Cạnh tranh bán lẻ: ‘Cuộc chiến’ không cân sức
Trong khi tiểu thương nội tháo chạy khỏi trung tâm thương mại vì thua lỗ thì khối ngoại có động thái ngược lại.
‘Cuộc chiến’ không cân sức
Trong khi tiểu thương nội tháo chạy khỏi trung tâm thương mại vì thua lỗ thì khối ngoại có động thái ngược lại. Các ông lớn bán lẻ quốc tế đang ngấp nghé mặt bằng ở các khu đô thị mới để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi.
Tại Diễn đàn Nâng cao lòng tin người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của thị trường nội địa diễn ra ngày 17/9 tại Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú cho biết, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang tràn vào Việt Nam ồ ạt khiến doanh nghiệp nội phải rất vất vả để cạnh tranh.
“Doanh nghiệp trong nước so với các nhà bán lẻ nước ngoài là không cân sức. Các nhà bán lẻ nước ngoài có vốn, họ có thể chấp nhận lỗ những năm đầu trong khi các nhà bán lẻ trong nước không có điều kiện làm như vậy. Doanh nghiệp nội địa gặp khó khăn nhiều thứ: vốn, mặt bằng, thuế… trong khi những điều này không phải là cản trở đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài.
Gần đây nhất, tập đoàn của Thái Lan mua lại Metro. Họ sẽ từng bước nắm 2 chuỗi cả siêu thị lớn và các cửa hàng tiện ích. Riêng cửa hàng tiện ích họ đã có hơn 140 cửa hàng ở Việt Nam.
Đề cập đến điều này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, tập đoàn Thái Lan hay Lotte và một vài tập đoàn khác họ đều vừa có Trung tâm thương mại hoặc siêu thị lớn, vừa phát triển một loạt các chuỗi nhỏ dạng cửa hạng tiện ích. Trong khi đó hệ thống siêu thị của Việt Nam thì nhỏ hơn quy mô của các tập đoàn này rất nhiều. Các chuỗi cửa hàng nhỏ của họ có nhiều hàng hóa cộng với cách tổ chức tốt nên chèn cả những cửa hàng nhỏ lẻ theo kiểu kinh doanh truyền thống của Việt Nam..
Điều đó cho thấy Việt Nam bị tấn công cả ở khu vực hiện đại (siêu thị) lẫn khu vực truyền thống (các cửa hàng bán lẻ).
Nhiều quan điểm cho rằng, việc chính sách cho phép các doanh nghiệp mở cửa hàng nhỏ lẻ tha hồ có nghĩa là cạnh tranh trực diện với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Hiện các siêu thị mới chủ yếu họ mang hàng của họ sang bán. Lotte thì mang hàng Hàn Quốc, một số siêu thị thì mang hàng Nhật Bản.
Và bây giờ Thái Lan mua chuỗi của Metro họ chắc chắn sẽ tiêu thụ chủ yếu hàng của Thái Lan … nên hàng hoá Việt Nam rất khó “chen chân” vào.
Ngành bán lẻ nội liên kết để chống đỡ
Phải thừa nhận rằng, ngành bán lẻ Việt Nam đang rất yếu về nhiều khía cạnh, trong khi cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường này ngày càng khốc liệt, khi xu hướng người tiêu dùng luôn muốn chọn hàng hoá chất lượng tương đương nhưng giá rẻ và thái độ phục vụ tốt hơn.
Ông Vũ Vinh Phú chỉ ra rằng, hàng Việt Nam so với hàng hoá nước ngoài còn yếu về nhiều mặt như: chất lượng, giá cả và dịch vụ…
“Hàng hoá có thể bị lỗi, khuyết trong quá trình sản xuất nhưng dịch vụ chăm sóc khách hàng phải thật tốt thì mới làm hài lòng người tiêu dùng được. Ví dụ, nhiều cửa hàng có biển ghi “Hàng mua rồi miễn đổi lại” là một trong những chiêu kinh doanh sai lầm. Nếu doanh nghiệp không làm tốt dịch vụ sau bán hàng thì việc xây dựng thương hiệu trước đó sẽ đổ ra sông ra bể”, ông Phú lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, thời gian qua trên thị trường bán lẻ cũng xuất hiện nhiều thông tin về hàng hoá kém chất lượng, làm lại hạn sử dụng trong khi hàng đã bị hỏng, nguồn gốc thực phẩm kém tin cậy…
Về việc này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, đây là hành động không thể chấp nhận được và đáng tiếc nhất là sẽ gây mất lòng tin của người tiêu dùng.
“Chế tài nghiêm nhất cho việc này chính là uy tín của doanh nghiệp sẽ không còn”, bà Loan nói.
Trước mắt, con đường đi của ngành bán lẻ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do chúng ta vẫn đang hoạt động theo kiểu sự vụ, không có quy hoạch, chưa có vùng nuôi trồng hay sản xuất sạch.
Ông Vũ Vinh Phú khuyến cáo: “Phải xác định rõ đối tượng dễ tổn thương nhất để phục vụ là người dân nghèo, đối tượng là chợ cóc để quản lý, chọn mặt hàng để sản xuất chứ không làm tràn lan. Quan trọng là chúng ta phải quản lý từ gốc (Con lợn phải quản lý từ chuồng, cây rau phải quản lý từ nông trại) chứ không đợi đến ra chợ hay vào siêu thị mới quản. Nói cách khác là phải văn minh từ nơi sản xuất”.
Ông Phú cũng nhấn mạnh rằng, để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài, ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn, mặt bằng, thuế… thì sản phẩm nội địa phải tìm cách nâng cao chất lượng, hạ giá thành, hệ thống phân phối hợp lý…
“Chúng ta nên mở các siêu thị mini, nhưng phải quy hoạch để đừng giẫm chân lên nhau, mà phải liên kết với nhau. Các nhà bán lẻ trong nước phải chung sức để mua chung bán chung chứ không thể 10 ông bán dầu ăn thì cả 10 ông đều xách túi đi mua về bán….Bởi nếu không có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ thất bại, phá sản trước làn sóng các nhà bán lẻ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam”, ông Phú nói thêm./.
Quỳnh Anh
Tổ Quốc
|