Thứ Sáu, 19/09/2014 10:43

Ngập tiền!

Hàng nhiều, giá giảm. Quy luật ấy luôn đúng cho mọi thứ hàng hóa, mọi thị trường. Tiền cũng không là ngoại lệ. Thị trường tài chính đang ngập trong tiền và lãi suất qua đêm liên ngân hàng ghi nhận tuần rơi thẳng đứng thứ hai, về mức 1,76%/năm, thấp nhất ba tháng qua.

Không thể còn dùng từ “dư thừa” để miêu tả thanh khoản của hệ thống ngân hàng, mà phải chuyển sang từ “ngập ngụa”. Bây giờ khi mở tài khoản tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng, với số dư từ vài tỉ đồng trở lên, doanh nghiệp và cá nhân chỉ còn được hưởng lãi suất 5-5,5%/năm ở ngân hàng cổ phần. Ở ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh, lãi suất này tụt xuống quanh 4,5%/năm, có nơi 4%/năm.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chẳng còn cách nào khác là phát hành tín phiếu hút tiền về. Từ ngày 8 đến 12-9-2014, NHNN phát hành tới hơn 40.000 tỉ đồng tín phiếu với kỳ hạn dài nhất 91 ngày, ngắn nhất 28 ngày. Kỳ hạn càng ngắn, lãi suất càng thấp. Tổ chức tín dụng nào muốn kỳ hạn dài, phải chạy qua tranh mua trái phiếu.

Kho bạc đã tạm ngừng phát hành trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm, giờ chỉ còn loại 5, 10 và 15 năm. Đầu năm lãi suất 8%/năm rơi vào kỳ hạn hai năm, rồi chuyển qua ba năm, đến năm năm và tháng trước nó chạm vào trái phiếu kỳ hạn 10 năm. Cuối tuần trước, lãi suất 8%/năm lần đầu tiên ở Việt Nam được trúng thầu cho trái phiếu kỳ hạn 15 năm. Ai có thể ngờ lợi tức trái phiếu có ngày thảm hại đến thế!

Đã vậy khối lượng trái phiếu đăng ký mua vẫn rất cao, gấp 3-4 lần lượng chào bán. Một tổ chức trúng thầu trái phiếu năm năm với lãi suất 5,79%/năm cho biết trước mắt cứ phải bỏ tiền vào trái phiếu cái đã vì tín dụng vẫn vô cùng quan ngại. Bộ phận kinh doanh trái phiếu của một ngân hàng nói sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố khả năng nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam, CDS (Credit default swap - hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng, một dạng bảo hiểm cho trái phiếu) cho trái phiếu quốc tế của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới giảm nhanh (hiện có chừng 1,75 tỉ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ đang lưu hành trên thị trường thế giới). Sự gia tăng của quỹ dự trữ ngoại hối là một trong những đảm bảo cho sự nắm giữ trái phiếu chính phủ Việt Nam của các trái chủ nước ngoài.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, dự trữ ngoại hối đang được cải thiện với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Trong giới điều hành, đã thấp thoáng đâu đó dự báo thời điểm Việt Nam đạt dự trữ ngoại hối ở mức ba con số có thể rút ngắn một nửa đường đi. Hiện nay trong tổng vốn huy động của các ngân hàng, số dư tiền gửi ngoại tệ ước 25 tỉ đô la Mỹ. Nếu lãi suất tiết kiệm ngoại tệ về dần mức 0%/năm và sau đó gửi ngoại tệ ở ngân hàng có thể phải bị thu phí (như gửi vàng hiện nay), thì tâm lý chán đô la sẽ xuất hiện. Để thực hiện điều đó, tỷ giá cứ việc là một đường thẳng càng dài càng tốt. Khoảng 25 tỉ đô la Mỹ tiền gửi sẽ chuyển dần qua đồng nội tệ và NHNN sẽ tiếp tục bơm tiền đồng ra mua.

