Thứ Hai, 15/09/2014 14:58

Nghèo đói: những con số nói dối

Năm 2015, thời điểm kết thúc Chiến dịch “Mục tiêu thiên niên kỷ” của Liên hiệp quốc, sắp đến gần. Nhiều nhà kinh tế học và các tổ chức độc lập bắt đầu lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi một cái nhìn trung thực hơn so với câu chuyện êm ái vẫn được kể về thành tích xóa đói giảm nghèo của chiến dịch này.

Trẻ em làm gia công cho nhà máy thuốc lá ở Dhiliyan, Tây Bengal, Ấn Độ.

Từ châu Á

Báo cáo về nghèo đói châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố cuối tháng 8 vừa qua cho rằng tình trạng nghèo đói ở khu vực là trầm trọng hơn những gì được mô tả qua những con số, và chỉ ra rằng đó là do “chuẩn nghèo”, mức sống 1,25 đô la Mỹ/ngày đã không phản ảnh được đầy đủ về nghèo cùng cực.

Nếu tính theo chuẩn này, có xu hướng những người sống với mức 1,25 đô la hoặc thấp hơn (tính theo sức mua tương đương - P.P.P của năm 2005) sẽ giảm xuống chỉ còn 1,4% vào năm 2030, tỷ lệ nghèo đói sẽ xuống dưới 3% và nghèo đói “cơ bản là được xóa bỏ”. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Shang-Jin Wei của ADB nói, 1,25 đô la đã không đủ để duy trì mức sống cơ bản ở nhiều vùng trong khu vực, và những người làm chính sách cần có một cách hiểu đầy đủ hơn về nghèo đói để nhận diện thách thức này.

Báo cáo chỉ ra rằng, chỉ riêng ở châu Á, nếu nâng mức chuẩn nghèo từ 1,25 đô la sang mức ước tính 1,51 đô la, tỷ lệ nghèo ở khu vực năm 2010 đã tăng 9,8 điểm phần trăm, từ 20,7 lên 30,5%, đồng nghĩa số người nghèo cùng cực tăng lên 343 triệu người. Ngoài ra, người nghèo thường chi tiêu tỷ lệ lớn thu nhập của mình cho thực phẩm, trong khi mức tăng giá thực phẩm cao hơn mức tăng chỉ số giá nói chung. Chưa hết, cần tính thêm mức độ dễ tổn thương đối với thảm họa thiên nhiên, môi trường, khủng hoảng kinh tế...

Những yếu tố này không cần loại trừ lẫn nhau, và báo cáo cho rằng kết hợp những phương pháp tính toán này có thể tăng tỷ lệ nghèo đói đang được ghi nhận ở châu Á từ 28,8% lên đến 49,5%, đồng nghĩa với việc số người nghèo từ 1,02 tỉ lên 1,75 tỉ người.

Và câu chuyện đó không phải chỉ của châu Á

Câu chuyện xóa đói giảm nghèo đến từ chiến dịch Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Các chính phủ cam kết chấm dứt nghèo đói cùng cực lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh Lương thực Thế giới ở Rome năm 1996. Họ cam kết giảm số lượng người bị suy dinh dưỡng xuống một nửa trước năm 2015, mà tính theo dân số vào thời điểm đó, nghĩa là giảm khoảng 836 triệu người nghèo. Ngay từ thời điểm đó, nhiều nhà phê bình cho rằng con số này quá tham vọng, và nghèo đói cùng cực có thể được kết thúc nhanh hơn với các chính sách tái phân phối hiệu quả.

Ngân hàng Thế giới, các chính phủ của các nước phát triển, và các nhà lãnh đạo chiến dịch Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc đều đồng ý với nhận định là thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn nhờ sự phát triển của thị trường tự do và các gói viện trợ từ phương Tây, và nghèo đói cùng cực sẽ sớm chỉ là một cụm từ của quá khứ.

Đó là một viễn cảnh đẹp. Và theo những con số, báo cáo thường kỳ của chiến dịch, có vẻ giấc mơ đó sắp thành sự thực. Tuy nhiên, theo một số báo cáo thực tế, nghèo đói càng ngày càng tồi tệ hơn.

Những phép tính sai cho toàn cầu

GS.TS. Jason Hickel, Đại học Kinh tế London, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, mục tiêu của chiến dịch đã được bí mật “pha loãng”, không phải một lần, mà nhiều lần, nhiều góc độ để có được những con số đẹp về nghèo đói. Ông cho rằng, nếu muốn thực sự xóa bỏ nghèo đói, phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt hơn.

Một giáo sư Đại học Yale đã chỉ ra, đầu tiên, mục tiêu của chiến dịch được đổi thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ 1 (MDG-1), chỉ nhắm đến dân số các nước đang phát triển, tức là chỉ tính trên một nửa dân số toàn cầu (chứ không phải toàn bộ như ban đầu). Bằng cách này, và tính theo tỷ lệ tăng trưởng dân số tự nhiên, mục tiêu mới giảm đi 167 triệu người.

Kế đó, thay vì sử dụng các cơ sở dữ liệu từ năm 2000 trở lại, họ lại sử dụng các dữ liệu năm 1990, và bao gồm cả kết quả của các hoạt động xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc suốt những năm 1990, mà lúc đầu không thuộc Chiến dịch Thiên niên kỷ. Phương pháp này, mà các nhà kinh tế gọi là “ảo thuật thống kê”, có thể biến mục tiêu 836 triệu người ban đầu thành chỉ hơn 324 triệu người, nghĩa là chưa đến một nửa.

Không chỉ có các mục tiêu đặt ra bị dịch chuyển, bản thân định nghĩa về nghèo, “ngưỡng nghèo” - hay còn gọi là “chuẩn nghèo”, đã được nhào nặn nhằm phục vụ câu chuyện xóa đói giảm nghèo. Năm 1990, Martin Ravallion, một nhà kinh tế học của Úc tại Ngân hàng Thế giới, nhận thấy rằng chuẩn nghèo của một nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới chỉ quanh quẩn ở 1 đô la mỗi ngày. Và Ngân hàng Thế giới đã thông qua mức này thành chuẩn nghèo quốc tế (IPL) đầu tiên.

Tuy nhiên, sử dụng ngưỡng này, Ngân hàng Thế giới công bố trong báo cáo thường niên năm 2000 của mình rằng số lượng tuyệt đối của những người “sống với 1 đô la mỗi ngày hoặc ít hơn” trên toàn thế giới đã tăng từ 1,2 tỉ năm 1987 lên 1,5 tỉ, và với xu hướng đó, con số sẽ là 1,9 tỉ vào năm 2015. Đây là tin tức đáng báo động, đặc biệt là bởi vì nó chứng minh những gì giới phát triển vẫn lên án Ngân hàng Thế giới và IMF, là đã can thiệp và áp đặt các chương trình tái cấu trúc các nước phát triển những năm 1980-1990 khiến các nước này phải cắt giảm ngân sách y tế, giáo dục và an sinh xã hội, làm cho tình trạng nghèo đói ở những nước này tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, không lâu sau khi báo cáo nghèo đói này được công bố, câu chuyện lại thay đổi đáng kể: số người nghèo đã giảm 400 triệu người từ năm 1981-2001!

Phân tích cho thấy để có được con số đẹp này, Ngân hàng Thế giới chuyển từ IPL gốc 1,02 đô la (tính theo P.P.P năm 1985) sang 1,08 (P.P.P năm 1993), mà nếu tính theo lạm phát thì thấp hơn thực tế. Chỉ với sự thay đổi nhỏ này - câu chuyện nghèo đói đã chuyển sang một hướng khác hẳn!

