Tháng 9, tiếp tục xu hướng gom cổ phiếu toàn cầu
Các thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu vừa khép lại tháng 8 với kết quả mỹ mãn khi nhà đầu tư ngày càng tin tưởng hơn vào nền kinh tế thế giới và các nhà phân tích dự báo xu hướng mua vào sẽ tiếp tục trong tháng 9.
* Liên kết giao dịch chứng khoán Hồng Kông-Trung Quốc ra mắt đúng hẹn?
* Cảnh báo bong bóng chứng khoán Mỹ!
* S&P 500 lần đầu đóng cửa trên 2,000 điểm, Dow Jones lập kỷ lục mới
Các TTCK lớn trên thế giới đang giao dịch tại, hoặc gần các mức đỉnh của năm 2014. Và chứng khoán Mỹ đã trở thành “ngôi sao sáng nhất” với việc S&P 500 vượt mốc 2,000 lần đầu trong lịch sử. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 cũng ghi nhận sự đảo chiều ngoạn mục so với đà bán tháo vào đầu năm và hiện đã tăng 4% trong năm nay.
Các TTCK châu Á cũng đạt được kết quả khả quan với chỉ số MSCI Asia đã tăng 5% trong năm nay và phục hồi 14% so với mức thấp nhất của năm 2014 xác lập vào tháng 2. Đáng chú ý hơn cả là TTCK Ấn Độ khi cả chỉ số Sensex và cổ phiếu Nifty đồng loạt phá vỡ các kỷ lục mới trong tháng 8. Giá cổ phiếu tại Trung Quốc và Hồng Kông cũng đang dao động tại các mức đỉnh năm 2014 trong khi chỉ số ASX 200 của Australia hiện đang đứng tại mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 6 năm.
Trong bối cảnh như vậy, liệu đà phục hồi sẽ tiếp tục?
Ông Mikio Kumada, chiến lược gia toàn cầu của LGT Capital Partners đồng ý rằng đà phục hồi sẽ tiếp tục. Ông nói: “Sự điều chỉnh cần xảy ra cũng đã xảy ra, vì thế các thị trường toàn cầu có thể tiếp tục tăng cao từ các mức hiện nay”.
Các căng thẳng địa chính trị xung quanh Iraq và Ukraina từng khiến các thị trường tích tắc rơi vào tình trạng chao đảo trong tháng 7 nhưng giá cổ phiếu đã hồi sinh trở lại trong tháng 8. Ông Kumada cho rằng, trong tháng 9, các thị trường chứng khoán châu Âu có khả năng tăng điểm nhiều nhất.
Ông nói: “Thị trường nào trước đây sụt giảm mạnh nhất sẽ phục hồi ấn tượng nhất. Hiện đà tăng của các TTCK châu Âu vẫn còn nhẹ hơn so với TTCK Mỹ khi các chỉ số chính trên Phố Wall đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2009. Ông tin tưởng rằng thị trường châu Âu cũng có khả năng đạt được điều đó nếu Chính phủ các nước và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp dụng chính sách đúng đắn. Dĩ nhiên, thời gian để đạt được thành quả này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các luồng thông tin chính trị.
Ông Kumada cũng lạc quan về triển vọng chứng khoán Mỹ bất chấp các dự báo cho rằng Phố Wall sắp trải qua một đợt sụt giảm mạnh. Ông nói: “Tôi không quan tâm đến các tranh luận về bong bóng. Mặc dù trên thực tế, một số lĩnh vực của thị trường chẳng hạn như công nghệ có phần được định giá quá cao nhưng nhìn chung định giá cổ phiếu Mỹ vẫn còn tương đối hợp lý”.
Ông Sean Darby, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu toàn cầu của Jefferies cho rằng dường như các thị trường cổ phiếu đã chạm đỉnh. Tuy nhiên, ông kỳ vọng sẽ không xảy ra bất kỳ đợt điều chỉnh mạnh nào trong tháng 9 vì lãi suất thấp sẽ thôi thúc nhà đầu tư tìm kiếm mức sinh lợi hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.
Ông nói: “Đó là bởi vì hầu hết các thị trường vẫn đang chứng kiến tỷ lệ lãi suất thực âm và trong môi trường này giá tài sản sẽ còn hấp dẫn và được mua vào mạnh”.
TTCK Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tỏa sáng
Các nhà phân tích nhận định trên CNBC rằng, TTCK Trung Quốc và Nhật Bản có thể đã rẽ theo hai hướng khác nhau trong năm nay nhưng cả hai đều có khả năng tăng điểm trong tháng 9.
Ông Darby vẫn còn lạc quan về cổ phiếu hạng A của Trung Quốc sau khi thị trường này đạt được đà tăng mạnh hơn so với các thị trường cùng loại của châu Á. Ông kỳ vọng, chỉ số Shanghai Composite, sau khi đã tăng 4% trong năm nay, sẽ tiếp tục tiến xa hơn nữa trước khi liên kết giao dịch giữa Thượng Hải và Hồng Kông ra mắt vào tháng 9.
Trong khi đó, TTCK Nhật Bản lại khá ì ạch trong năm nay với chỉ số Nikkei 225 sụt giảm hơn 5% sau đà bứt phá ấn tượng tới 57% trong năm 2013. Các số liệu kinh tế nghèo nàn cùng mối nghi ngờ về các chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe đã tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Kumada vẫn còn đầu tư vượt quá tỷ trọng vào thị trường này với kỳ vọng cổ phiếu Nhật Bản sẽ tiếp tục tỏa sáng trong vòng 3 đến 6 tháng tới. Ông nói: “Chúng tôi không thấy rủi ro to lớn nào đối với nền kinh tế Nhật Bản trong trung hạn. Nếu đà phục hồi của hệ thống tiền tệ có dấu hiệu chững lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ can thiệp”.
Rủi ro vẫn còn hiện diện
Đúng như vậy, với sự trở lại của các chuyên viên giao dịch trong tháng 9 sau kỳ nghỉ hè, bất kỳ đà phục hồi nào cũng có thể đi kèm với một tỷ lệ biến động tương đối.
Ông Clem Chambers, Giám đốc điều hành trang tài chính AVDFN nhận định: “Có rất nhiều rủi ro trong mùa thu này, nhưng đó là sự kết thúc của chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), động thái mở đầu cho một kỷ nguyên nâng lãi suất mới và nới lỏng các biện pháp kiểm soát thị trường của Fed”.
Ông cho biết thêm: “Quá trình bình thường hóa chính sách từ từ này có thể đi kèm với các cú sốc. Thị trường cũng đang rất cao. Vì thế, đã đến lúc “thắt dây an toàn”.
Khi được hỏi về các sự kiện có thể có thể khiến các thị trường toàn cầu thất vọng, cả ông Darby và ông Kumada đều cho rằng căng thẳng leo thang tại Nga và Ukraina chính là ẩn số khó đoán đối với các thị trường.
“Nếu điều này xảy ra, thì việc cho rằng chỉ có TTCK châu Âu bị ảnh hưởng chỉ là điều mơ tưởng. Không có lý gì mà sự khó khăn của các nền kinh tế BRICS không tác động đến các quốc gia còn lại trên thế giới”, ông Kumada nhận định.
Phước Phạm (Theo CNBC)
|