Thứ Sáu, 19/09/2014 06:13

Cần 10.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu

Việc xử lý nợ của công ty mua bán nợ đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu tiền và các quy chế hỗ trợ hoạt động.

Đến cuối tháng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải trình phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường lên Thủ tướng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mua bán nợ xấu theo thị trường vẫn phải dựa vào “tiền tươi thóc thật”. Trong đó, điều đáng lưu ý là hiện tốc độ tăng của nợ xấu mới nhanh hơn tốc độ xử lý nợ xấu cũ.

VAMC cần có 10.000 tỉ đồng

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng (NH), thực tế vẫn cần tối thiểu 10.000 tỉ đồng tiền mặt để xử lý 100.000 tỉ đồng nợ xấu. Việc thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với ý tưởng không cần dùng tiền quốc gia để xử lý nợ là một sáng kiến hay nhưng chỉ dành cho giai đoạn tạm thời. Hiện nay VAMC cần được tăng thêm vốn vì ngay cả các định chế tài chính thế giới mặc dù được NH trung ương bảo lãnh họ cũng phải có tỉ lệ đòn bẩy hợp lý. Tỉ lệ này thường là 10/1 hoặc 20/1 thì mới xử lý được nợ.

“Nếu anh muốn xử lý 100 đồng tài sản là nợ thì tối thiểu anh phải có vốn tự có là 10 đồng. Hay cùng lắm anh có 200 đồng tài sản nợ thì vốn tự có cũng phải là 10%, nghĩa là 20/1. Nhưng nếu tỉ lệ lên tới 30/1 thì rủi ro rất cao. Tương tự như vậy, VAMC có vốn điều lệ là 500 tỉ đồng nhưng phải xử lý nợ lên tới 100.000 tỉ đồng. Nghĩa là tỉ lệ đòn bẩy thực tế là 100/1 và thậm chí là còn cao hơn nữa, đây là điều không chấp nhận được” - chuyên gia trên phân tích.

Hiện nay VAMC cần được tăng thêm vốn để xử lý nợ xấu. Ảnh: HTD

Ủng hộ quan điểm phải xử lý nợ bằng cách dùng tiền mặt, TS Trần Du Lịch cho biết đến nay VAMC đã mua được 56.000 tỉ đồng nợ xấu trong tổng cộng hơn 200.000 tỉ đồng nợ nhưng chỉ mới bán ra được 1.400 tỉ đồng nợ xấu. Hơn nữa, số vốn điều lệ ít ỏi 500 tỉ đồng của VAMC so với hàng trăm ngàn tỉ đồng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thì không thấm tháp vào đâu. “Theo tôi phải có ít nhất 20% tiền tươi để xử lý nợ xấu trong lúc này. Thực tế không có nước nào mà nợ xấu tới mức báo động lại không có dòng tiền mặt bên ngoài đưa vào xử lý, nếu càng kéo dài tình trạng này thì càng khó giải quyết” - ông Lịch lưu ý.

Dành quyền bán tài sản bảo đảm cho VAMC

Theo TS Lịch thì một trong các phương thức để có tiền mặt là sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu.

Tương tự, lãnh đạo một ngân hàng cho rằng không nhất thiết phải dùng ngân sách quốc gia để tăng vốn cho VAMC mà có nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn như vay mượn tiền của nước ngoài, tiền từ chính các NH thương mại. “Sau khi tăng vốn phải trao quyền đặc biệt cho VAMC như việc có thể bán tài sản mà không cần hỏi ý kiến các bên. Mặc dù được trao đặc quyền nhưng VAMC không được mua giá cao và bán giá rẻ mạt được, VAMC cũng phải tính toán như một nhà kinh doanh. Một phần tiền bán được nợ sẽ đưa vào để tiếp tục quay vòng xử lý nợ xấu” - vị lãnh đạo trên nói.

Cũng theo các chuyên gia, tại Mỹ ngoài VAMC thì các NH được quyền xử lý tài sản bảo đảm mà không cần ra tòa trong trường hợp NH thấy khó xử lý được nợ. Nếu trước khi NH thu hồi nợ mà doanh nghiệp đã tẩu tán tài sản thì NH có quyền kiện ra tòa.

TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp cho NH BIDV, phân tích: “Phải trao đặc quyền cho VAMC và trên thế giới cũng thường làm như vậy. Cho VAMC được bán tài sản bảo đảm mà không cần xin ý kiến và liên kết với cơ quan thực thi pháp luật để cưỡng chế, định giá tài sản bảo đảm theo giá thị trường. Cạnh đó, có thể tạo ra cơ chế như lập tổ chức trung gian đứng giữa để giúp nhà đầu tư nước ngoài xử lý các vướng mắc khi mua nợ từ VAMC chứ chờ sửa luật thì rất mất thời gian”.

Việc mua bán nợ của VAMC đang chậm lại

Theo VAMC, tính từ khi chính thức mua nợ vào tháng 10-2013 đến 20-8, VAMC đã mua 56.600 tỉ đồng nợ xấu từ các NH. Số nợ xấu mà VAMC đã bán khoảng 1.400 tỉ đồng. Theo kế hoạch năm 2014, VAMC sẽ mua lại khoảng 70.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới mua được 17.000 tỉ đồng; còn số nợ VAMC bán ra chưa đến 2,5% số nợ mua vào. Các chuyên gia nhận định việc mua bán nợ của VAMC hiện đang chậm lại, trong khi ngay cả việc mua nợ được thì xử lý số nợ đó cũng rất ít.


Yên Trang

pháp luật tphcm

Các tin tức khác

>   Ngân hàng muốn cho vay tiêu dùng phải lập công ty tài chính? (18/09/2014)

>   Tái cấu trúc nguồn nợ cũ (18/09/2014)

>   Dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (18/09/2014)

>   HDBank khai trương chi nhánh đầu tiên tại Quảng Ninh (18/09/2014)

>   “Dư nợ tín dụng 2015 tăng khoảng 12 - 14%” (18/09/2014)

>   Nợ xấu tăng, Thống đốc nói gì? (18/09/2014)

>   TS Nguyễn Trí Hiếu: Đến lúc thả nổi lãi suất tiền gửi (18/09/2014)

>   Mối ràng buộc đặc biệt đối với ghế sếp ngân hàng quốc doanh (17/09/2014)

>   Quy định về thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, NHTM (17/09/2014)

>   Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: “Ngành Ngân hàng đã nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế” (17/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật