Thứ Năm, 04/09/2014 10:01

Nguy cơ khủng bố từ 11 máy bay mất tích

Việc Mỹ cảnh báo các tay súng Hồi giáo đang kiểm soát 11 máy bay thương mại ở Libya làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tấn công khủng bố giống sự kiện 11.9.2001.

Một máy bay của hàng không Afriqiyah Airways bị trúng pháo ở sân bay Tripoli

11 chiếc máy bay thương mại thuộc 2 hãng hàng không dân dụng của chính phủ Libya đã biến mất không chút dấu vết sau khi các tay súng Hồi giáo thuộc tổ chức Bình minh Libya tấn công sân bay quốc tế Tripoli và giành quyền kiểm soát nơi này. Trong vòng 2 tuần qua, chính quyền Washington liên tục cảnh báo về tình hình đang chuyển biến xấu tại Libya. Sự mất tích hàng loạt máy bay diễn ra chỉ vài tuần trước ngày tưởng niệm sự kiện 11.9.2001 hằng năm đã khiến người ta nghĩ đến tình huống xấu nhất: các nhóm khủng bố muốn lặp lại thảm họa làm rung chuyển nước Mỹ cách đây 13 năm.

Vũ khí hủy diệt

Vào ngày 31.8, chính phủ Libya tuyên bố đã mất quyền kiểm soát thủ đô về tay những tổ chức Hồi giáo vũ trang, trong đó có các nhóm cực đoan như Ansar al-Sharia và Bình minh Libya, theo AFP. Được biết, Ansar al-Sharia có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Và kể từ cuối tháng 8, phi trường quốc tế Tripoli đã rơi vào tay của tổ chức Bình minh Libya, cùng với những chiếc máy bay chưa bị phá hoại thuộc hai hãng hàng không Libyan Airlines và Afriqiyah Airways.

Đài truyền hình Al Jazeera dẫn lời chuyên gia quân sự Abderrahmane Mekkaoui của Ma Rốc cảnh báo phe khủng bố đang có âm mưu biến những máy bay vừa lấy được thành vũ khí tấn công các nước vùng Bắc Phi vào ngày tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công 11.9.2001 trên đất Mỹ. Trong khi đó, trang Washington Free Beacon dẫn lời Sebastian Gorka, chuyên gia chống khủng bố thuộc Đại học Lính thủy đánh bộ Mỹ, vẽ ra một viễn cảnh rùng rợn khác. Theo chuyên gia Mỹ, những tên khủng bố có thể áp dụng kịch bản 11.9, biến các phương tiện vận chuyển vô hại thành “tên lửa dẫn đường” với độ chính xác cực cao và sức phá hoại lớn. Cách thứ hai là dùng máy bay chở theo các nhóm khủng bố được vũ trang đầy đủ và ngụy trang thành phương tiện chuyên chở thông thường bay đến những mục tiêu định sẵn.

Michael Rubin, một chuyên gia chống khủng bố thuộc tổ chức nghiên cứu American Enterprise Institute, cũng đồng ý với quan điểm trên. “Ai cần đến tên lửa đạn đạo nếu nắm trong tay máy bay chở khách? Một chiếc máy bay trống trơn nhưng đổ đầy nhiên liệu cũng có sức hủy diệt tương đương”, theo chuyên gia Rubin. Ông ước tính số người chết có thể lên đến 1.000 người nếu máy bay lao xuống khu dân cư. Một trong những mục tiêu khác mà khủng bố có thể nhắm đến là các mỏ dầu ở Ả Rập Xê Út.

Hồi hộp trước ngày 11.9

Các quan chức Mỹ không công khai xác nhận về sự mất tích của 11 máy bay, nhưng theo nguồn thạo tin, phía tình báo đang nỗ lực chạy đua với thời gian để lần ra dấu vết của chúng. “Một loạt các máy bay thương mại tại Libya đã biến mất. Có thể chúng ta sẽ biết được chuyện gì đã xảy ra với những chiếc phi cơ này vào ngày 11.9”, theo trang Washington Free Beacon dẫn lời dự đoán đầy ảm đạm của một quan chức Mỹ. Ngày 11.9 không chỉ đánh dấu sự kiện tang thương của Mỹ, mà còn là dịp tưởng niệm vụ tấn công tòa lãnh sự của Mỹ tại Benghazi, khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, bao gồm Đại sứ Christopher Stevens.

Kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị phương Tây lật đổ, Libya đã rơi vào vòng xoáy bạo lực không lối thoát và giới chức khu vực lẫn phương Tây lo ngại nước này có thể trở thành “thiên đường” của bọn khủng bố, giống trường hợp Syria. Sau khi tổ chức Bình minh Libya khống chế phi trường quốc tế Tripoli, Tunisia đã ngưng những chuyến bay xuất phát từ các sân bay Tripoli, Sirte và Misrata vì lo ngại máy bay có thể bị biến thành vũ khí tấn công tự sát. Chính quyền Ai Cập cũng ngưng các tuyến bay nối liền Libya. Đồng thời, các quân đội ở Bắc Phi, bao gồm Ma Rốc, Algeria, Tunisia và Ai Cập được đặt trong tình trạng báo động cao trước thông tin một loạt máy bay bị đánh cắp.

Theo Reuters, chính phủ Ai Cập đã bí mật triển khai không kích vào các mục tiêu trên đất Libya và hiện cân nhắc khả năng đổ quân trên diện rộng vào nước này. Về phần mình, Washington muốn duy trì vai trò thận trọng đối với Libya, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tuần trước cho biết Lầu Năm Góc đang đẩy nhanh tốc độ cấp thêm các trực thăng tấn công Apache cho đồng minh Ai Cập.

Cho đến mùa hè này, hãng hàng không quốc gia Libyan Airlines có tổng cộng 14 máy bay chở khách và vận tải, bao gồm 7 chiếc Airbus 320, 1 chiếc Airbus 330, 2 chiếc cánh quạt ATR-42 và 4 chiếc Bombardier CJR-900, theo trang Washington Free Bacon. Trong khi đó, một hãng hàng không khác cũng thuộc quản lý của chính phủ là Afriqiyah Airways hoạt động với 13 chiếc, gồm 3 chiếc Airbus 319, 7 chiếc Airbus 320, 2 chiếc Airbus 330 và một chiếc Airbus 340. Hiện chưa rõ những loại máy bay nào đã rơi vào tay bọn khủng bố. Phi trường Tripoli và ít nhất 7 máy bay đã bị hư hại trong các cuộc tấn công bắt đầu từ tháng 7 và đến giữa tháng 7 đã buộc phải đóng cửa hoàn toàn.

H.G


Thụy Miên

thanh niên

Các tin tức khác

>   Bạc Liêu: Ban giám đốc “lương khủng”, chủ sở hữu không hay (04/09/2014)

>   Công nhân Fukushima khởi kiện đòi bồi thường rủi ro (03/09/2014)

>   Dự án nhà máy bia hàng trăm tỉ 'đắp chiếu' (03/09/2014)

>   Tung tin đồn thất thiệt để cạnh tranh không lành mạnh (03/09/2014)

>   Thay đổi tội danh đối với nguyên Phó tổng giám đốc Đường sắt Việt Nam (03/09/2014)

>   Nước nghèo Niger mua chuyên cơ tổng thống 40 triệu USD (02/09/2014)

>   Viettel bị tố “móc túi” người dùng qua dịch vụ Anybook (22/08/2014)

>   Nhà máy thạch cao - xi măng làm khổ dân (02/09/2014)

>   Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: “Hãy khơi dậy sức dân” (01/09/2014)

>   Phó thủ tướng: Đừng ép doanh nhân bỏ tiền mua thủ tục (31/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật