Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: “Ngành Ngân hàng đã nỗ lực đẩy vốn vào nền kinh tế”
Dư luận đang rất quan tâm đến định hướng chính sách tiền tệ của NHNN để thúc đẩy vốn vào nền kinh tế, thực hiện quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu… Về vấn đề này, phóng viên TBNH đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Theo quan điểm của ông, đâu là những dấu ấn của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua?
Để đưa ra đánh giá khách quan về kết quả điều hành mà NHNN đã đạt được trong thời gian vừa qua, chúng ta cần đặt ngành Ngân hàng vào bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế thời điểm trước kia rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách còn có những điểm không phù hợp như chính sách về quản lý vàng, ngoại hối, hậu quả từ việc phát triển, tăng trưởng quá nóng của hệ thống ngân hàng trong thời gian dài. Từ đó, tôi có thể khẳng định những kết quả mà ngành Ngân hàng đã đạt được là ấn tượng.
Đó là việc ổn định được giá trị đồng tiền, quản lý được hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ, giảm mặt bằng lãi suất, triển khai theo tiến độ được phê duyệt quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD, ổn định hệ thống ngân hàng góp phần ổn định thị trường tài chính, thực hiện được các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tạo niềm tin với các nhà đầu tư nói chung và các TCTD nước ngoài nói riêng, kể cả trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp.
Quan điểm của ông về hiện tượng vẫn còn tình trạng các DN khó tiếp cận được nguồn vốn như thế nào?
Chúng ta cần nhìn nhận, thực chất hoạt động của một ngân hàng cũng là hoạt động của một DN. Chính vì vậy, họ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi cho vay để đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Nếu họ không kiểm soát tốt việc cho vay sẽ dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao và sẽ không giải quyết được vấn đề nợ xấu và nợ xấu sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Thời gian vừa qua, NHNN đã chủ động, xây dựng cơ chế, giảm mặt bằng lãi suất, tích cực đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh để đẩy vốn vào nền kinh tế.
Đặc biệt, NHNN cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy tín dụng với nông nghiệp, nông thôn, triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, xóa đói giảm nghèo, đưa ra các giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chương trình liên kết 4 nhà…
Như vậy, về yếu tố chủ quan, NHNN đã nỗ lực để đẩy vốn vào nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình hấp thụ vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh của DN, hay nói cách khác phụ thuộc vào tổng thể nền kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý vấn đề nợ xấu hiện nay?
Theo quan điểm của tôi, trong lộ trình tái cấu trúc nền kinh tế thì quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được triển khai sớm nhất và đang đảm bảo tiến độ của đề án. Tuy nhiên, đây là một việc khó mà chúng ta chưa có kinh nghiệm cả về cơ chế và nguồn lực. NHNN đã thực hiện sáp nhập một số ngân hàng và đến nay các ngân hàng đó đã từng bước hoạt động bình thường, ổn định. Đây cũng là quyết tâm cao và trách nhiệm của ngành Ngân hàng, vì để thực hiện việc này không chỉ phải giải quyết vấn đề cơ chế mà còn vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại khác.
Giải quyết vấn đề nợ xấu cũng là một thách thức đối với ngành Ngân hàng vì liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó bao gồm sự phát triển tổng thể của nền kinh tế, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ ngành và đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình để dần dần từng bước tháo gỡ chứ không thể chỉ quan tâm đến tiến độ mà bỏ qua vấn đề hiệu quả.
Ông có kiến nghị gì với NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới?
NHNN cần tiếp tục duy trì những kết quả và nỗ lực đã đạt được thời gian vừa qua trong việc điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động và linh hoạt, nhằm thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống để tạo niềm tin cho nhân dân, cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp.
NHNN cũng cần triển khai tích cực các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết và giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng như: việc ổn định giá trị đồng tiền, quản lý tốt thị trường vàng, ngoại hối góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giảm mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tín dụng với nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ ngư dân bám biển, tuy nhiên phù hợp với diễn biến thị trường và nền kinh tế.
Trong quá trình triển khai cần phân tích và rà soát để tìm ra những vướng mắc về cơ chế và những điểm không phù hợp để có sự điều chỉnh kịp thời.
NHNN cũng cần nghiên cứu việc xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quy định về phá sản để có thể tiến hành phá sản các TCTD, vì đây là lĩnh vực đặc thù và phức tạp. Đặc biệt cần rà soát, đánh giá những cơ chế liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, tránh tạo lỗ hổng để một số cá nhân lợi dụng sơ hở của pháp luật trục lợi, gây ảnh hưởng đến ngành Ngân hàng. Đồng thời, xem xét điều chỉnh những quy định tạo môi trường thuận lợi để duy trì, xây dựng niềm tin cho các DN, TCTD nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện nay, dù tình hình diễn biến phức tạp nhưng hệ thống ngân hàng trong nước ổn định, các ngân hàng nước ngoài tin tưởng và cam kết đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đó cũng là một cách đánh giá cho những nỗ lực, trí lực, trách nhiệm và quyết tâm của ngành Ngân hàng thời gian qua trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ triển khai các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị.
Hải Minh
thời báo ngân hàng
|