Thứ Bảy, 13/09/2014 15:12

Muốn xuất khẩu lại mù mờ thông tin

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu VN hiện nay là thiếu thông tin thị trường, nguyên liệu và công nghệ thiết bị đang bị phụ thuộc.

iệc cập nhật kịp thời các thông tin về thị trường nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu được nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất khẩu VN. Trong ảnh: đóng gói áo xuất khẩu tại Công ty CP may Bình Minh - Ảnh: T.V.N.

Ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM, cho biết như vậy tại diễn đàn xuất khẩu 2014, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 12-9 tại TP.HCM.

Cần đẩy mạnh cung cấp thông tin để doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu là một trong những kiến nghị mà các doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra tại diễn đàn này.

Có thông tin nhưng chung chung

Muốn hiểu thị trường chính xác nhất là phải đến thị trường đó, làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, người tiêu dùng địa phương nhưng nhà xuất khẩu VN lại rất ngại di chuyển mà chủ yếu lấy thông tin qua Internet. Trong khi đó, thông tin từ các tham tán, đại sứ ở nước ngoài còn hạn chế.

“Tôi không biết tham tán các nước khác thế nào nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài vào VN thì thông tin họ cập nhật rất đầy đủ. Họ còn biết doanh nghiệp ở đâu, làm gì, thế mạnh gì, bao nhiêu tuổi... Tóm lại họ biết hết” - ông Việt Anh nói.

Theo ông Lê Hồng Thắng - tổng giám đốc Gỗ Đức Thành, để tìm kiếm nhà cung cấp phụ liệu ở Thái Lan cho các sản phẩm đồ chơi, đồ gia dụng với hi vọng giá cạnh tranh hơn hàng trong nước, ông đã tìm đến một số nguồn tin nhưng cuối cùng vô vọng giữa rừng thông tin. Lên các trang web của cơ quan đại diện VN ở nước ngoài thì toàn những thông tin chung chung, có danh sách doanh nghiệp thì chỉ toàn tên tuổi lớn, hàng đầu, vượt quá nhu cầu của một doanh nghiệp nhỏ.

“Các phòng thương mại, tham tán có thể cung cấp những địa chỉ, danh sách doanh nghiệp hàng đầu các ngành phụ liệu, uy tín, giảm thời gian tìm hiểu giúp cho doanh nghiệp được không? Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian và giá cả phù hợp rất quan trọng. Một hợp đồng thì ba ngày sau phải báo giá trong khi tìm thông tin doanh nghiệp phụ liệu hiện nay như ma trận” - ông Thắng đặt vấn đề.

Ông Lê An Hải, phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, nói ngay: “Các thương vụ phải có trách nhiệm cập nhật thông tin. Trường hợp này doanh nghiệp chuyển yêu cầu, vụ sẽ yêu cầu tham tán thương mại ở Thái Lan thực hiện”.

Liên tục cập nhật thông tin

Các doanh nghiệp thừa nhận nhờ những hiệp định song phương và đa phương về thương mại mà VN đã ký kết và đang đàm phán để ký kết trong thời gian tới, nhiều cơ hội thị trường được mở ra cho hàng xuất khẩu VN, nhưng cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần thông tin thị trường kịp thời để không bị lệch lạc.

“Khi tiếp xúc với một thị trường mới, điều doanh nghiệp cần là tính pháp lý của địa phương đó, văn hóa tiêu dùng người dân bản địa, ngoài hàng VN ra, thị trường có bao nhiêu đối thủ đang bán hàng... Đó là những thông tin tôi tin tham tán thương mại có thể cung cấp được” - giám đốc một công ty sản xuất bánh kẹo nói.

Bà Phó Nam Phượng, giám đốc ITPC, thừa nhận qua hơn 20 cuộc gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn thành phố, thông tin thị trường cập nhật kịp thời hiện là nhu cầu bức bách nhất.

Các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công thương, các thương vụ, tham tán thương mại VN ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến thương mại cần thường xuyên cập nhật thông tin với nhiều phương thức, qua nhiều kênh. Đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng VN sản xuất được, chính sách nhập khẩu, những rào cản kỹ thuật của các nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thông tin sâu, cập nhật hằng năm về thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường để doanh nghiệp có cơ sở phân tích, định hướng sản xuất xuất khẩu.

Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch - phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho rằng xúc tiến thương mại chỉ giải quyết được phần ngọn, quan trọng các doanh nghiệp trong nước phải biết tổ chức, sản xuất, nâng cao các tiêu chí chất lượng để có thể cạnh tranh được với hàng các nước.

"Một khi thị trường mở cửa thì hàng xuất khẩu cũng giống như hàng nhập khẩu, không thể còn khái niệm hàng xuất khẩu chất lượng khác, hàng trong nước, người dân xài thì kém hơn. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị từ bây giờ về công nghệ, nhân lực, chiến lược” - ông Lịch nhấn mạnh.

Nga muốn mua khoai tây, táo... của VN

Ngày 12-9, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương và đại diện thương mại Nga tại VN đã tọa đàm với doanh nghiệp VN để thúc đẩy việc xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản VN vào Nga.

Theo ông Maxim Golikov - trưởng đại diện thương mại Nga tại VN, Nga đang có biện pháp tăng nhập khẩu nông sản từ VN, một phần do lệnh cấm nhập hoa quả từ EU nhưng một phần cũng là mong muốn thúc đẩy quan hệ.

Ông Maxim Golikov đưa cụ thể danh mục hàng loạt mặt hàng Nga đang có nhu cầu nhập như: cà chua, khoai tây, táo, rau, hoa quả, tôm, cá phi lê...

Ông Nguyễn Bình Giang, Cục Xuất nhập khẩu, cho biết hiện hàng VN vào Nga chịu rất nhiều khó khăn, như vận tải xa, thuế cao, rào cản kỹ thuật còn chặt hơn cả EU, thanh toán cũng khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp VN bị nợ khó đòi...

Ông Maxim Golikov cho biết từ khi Nga có căng thẳng với EU, doanh nghiệp VN tiếp cận Nga tăng lên từng ngày. Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu nêu có 10 doanh nghiệp thủy sản VN đang bán vào Nga.

Ông Maxim khẳng định con số đã tăng lên 20 và thông tin mới nhất đã đạt 26 doanh nghiệp. Hiệp định thương mại tự do VN - Liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan dự kiến sẽ ký cuối năm nay, ông Maxim nêu sẵn sàng nhận những kiến nghị của doanh nghiệp VN để chuyển tới các nhà nhập khẩu của Nga, rồi sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp Nga sang ký hợp đồng trực tiếp với phía VN.

Tuy nhiên, đại diện thương mại Nga cũng khuyến cáo các sản phẩm của VN cần đảm bảo chất lượng, bao bì bởi đang bị cơ quan chức năng Nga đánh giá chưa tốt...

C.V.Kình

Như Bình

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   ADB: Kinh tế Việt Nam không sáng tạo bằng Lào (13/09/2014)

>   Đổi mới kinh tế trong bối cảnh hội nhập (12/09/2014)

>   Giá cả tăng nhẹ trong tháng 9 (12/09/2014)

>   Cái giá phải trả của sự độc quyền kinh tế (12/09/2014)

>   Fitch có thể nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên BB- (12/09/2014)

>   FTA và sự lựa chọn của doanh nghiệp (12/09/2014)

>   Việt Nam cần ưu tiên ứng phó với tổn thương từ những "cú sốc" (11/09/2014)

>   Việt Nam tham dự Diễn đàn kinh tế Davos mùa Hè 2014 (10/09/2014)

>   Tỉ lệ thất nghiệp 1,84%: Tính theo thông lệ quốc tế? (10/09/2014)

>   WB: Việt Nam phải tăng trưởng 9% để bắt kịp Hàn Quốc, Đài Loan (09/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật