ngắn hạn, điều này sẽ giúp duy trì sự nguyên trạng và tránh được kịch bản mà các nhà đầu tư cũng như các nhà kinh tế lo sợ nhất là sự xuống giá của đồng bảng Anh, dòng vốn chảy khỏi Scotland và một thời kỳ bất ổn định sâu sắc.
Sáng 19/9, khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố, nhiều nhà kinh tế của Khu Tài chính London đã bày tỏ sự tự tin hơn vào các dự báo của họ về kinh tế Anh quốc trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng GDP có thể đạt 3% trong năm 2014. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland cũng khiến các nhà đầu tư tin tưởng hơn vào nhận định của họ rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2015.
Việc người Scotland từ chối độc lập đã giúp cho các nhà đầu tư được giải tỏa khỏi mối lo phải thay đổi trụ sở, sửa đổi hợp đồng khi Scotland tách khỏi Vương quốc Anh. Các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn của nước Anh đã hủy bỏ kế hoạch chuyển mọi hoạt động khỏi Scotland.
Trong khi đó, tỷ giá của đồng bảng Anh đã phục hồi và tăng lên 1,6525 bảng/USD, mức cao nhất trong vòng hai năm trong phiên giao dịch ngày 19/9. Trên thị trường chứng khoán Scotland, giá của nhiều cổ phiếu đã tăng vọt. Có vẻ như niềm tin của nhà đầu tư đã quay trở lại./.
Lê Minh
Vietnam+
|