Tái cấu trúc thị trường xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng trưởng mạnh trong những năm qua và sẽ tiếp tục tăng khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại trong thời gian tới. Nhưng để tăng trưởng bền vững thì phải tái cấu trúc toàn diện hoạt động này...
Bất cập tăng trưởng xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, sau 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã tăng từ 84,7 tỷ USD lên 264,4 tỷ USD vào năm 2013. Trong đó, XK tăng từ 39,8 tỷ USD lên 132,1 tỷ USD. Riêng ba năm (2011 - 2013), kim ngạch XK hàng hóa nước ta đã tăng 22,3%, nhanh hơn 4 lần tốc độ tăng GDP.
Thị trường XK của Việt Nam mở rộng đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở 5 thị trường lớn là EU, Mỹ, Nhật, ASEAN và Trung Quốc. Tám tháng đầu năm nay, kim ngạch XK cả nước ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2013 và xuất siêu đạt 1,69 tỷ USD. Có đến 24 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm đến 86% tổng kim ngạch XK.
Phát biểu tại Diễn đàn xuất khẩu 2014 với chủ đề "Định hướng thị trường và sản phẩm xuất khẩu" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 12/9 tại TP.HCM, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, mặc dù XK hàng hóa tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Chính sách kinh tế hướng vào XK vẫn là một trong những trụ cột của chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam nhưng chỉ có doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) XK ổn định dựa vào uy tín của công ty mẹ tận dụng được cơ hội này. Hầu hết các DN trong nước chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh và sản phẩm đều thấp, XK qua trung gian nên hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.
Đó là chưa kể đa phần sản phẩm của DN trong nước XK dưới dạng thô, sơ chế hoặc gia công nên giá trị gia tăng thấp. Đã vậy lại không có sự đồng bộ giữa XK và phát triển thị trường nội địa. Đơn cử như năm 2013, XK gạo đạt 3,5 tỷ USD nhưng Việt Nam phải nhập khẩu tới 3,7 tỷ USD thức ăn chăn nuôi...
Ở góc độ DN, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết, khó khăn lớn nhất của DN XK là thiếu thông tin thị trường, nguyên liệu và công nghệ, thiết bị đang bị phụ thuộc.
Nhờ những hiệp định song phương và đa phương về thương mại mà Việt Nam đã và đang ký kết đàm phán trong thời gian tới, nhiều cơ hội thị trường được mở ra cho hàng xuất khẩu Việt Nam nhưng cùng với đó, DN cũng cần thông tin thị trường kịp thời để không bị lệnh lạc.
Bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, cũng thừa nhận thông tin thị trường cập nhật kịp thời là nhu cầu cấp bách của các DN hiện nay. Qua hơn 20 cuộc gặp gỡ, trao đổi với các hiệp hội DN, hội chuyên ngành, các DN XK trên địa bàn thành phố thì nhu cầu về thông tin thị trường là quan tâm hàng đầu khi tìm kiếm thị trường XK mới.
Tái cấu trúc thị trường
Muốn phát triển XK bền vững, cần đẩy mạnh hơn nữa tái cấu trúc thị trường. TS. Trần Du Lịch, cho rằng: "Đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường XK là một trong những giải pháp then chốt để phát triển và mở rộng thị trường XK của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, các DN cần đa dạng hóa thị trường nhằm tránh tình trạng "bỏ trứng vào một giỏ”, tránh việc kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại như hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá...".
Cụ thể, vẫn tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm ở 5 thị trường lớn nhất hiện nay là EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Việc mở rộng thị trường các nước thành viên đang đàm phán Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (T.P.P) cần có giải pháp đồng bộ của Chính phủ để giúp DN tiếp cận.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, mục tiêu XK không nên tách biệt với thị trường nội địa. Nền ngoại thương của một quốc gia, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế khu vực và thế giới phải hoạt động trong điều kiện xóa bỏ hàng rào thuế quan hai chiều, nên không có ranh giới giữa thị trường nội địa và XK.
Cụ thể, trong hai năm 2014 - 2015, Việt Nam sẽ hoàn tất đàm phán và ký kết hàng hoạt hiệp định thương mại tự do như EU-VN, T.P.P, ASEAN... Như vậy, từ năm 2016 trở đi, Việt Nam hội nhập toàn diện với thị trường nhiều khu vực trên thế giới. Khi đó, hàng rào thuế quan hầu như được dỡ bỏ và thuế suất nhập khẩu nhiều loại hàng hóa chỉ còn từ 0-5%.
Do đó, DN phải thay đổi nhận thức về hoạt động XK. DN muốn cạnh tranh được với hàng hóa nước ngoài, trước hết phải có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước về chất lượng và giá cả.
Chiến lược XK cần gắn liền với việc khai thác thế mạnh về nông nghiệp để từ đó tổ chức lại sản phẩm nông nghiệp phù hợp với quá trình hội nhập thế giới, đáp ứng cho XK. Các DN nên tiếp tục mở rộng quy mô thị trường cũng như tập trung giải pháp XK tại chỗ, đặc biệt khai thác tiềm năng du lịch lớn của Việt Nam.
"Vấn đề của chúng ta không phải là XK sản phẩm gì mà là làm thế nào để tạo ra sự khác biệt của sản phẩm để cạnh tranh. Đây chính là thách thức đối với việc mở rộng thị trường XK. Và trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để giúp DN củng cố được thị trường cũ, mở rộng thị trường XK mới cần có vai trò hỗ trợ của Chính phủ và các hiệp hội ngành nghề có liên quan", TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, ông Herb Cochra, Giám đốc Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng, sắp tới đây, khi T.P.P được ký kết, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Bên cạnh kim ngạch xuất nhập khẩu tăng thì vốn FDI chảy vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó, các DN Việt Nam sẽ gắn kết mạnh hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo đà để thúc đẩy năng suất.
Tuy nhiên, để đón nhận cơ hội này, Chính phủ cũng như các DN Việt Nam phải quyết liệt hơn trong thực hiện tái cấu trúc thị trường và sản phẩm XK thông qua các giải pháp đồng bộ.
Minh Hào
Doanh nhân sài gòn
|