Cho đến nay còn hơn 200.000 tỉ đồng tín phiếu ngân hàng trong lưu thông, tức các ngân hàng có thể ngay lập tức đổi tín phiếu thành tiền và cung ứng cho tín dụng nếu cần. Khả năng chảy ra của tiền là rất sẵn sàng.

Ở đây đã có thể hình dung một chính sách kích cầu ngầm nền kinh tế mang tính Việt Nam. Không phải dưới dạng QE công khai (nới lỏng định lượng) như ở Mỹ hay hạ lãi suất đủ kiểu đến âm như châu Âu, Việt Nam trên bề nổi chẳng có một tuyên bố kích cầu nào. Dưới bề chìm là một đường đi thế này: tổng phương tiện thanh toán tăng đều, các ngân hàng được no ấm thanh khoản, bắt buộc phải đổ vào trái phiếu. Tiền có được từ trái phiếu, Chính phủ sử dụng để bù đắp bội chi ngân sách, mở rộng đầu tư công. Khi đầu tư công chưa đạt tiến độ mong muốn, tín dụng vẫn đang trong khúc ngoặt hiểm nghèo, tiền rẻ sẽ chảy vào tài sản rẻ như chứng khoán, M&A doanh nghiệp. Cho đến khi tăng trưởng tín dụng đuổi kịp mức tăng tổng phương tiện thanh toán, các tài sản rẻ sẽ lên giá.

Một chú ý khác là đồng đô la Mỹ đang lên giá so với tất cả các ngoại tệ mạnh như yen, euro, bảng Anh.... Trong bối cảnh đó tỷ giá hối đoái của Việt Nam giữ nguyên, tức là tiền đồng đang ngày một có giá so với các ngoại tệ mạnh. Điểm này thể hiện rõ trong bảng tỷ giá niêm yết hàng ngày của các ngân hàng. Cuối tháng 6-2014, 1 yen Nhật tương đương 210 đồng, nay còn 198 đồng. Tháng trước 1 euro bằng 28.800 đồng, giờ còn 27.500 đồng...

Thực trạng trên sẽ dẫn đến đâu? Khả năng lớn là dòng tiền nóng từ bên ngoài, đặc biệt từ các nước và vùng lãnh thổ lân cận như Nhật, Hàn, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan... sẽ chảy vào Việt Nam để hưởng lợi một mũi tên bắn trúng hai đích: tài sản lên giá và tiền đồng Việt lên giá. Một mặt dòng vốn ngoại giữ vị trí xúc tác nền kinh tế (tín dụng ngoại tệ đang và tiếp tục ghi điểm do lãi suất vay rất thấp), mặt khác sẽ giúp tăng dự trữ ngoại hối.

Cơ hội đang ở rất gần, vấn đề là làm thế nào tận dụng tối đa mặt tích cực và hạn chế tiêu cực của nó. Dòng tiền nóng bên ngoài có thể vào nhanh ra nhanh, nhưng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thì không. Cần phải thu hút và giữ FDI ở lại càng nhiều, càng lâu dài càng tốt.

Hải Lý

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ngân hàng đang 'ôm' 162,2 ngàn tỉ đồng nợ xấu (19/09/2014)

>   Cần 10.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu (19/09/2014)

>   Ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng phải lập công ty tài chính? (18/09/2014)

>   Tái cấu trúc nguồn nợ cũ (18/09/2014)

>   Dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (18/09/2014)

>   HDBank khai trương chi nhánh đầu tiên tại Quảng Ninh (18/09/2014)

>   “Dư nợ tín dụng 2015 tăng khoảng 12 - 14%” (18/09/2014)

>   Nợ xấu tăng, Thống đốc nói gì? (18/09/2014)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Đến lúc thả nổi lãi suất tiền gửi (18/09/2014)

>   Mối ràng buộc đặc biệt đối với ghế sếp ngân hàng quốc doanh (17/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật