Giá trị cổ phiếu toàn cầu đạt kỷ lục 66 ngàn tỷ USD khi S&P 500 vượt ngưỡng 2,000
Nhiều chỉ số chứng khoán thế giới đã tăng hơn 100% so với thời điểm tháng 3/2009
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán các nước từ Brazil đến Nhật Bản cũng như sự kiện S&P 500 lần đầu vượt vượt mốc 2,000 đã đẩy giá trị cổ phiếu toàn cầu lên mức kỷ lục 66 ngàn tỷ USD.
* S&P 500 lần đầu đóng cửa trên 2,000 điểm, Dow Jones lập kỷ lục mới
* S&P 500 vượt ngưỡng lịch sử 2,000 điểm trước kỳ vọng ECB tung gói QE
* Gần 20 tỷ USD đổ vào cổ phiếu toàn cầu tuần qua
Số liệu của Bloomberg cho thấy, kể từ ngày 07/08 đến nay, giá trị cổ phiếu toàn cầu đã tăng thêm hơn 2.2 ngàn tỷ USD lên kỷ lục 66 ngàn tỷ USD. So với thời điểm thị trường chạm đáy vào tháng 3/2009, giá trị cổ phiếu toàn cầu đã tăng vọt tới 25 ngàn tỷ USD. Được biết, tại thời điểm thị trường lập đỉnh vào năm 2007, giá trị cổ phiếu toàn cầu đạt 63 ngàn tỷ USD.
TTCK các nước từ Brazil cho đến Ả-rập Xê-út đều chứng kiến đà tăng thuộc hàng mạnh nhất thế giới trong tháng qua. Cụ thể, chỉ số Ibovespa của Brazil đã tăng 7.2% trong tháng 8 trong khi chỉ số Tadawul All Share Index của Ả-rập Xê-út cũng nhận khoảng 7%.
Bên cạnh đó, niềm lạc quan các ngân hàng trung ương sẽ tung ra các gói kích thích để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đã giúp chỉ số MSCI All-Country World Index tăng 3.8% so với mức đáy của tháng 8. Đáng chú ý, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã tăng 10 trong 13 phiên vừa qua và đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba tại mốc 2,000.02 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite hiện còn cách đỉnh cao mọi thời đại khoảng 10%. Chỉ số Topix của Nhật cũng đang tiến sát mức cao nhất kể từ tháng 1 sau đà giảm điểm vào đầu năm nay.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 ghi nhận hai phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 4 sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi phát đi tín hiệu các nhà làm chính sách có thể xem xét áp dụng chương trình mua tài sản (QE) như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo Bloomberg, 3 đợt kích thích kinh tế của Fed dưới dạng các chương trình nới lỏng định lượng (QE) cùng lợi nhuận doanh nghiệp kỷ lục đã giúp S&P 500 tăng gấp 3 lần so với mức đáy xác lập tháng 3/2009. Kể từ thời điểm đó đến nay, chỉ số MSCI thế giới nhảy vọt 150%; chỉ số của các TTCK châu Âu tăng mạnh 117%; chỉ số Topix của Nhật Bản leo dốc 81%, và chỉ số MSCI thị trường mới nổi tiến 124%.
Phước Phạm (Theo Bloomberg)
|