IPL đã được thay đổi lần thứ hai trong năm 2008, lên 1,25 đô la Mỹ (P.P.P năm 2005). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế tính toán, nếu cộng thêm mức lạm phát thì con số này thậm chí còn thấp hơn mức cũ. Thế nhưng Chiến dịch Thiên niên kỷ vẫn thông qua mức IPL mới này, đã khiến thống kê về số người nghèo giảm thêm 437 triệu nữa trong giai đoạn từ 1990-2005.

Cần cái nhìn trung thực hơn về nghèo đói

GS. Jason Hickel cho rằng, mức IPL được dựa trên chuẩn nghèo quốc gia của 15 nước nghèo nhất, nhưng trong bối cảnh có rất ít dữ liệu chính xác. Và nhiều so sánh thực tế đã chứng minh mức này không còn phù hợp ở rất nhiều quốc gia.

Theo GS. Peter Edwards của Đại học Newcastle, mọi người để đạt được tuổi thọ bình thường, họ cần mức khoảng gấp đôi so với IPL hiện tại, tối thiểu là 2,5 đô la mỗi ngày. Tính theo mức IPL 2,5 đô la sẽ cho thấy số lượng người nghèo toàn cầu là khoảng 3,1 tỉ, gần gấp ba lần con số Ngân hàng Thế giới và Chiến dịch Thiên niên kỷ đưa ra. Nó cũng cho thấy rằng nghèo đói càng trầm trọng hơn, với gần 353 triệu người nghèo đói tăng thêm so với năm 1981, mà nếu loại trừ Trung Quốc, con số đó là 852 triệu.

Một số nhà kinh tế đi xa hơn và đưa ra mức IPL là 5 đô la hoặc thậm chí 10 đô la. Ở tiêu chuẩn này, sẽ cho con số là 5,1 tỉ người - gần 80% dân số thế giới - đang sống trong nghèo đói ngày hôm nay. Và con số này vẫn đang tăng lên.

Dù là con số nào, các nhà kinh tế học cũng đều chứng minh mức IPL 1,25 đô la là hoàn toàn không phù hợp, và nó được sử dụng chỉ vì đó là cơ sở duy nhất để Chiến dịch Thiên niên kỷ có “tiến bộ”, và họ gọi đó là “bệnh thành tích” của những người muốn có chiến thắng (triumphalist). Quan trọng hơn, nó ru ngủ các quốc gia giàu có về một thế giới “đang dần tốt đẹp hơn” và duy trì trật tự kinh tế cũ, dùng viện trợ để giải quyết các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng... toàn cầu.

Các nhà khoa học, kinh tế học đang đấu tranh cho một sự tỉnh ngộ và thay đổi, trước hết là yêu cầu một chuẩn nghèo trung thực hơn - ít nhất là 2,5 đô la mỗi ngày - và những cách tính toán về nghèo đói trung thực hơn. Sau đó, họ còn đòi hỏi thay đổi các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu để làm cho nó công bằng hơn. Dĩ nhiên, những đổi thay này đòi hỏi rất nhiều can đảm.

Ngọc Ý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Heineken từ chối đề nghị thâu tóm (15/09/2014)

>   Sẽ có 5,2 tỷ kết nối 3G/4G vào năm 2018 (15/09/2014)

>   Hong Kong trở lại với nghề trồng trọt (15/09/2014)

>   Cuba đặt mục tiêu tăng sản lượng đường lên 20% trong năm 2015 (14/09/2014)

>   Nhiều doanh nghiệp nước ngoài rời bỏ Trung Quốc (14/09/2014)

>   Doanh nghiệp phương Tây trước ‘cơ hội vàng’ (14/09/2014)

>   Kinh tế Nhật trông chờ vào phụ nữ (13/09/2014)

>   Thách thức với ông chủ mới Tesco (13/09/2014)

>   Nga-Trung Quốc-Mông Cổ tiến tới xây hành lang kinh tế ba bên (13/09/2014)

>   Malaysia mua 200.000 tấn gạo của Thái qua thỏa thuận tư nhân (11/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật