Doanh nghiệp phương Tây trước ‘cơ hội vàng’
“Nhờ vào” vụ khủng hoảng miền Đông Ukraine, một cục diện đối đầu Đông-Tây mới đã được thiết lập.
Trước cục diện “đối đầu Đông-Tây 2.0” lần này, giới vận động hành lang của các tập đoàn dầu khí đã bắt đầu “rục rịch” xin tháo dỡ hoặc đặc cách xuất khẩu trong thời hạn nhất định. Dẫn tin từ Bloomberg, Thượng viện (cơ quan có khả năng thay đổi các điều luật và hiến pháp của Mỹ) đã bắt đầu có dấu hiệu “đổi ý”. Lợi ích dài hạn đầu tiên đối với Mỹ chính là việc thay thế nước Nga để trở thành nhà cung cấp dầu khí và năng lượng chính chủ yếu của Đức và châu Âu. Nước Mỹ giờ đây đã dư thừa dầu khí sau hơn hai thập niên “đóng vai” nước nhập siêu về dầu khí nhưng vẫn luôn tích cực đi thăm dò các mỏ dầu khí mới tại Mỹ và trên thế giới.
Bà Mary Landrieu, Chủ tịch Hội đồng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Hoa Kỳ tại Thượng viện, phát biểu vào ngày 25-3: “Điều cuối cùng mà ông Putin muốn nhìn thấy là sự cạnh tranh của Mỹ trong cuộc đua về năng lượng”. Trong khi đó, ông John Hess, từ tập đoàn Hess Corp, đã phải thốt lên rằng việc xuất khẩu dầu sẽ là một “cơ hội vàng” để “giúp” nền kinh tế Ukraine và châu Âu thoát khỏi sự ảnh hưởng của Nga. Ông cũng không quên nhấn mạnh rằng dĩ nhiên các tập đoàn Mỹ vẫn có thể bán khí đốt cho châu Âu để giải tỏa nhu cầu về năng lượng nhưng “xuất khẩu dầu sẽ dễ dàng hơn xuất khẩu khí đốt” vì không cần xây dựng hệ thống đường ống.
Nhiều doanh nghiệp Mỹ hưởng lợi nhuận khổng lồ nếu như siêu cường này chọn bán dầu khí cho châu Âu. Việc xây dựng đường ống dẫn dầu với các nguồn cung mới để tách nền kinh tế Tây Âu ra khỏi các đường ống dẫn khí của Nga không phải là không thể. Các tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia của Mỹ như Exxon và Chevron có khả năng bán khí đốt cho châu Âu từ các mỏ khai thác của mình trên lục địa già.
Ngành công nghiệp than Mỹ và châu Âu sẽ thu về rất nhiều lợi ích nếu như Nga tiếp tục khóa đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine đến các nước châu Âu. Ứng cử viên đầu tiên có thể kể đến tập đoàn CONSOL Energy’s. Tập đoàn này hiện đang dự trữ hơn 1,1 triệu tấn than đá tại Baltimore (Mỹ) đủ khả năng để xuất khẩu và “giải nguy” ngay lập tức cho châu Âu vào mùa đông này. Ngoài ra còn có tập đoàn Alpha Natural Resources, một trong những nhà sản xuất than lớn nhất thế giới. Hay còn nhiều công ty và tập đoàn xuyên quốc gia khác nữa như Alliance Resource Partners LP (tập đoàn than lớn thứ ba miền Đông nước Mỹ), Peabody Energy (tập đoàn than tư nhân lớn nhất thế giới), tập đoàn SunCoke Energy Partners L.P, tập đoàn Arch Coal.
Bên cạnh năng lượng, việc phương Tây cho Ukraine vay cũng sẽ mang lại món lợi không nhỏ cho các tập đoàn tài chính. Gói viện trợ này không phải là quả ngọt mà theo như Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk, đây là “phương án duy nhất” để cứu nền kinh tế nước này vốn đã bị suy thoái trầm trọng sau cuộc khủng hoảng 2008, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và giờ đây là căng thẳng với Nga. Để có được gói viện trợ của EU và IMF, chính quyền Kiev phải cam kết giảm 50% mức trợ giá xăng dầu và khí đốt ở nước này.
Ngoài ra các gói viện trợ này còn đòi hỏi Kiev tăng cường tư nhân hóa các tài sản nhà nước, mà ở đây thực chất là tạo điều kiện để các doanh nghiệp và tập đoàn phương Tây thâu tóm thêm tài sản. Phóng viên điều tra quốc tế Jack Ramus kết luận về những người được hưởng lợi trực tiếp từ thỏa thuận giữa EU/IMF với Ukraine là: (1) Các ngân hàng châu Âu tiếp tục được Ukraine trả nợ “cả vốn vẫn lời” theo các điều khoản ràng buộc; (2) giới kinh doanh tiền tệ quốc tế có thể bán ngược đồng tiền của Ukraine về cho ngân hàng trung ương nước này với một mức giá đã được trợ giá bởi IMF; (3) các nước châu Âu sẽ mua hàng hóa từ Ukraine từ một cái giá “hấp dẫn” hơn.
Kiệt Anh
pháp luật TPHCm
|