Tháo chốt chặn tín dụng
Tính đến cuối tháng 8-2014, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng đạt 5,82% cho thấy đầu ra của tín dụng rất hẹp
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng (NH) Nhà nước đánh giá mức tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2014 còn thấp, chưa đạt như kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm từ 12%-14%.
Ngân hàng sợ rủi ro
Theo các NH, lãi suất cho vay không còn là yếu tố để doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn. Điều này thể hiện khá rõ khi số liệu của NH Nhà nước cho thấy các khoản vay có mức lãi suất dưới 10% chiếm tới 72% tỉ trọng tín dụng. Thế nhưng, nhiều NH chào mời lãi suất cho vay vốn lưu động 7%-8%/năm vẫn không tháo gỡ được đầu ra. Nguyên nhân chính là do DN tốt không muốn vay thêm tiền; DN cần vay thì vướng nợ xấu hoặc thuộc nhóm ngành nghề tiềm ẩn rủi ro, không có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh thiếu khả thi… khiến NH ngại nợ xấu tăng lên, không dám cho vay.
Một lãnh đạo của NH Ngoại thương cho biết nhiều năm trước, các NH thường cho vay với tài sản thế chấp là hàng hóa hình thành từ vốn vay. Tuy nhiên, do DN không bán được hàng nên NH không thu hồi được vốn. Mặt khác, NH cũng không thể kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc các loại hàng hóa do DN thế chấp. Điển hình là vụ việc hơn 3.000 tấn cà phê mà một DN đã thế chấp vay vốn tại 7 NH hiện vẫn chưa giải quyết xong. Vì thế hiện nay, các NH gần như không cho DN vay tiền thế chấp bằng hàng hóa. Điều này lý giải vì sao tín dụng tăng trưởng chậm.
Nhiều NH cũng đã dồn vốn cho vay các dự án lớn thuộc ngành điện, dầu khí… Tuy nhiên, các dự án này lại có lộ trình đầu tư, NH giải ngân theo tiến độ thi công nên tín dụng không thể tăng một sớm một chiều.
Khó cho vay tín chấp
Để khơi thông tín dụng, nhiều NH đã mạnh dạn cho DN không có tài sản thế chấp, hoạt động tốt vay vốn ngắn hạn với lãi suất từ 6%-8%/năm kèm theo điều kiện phải có dòng tiền thanh toán qua NH. Như thế, dòng tiền của DN đã trở thành tài sản thế chấp. Đây cũng là hình thức cho vay mà chương trình NH kết nối DN năm 2014 trên địa bàn TP HCM gặt hái khá thành công.
Mới đây, NH Nhà nước cũng yêu cầu các NH thương mại tăng cường cho vay tín chấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, nhiều NH cho rằng nếu DN không có dòng tiền thanh toán qua NH thì việc cho vay tín chấp là bất khả thi bởi khi DN mất khả năng trả nợ thì NH mất vốn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược NH, để tháo gỡ tình trạng DN có năng lực tài chính yếu kém hay đang vướng nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi, chính phủ nhiều quốc gia đã áp dụng mô hình bảo lãnh vốn vay cho DN. Tại Việt Nam, một số tỉnh, thành đã hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng số vốn của các quỹ này chỉ vài trăm tỉ đồng do các NH thương mại đóng góp và gần như không thể hiện được vai trò bảo lãnh tín dụng DN.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh đề xuất Chính phủ tăng cường tiềm lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, thiết lập những chỉ tiêu và điều kiện bảo lãnh cho vay dễ dàng hơn song vẫn bảo đảm khả năng thu hồi vốn.
Lãi suất nên giảm thêm
Tuy lãi suất không còn là yếu tố then chốt nhưng ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, cho rằng từ nay đến cuối năm, NH Nhà nước sẽ điều hành chính sách lãi suất ổn định. Nếu không có biến động của chỉ số giá tiêu dùng (CPI), các NH thương mại có thể giảm lãi suất cho vay thêm 1%-2%/năm.
|
Thy Thơ
Người lao động
|