Tỉ lệ thất nghiệp 1,84%: Tính theo thông lệ quốc tế?
Bà Nguyễn Thị Xuân Mai - vụ trưởng Vụ Thống kê dân số - lao động, Tổng cục Thống kê trao đổi về tỉ lệ thất nghiệp vừa được công bố ở VN ở mức 1,84%.
* Tỷ lệ thất nghiệp 1,84%: quá phi lý!
* Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước ở mức thấp nhất trong một năm qua
Bạn trẻ tìm hiểu thông tin việc làm tại chương trình “Tiếp sức người lao động” ở Nhà văn hóa Thanh Niên, Q.1, TP.HCM
|
Trước ý kiến cho rằng tỉ lệ thất nghiệp vừa được công bố ở VN chỉ ở mức 1,84% là phi lý, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - vụ trưởng Vụ Thống kê dân số - lao động, Tổng cục Thống kê - nói:
"Tỉ lệ thất nghiệp Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) vừa công bố 1,84% là cho độ tuổi từ 15 tuổi đến hết, tức cả những người 99 tuổi còn sống (thường Tổng cục Thống kê chỉ công bố tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tức từ 15 tuổi đến 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ)."
"Khi mới tiếp cận con số thất nghiệp này, bản thân tôi cũng thấy con số đó thấp. Tuy nhiên, có nhiều lý do cần phải xem xét cặn kẽ."
Có một giờ lao động/tuần không phải là thất nghiệp
* Cách tính của VN theo chuẩn nào mà tỉ lệ thất nghiệp lý tưởng như vậy, thưa bà?
- Ở Thái Lan, tỉ lệ thất nghiệp còn thấp hơn VN, khoảng 1,8%. Còn điều tra thế nào thì theo quy định hiện nay, khi điều tra về thất nghiệp, điều tra viên sẽ hỏi trong tuần trước khi được hỏi anh chị có giờ lao động nào tạo thu nhập hay không. Nếu câu trả lời là có thì người đó được coi là có việc làm.
Thật ra, không phải chỉ VN hỏi theo cách này mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đưa ra khuyến cáo và nhiều nước thực hiện theo hướng dẫn này.
Trước đây chúng tôi đã hỏi và tranh luận với chuyên gia ILO, xem các nước khác thế nào, liệu có thể nới ra, tức tuần trước khi khảo sát người trả lời phải đạt 9 giờ lao động mới được coi là không thất nghiệp, nhưng chuyên gia ILO cho rằng như thế cũng không có nhiều ý nghĩa.
Việc thống kê tỉ lệ thất nghiệp ở VN hiện nay đúng là có thực tế sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, phải đi làm thêm như xe ôm, thậm chí về quê tham gia lao động giúp bố mẹ cũng được coi là có việc làm.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê thông thường vẫn công bố rõ tỉ lệ thất nghiệp chi tiết, như ở thành thị, ở nông thôn, bên cạnh đó là tỉ lệ thiếu việc làm, lao động có việc làm phi chính thức.
Đặc biệt, chúng tôi cũng thống kê tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên (từ 15 - 24 tuổi - độ tuổi khá tiêu biểu cho những người mới ra trường). Theo đó tỉ lệ thất nghiệp không nhỏ. Như tỉ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị thời điểm 1-1-2014 lên tới 11,17%. Tính đến thời điểm 1-7-2014 là 10,65%.
* Vậy tại sao các nước cũng tính tỉ lệ thất nghiệp theo hướng dẫn của ILO nhưng tỉ lệ của họ không được “lý tưởng” như ở VN?
- Các nước phát triển, khu vực nông nghiệp của họ ít, hoặc nếu có thì cũng cơ giới hóa, hoạt động như doanh nghiệp nên lao động nào dôi dư sẽ thấy ngay. Còn tại VN, lao động trong nông nghiệp rất cao. Ai không đi làm việc ở ngoài cũng có thể tham gia lao động nông nghiệp. Nên theo định nghĩa về thất nghiệp thì hầu hết đều có việc làm.
* Bộ LĐ-TB&XH tính tỉ lệ thất nghiệp người từ 15-99 tuổi, đúng ra tỉ lệ thất nghiệp phải cao hơn cách tính theo độ tuổi lao động mà Tổng cục Thống kê công bố chứ, vì nhiều người già làm sao có việc làm được?
