Người Việt xài sang đóng góp lớn cho GDP?
Hiện hai phần ba GDP của Việt Nam đến từ tiêu dùng cá nhân. Trong khi đó người Việt vốn vẫn được mệnh danh là thích xài sang, mê hàng hiệu...
Như vậy điều đó có nghĩa sự phát triển của một ngành nào đó phụ thuộc rất nhiều vào sự mua sắm của từng người dân.
Trong khi đó, bài viết trên TBKTSG đã chỉ ra nghiên cứu của Roy Morgan cho biết có sự khác biệt lớn ở các thị trường châu Á mới nổi.
"Việt Nam được biết đến như là thị trường nóng nhất của Apple nhờ nhóm tiêu dùng trẻ tuổi. Doanh số của Apple đã tăng gấp ba lần trong ba tháng đầu năm 2014. Mỗi quí, doanh số của iPhone tăng gấp hai lần và tốc độ tăng này vẫn đang tiếp tục", nghiên cứu chỉ rõ.
Tâm lý thích hàng hiệu, mua sắm trong siêu thị của người dân khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước khó khăn.
|
Bài báo cũng phân tích, ở Việt Nam, có hai hành vi khác nhau của tầng lớp tiêu dùng mới. Một số người khá tiết kiệm dù có nhiều tiền do những ký ức sâu đậm về hoàn cảnh khó khăn họ đã phải trải qua. Một số khác lại có khuynh hướng tiêu dùng rất mạnh, thích xài hàng “xịn” như thể để bù đắp cho thời kỳ thiếu thốn, khổ sở trước đây.
56% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Những người này đặc biệt nhạy cảm với xu hướng tiêu dùng hàng hiệu và cái gọi là “kinh nghiệm người sử dụng”, tức họ thích khoe với nhau đã từng sử dụng cái gì, thương hiệu gì, nó như thế nào.
Trước đó, một khảo sát trực tuyến của hãng Niesel dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia toàn thế giới thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu. Theo như kết quả này thì người Việt mê hàng hiệu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%.
Có một thực tế thời gian qua thu nhập của người Việt tăng nhanh song mức thu nhập tuyệt đối vẫn thấp hơn nhiều so với các nước châu Á. Nhưng nói gì thì nói, Việt Nam đang trở thành quê hương của tầng lớp tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Nhưng chuyên gia kinh tế Bùi Trinh từng phân tích hiện không ít người đang ngộ nhận về con số GDP tăng cao của Việt Nam.
Tổng cục Thông kê đưa ra con số năm 2012 về thu nhập bình quân đầu khoảng 2 triệu đồng tháng thì tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 khoảng hơn 2,2 triệu đồng tháng.
“Đó là mức thu nhập khiêm tốn, rất khó khăn cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn tổng thu nhập bình quân đầu người trên tháng năm 2012 chỉ là 1,541 triệu đồng còn thấp hơn mức bình quân, trong khi 68% dân số là ở nông thôn. Đó là chưa kể đến tình trạng phân hóa giầu nghèo, làm cho khoảng cách thu nhập giữa 20% người nghèo nhất và 20% người giầu nhất lên tới 10 lần và đang tiếp tục tăng lên”, ông Trinh nhận định.
Mặt khác cũng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ giữa tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đinh từ năm 2010-2013 luôn ổn định ở mức 70 – 72% GDP, như vậy có thể thấy mức tiêu dùng bình quân đầu người của dân cư năm 2012 khoảng 1229 USD và năm 2013 khoảng 1372 USD, trong khi mức tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2012 là 1152 USD và năm 2013 ước tính khoảng 1280 USD.
Do đó ông Trinh khẳng định: “Từ những con số này có thể thấy đa số người dân không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng! Nếu các tính toán này không có sai số thì đây là tín hiệu khá nguy hiểm, chứng tỏ việc GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân”.
Như vậy lượng người tiêu dùng trung lưu còn lại lại hướng dòng tiêu thụ của mìn tới các sản phẩm hàng hiệu, những thương hiệu có tiếng.... thành ra nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì sự phân khúc tiêu dùng như hiện nay sẽ thấy các doanh nghiệp nước ngoài, có vốn nước ngoài tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Phương Nguyên
đất việt
|