- Trên lý thuyết là như thế, nhưng điều tra phải tuân theo khái niệm hiện tại. Người trên 60 tuổi nhưng nếu có thu nhập, hưởng lợi từ hoạt động khác vẫn được coi có việc làm. Nghĩa là có lương hưu, trợ cấp vẫn không phải thất nghiệp. Hoặc người nào có nhà cho thuê, thu nhập từ cổ phần, cổ phiếu hay có cửa hàng nhỏ bán nước, cửa hàng tạp hóa... cũng được coi là có việc làm.
Sẽ nghiên cứu đề xuất thay đổi
* Con số tỉ lệ thất nghiệp hiện nay dù đúng các khái niệm nhưng khó hình dung thực tế. Có thể thay đổi để người sử dụng thấy bức tranh thực chất hơn không?
- Tính toán của chúng tôi cho thấy có tới khoảng 45% lao động VN là lao động tự làm, tức tự tìm việc, tự làm, như xe ôm, bán hàng rong...
Nếu tính cả lao động tự túc trong hộ gia đình thì tỉ lệ lên tới khoảng 67%. Con số đó tách ra công bố riêng sẽ thấy rõ được thực tế về quy mô, năng suất, chất lượng lao động của VN. Bởi lao động này khác hẳn so với lao động làm công ăn lương, làm việc khu vực chính thức.
Tới đây, chúng tôi sẽ kiến nghị với lao động tự sản tự tiêu (chỉ lao động phục vụ cuộc sống của gia đình mà không trao đổi hàng hóa, không tạo lợi nhuận) sẽ không tính vào đối tượng điều tra thất nghiệp mà tách ra phân tích riêng.
Khi bớt đi một đối tượng gần như đều có việc làm một cách đương nhiên này thì số người thất nghiệp sẽ tăng lên, vì so với một tổng thể ít hơn, phản ánh thực chất hơn. Dự kiến nếu được chấp nhận, năm 2015 sẽ đưa quan điểm trên vào bảng câu hỏi để đánh giá. Tất nhiên, sẽ còn phải thảo luận, xin ý kiến kỹ trước khi thực hiện...
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):
Nhập nhằng giữa “có việc làm” và “có thu nhập”
Có một nguyên tắc khi tính phần trăm là mẫu số càng lớn thì kết quả càng nhỏ. Khi muốn có kết quả nhỏ phải đẩy mẫu số lên. Trong bài toán tính phần trăm tỉ lệ thất nghiệp, người ra đẩy mẫu số lên bằng cách tính luôn cả số người già đến 99 tuổi.
Phải phân biệt rõ khi nói tới tỉ lệ thất nghiệp thì chữ “nghiệp” ở đây là nói đến những người trong độ tuổi lao động, đang đi làm.
Tính hết người từ 15 - 99 tuổi thì ta đang tính tỉ lệ thất nghiệp trên ít nhất khoảng 2/3 dân số chứ không phải tính tỉ lệ thất nghiệp trên số người trong độ tuổi lao động.
Kế đến, ở đây còn thấy có sự nhập nhằng giữa khái niệm “có việc làm” và “có thu nhập”. Không biết cơ quan chức năng có nhầm lẫn giữa chuyện thất nghiệp và mất thu nhập hay không?
Tôi rất băn khoăn với lập luận của cơ quan thống kê khi cho rằng “nếu có thu nhập, hưởng lợi từ hoạt động khác thì vẫn được coi có việc làm”.
Liệu một người ăn xin - có thu nhập hằng ngày đàng hoàng - có được xem có việc làm không? Hay những kẻ giật đồ, móc túi - có thu nhập - cũng là có việc làm chăng? Không nên tính kiểu hễ có thu nhập là có công việc.
Phải nhìn thẳng vào thực trạng xã hội, vào sức khỏe của nền kinh tế đất nước, đừng nên đưa ra những số liệu lạc quan quá đà sẽ không có lợi cho phát triển kinh tế.
Thỉnh thoảng chúng ta lại đưa ra những số liệu rất lạc quan - không hiểu là để động viên người dân hay chính các cơ quan nhà nước đang động viên nhau?
Người dân thật ra họ không quan tâm tỉ lệ thất nghiệp của các anh đưa ra là bao nhiêu phần trăm mà chỉ quan tâm chuyện thực tế họ có việc làm hay không.
Cho nên những con số thống kê kiểu “tự sướng” như thế này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân không bao nhiêu nhưng lại tác động rất xấu đến uy tín của chính cơ quan đưa ra thống kê khi người dân cảm thấy tỉ lệ ấy, con số ấy không đáng tin cậy.
Mai Hương ghi
|
Cầm Văn Kình thực hiện
Tuổi Trẻ
|