Mua nhà 37 năm vẫn phải đóng thuế
Theo thông tư 111 (ngày 15-8-2013) của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện về thuế thu nhập cá nhân, người dân mua nhà đất bằng giấy tay trước ngày 1-1-2009 nay nộp hồ sơ xin hợp thức hóa nhà phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho người bán nhà.
Căn nhà S49C Tôn Thất Thuyết, P.3, Q.4, TP.HCM của ông Cao Hoàng Nên.
Cha của ông Cao Hoàng Nên (Q.4, TP.HCM) mua căn nhà số S49C Tôn Thất Thuyết (P.3, Q.4) từ năm 1977 của ông S. bằng giấy tay.
Căn nhà trên nằm trên bờ kênh Tẻ và thuộc khu đất do cảng Bình Đông quản lý nên gia đình ông Nên chưa được cấp giấy chủ quyền nhà đất. Tháng 8-2014, ông Nên được UBND Q.4 cấp giấy chủ quyền nhà đất (đại diện các đồng thừa kế).
Không tìm được chủ cũ, người mua phải đóng thuế
Đến ngày hẹn, ông Nên nhận được thông báo thu lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân của ông S. từ Chi cục Thuế Q.4. Ông Nên ngạc nhiên vì ông S. đã bán nhà cho cha ông cách đây 37 năm, ông S. và cha ông Nên đều đã chết.
Cán bộ Chi cục Thuế Q.4 cho rằng họ yêu cầu ông Nên đóng thuế thu nhập cá nhân cho ông S. trong việc bán căn nhà số S49C Tôn Thất Thuyết là đúng quy định pháp luật và cung cấp cho ông Nên văn bản về việc thu thuế này.
Theo ông Nên: “Luật thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua năm 2007, sau khi cha tôi mua nhà 30 năm, vậy mà nay gia đình tôi phải đóng thuế thu nhập cá nhân cho người bán thì quá vô lý. Cán bộ thuế của Q.4 cho biết có nhiều người dân hợp thức hóa nhà đất mua giấy tay và cũng bị thu thuế như tôi”.
Ông Đồng Văn Nghĩa, chi cục phó Chi cục Thuế Q.4, cho biết cơ quan này áp dụng thông tư 111 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, người sử dụng đất do chuyển nhượng trước ngày 1-1-2009 nay nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền nhà đất thì chỉ thu một lần thuế thu nhập cá nhân cho lần chuyển nhượng cuối cùng.
Theo hướng dẫn, người nộp hồ sơ cấp giấy chủ quyền nhà đất phải nộp thuế. “Đây là khoản thuế do người bán nhà phải nộp, nên người mua nhà có thể tìm người bán để lấy lại tiền. Trường hợp không tìm được người bán, người mua muốn có giấy tờ nhà thì phải chịu” - ông Nghĩa cho biết.
Cũng theo ông Nghĩa, từ khi có thông tư 111 (tháng 8-2013) đến nay, Chi cục Thuế Q.4 đã thông báo thu thuế thu nhập cá nhân ba trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 1-1-2009.
Chi cục Thuế Q.4 cũng đã chuyển tải những thắc mắc, phản ảnh của người dân về vấn đề này trong các cuộc họp giao ban tại Cục Thuế TP.HCM, nhưng hiện tại nội dung trên chưa có văn bản hướng dẫn mới nên vẫn tiếp tục thu theo hướng dẫn của thông tư 111.
Không hợp lý
Được biết các chi cục thuế khác tại TP.HCM cũng áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân đối với những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc mua nhà bằng giấy tay trước ngày 1-1-2009 như trên.
Chi cục trưởng chi cục thuế một quận cho biết do số tiền đóng thuế thu nhập cá nhân không nhiều so với giá trị nhà đất được hợp thức hóa nên người dân chấp nhận đóng tiền thay cho người bán để được lấy giấy chủ quyền.
Tháng 11-2013, từ thông tin phản ảnh của người dân, UBND Q.4 đã có công văn gửi UBND TP.HCM và Cục Thuế TP.HCM về việc này.
Theo UBND Q.4, rất nhiều trường hợp nhận chuyển nhượng nhà đất từ rất lâu, trước ngày 1-1-2009, người mua không còn biết tung tích của người bán. Do vậy, nếu xác nhận người mua phải nộp thuế thu nhập cá nhân là không hợp lý. UBND Q.4 kiến nghị UBND TP.HCM và Cục Thuế TP.HCM xem xét tháo gỡ vướng mắc này.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân - Tổng cục Thuế, khẳng định Chi cục Thuế Q.4 thu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp ông Nên là đúng.
Bà Hạnh giải thích: “Trường hợp này không phải là truy thu thuế thu nhập cá nhân mà là thu cho quan hệ mua bán vừa xảy ra. Tức khi người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà được Nhà nước công nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thì việc mua bán, chuyển nhượng mới xảy ra, người mua chính thức được quyền sở hữu nhà, sử dụng đất và người bán phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Người dân đi hợp thức hóa vào thời điểm quy định trên đang có hiệu lực thì phải đóng thuế”.
Không công nhận mua bán giấy tay, sao lại thu thuế?
Luật sư Huỳnh Văn Nông, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng Nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất (hợp thức hóa) như ông Nên không phải là việc công nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay trước đó.
Ở đây, trên cơ sở xem xét quy hoạch và các điều kiện khác mà Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng. Việc ông Nên khai nhà, đất mua giấy tay từ năm 1977 chỉ là thông tin về nguồn gốc nhà, đất.
Do vậy, không có cơ sở pháp lý cụ thể cũng như cơ sở khoa học pháp lý để cho rằng khi Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho người đang sử dụng đất có nguồn gốc mua giấy tay là hợp pháp hóa việc mua bán này.
Vì vậy, không có cơ sở để thu thuế thu nhập cá nhân bên bán nhà. Từ trước đến nay, các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay đều là hành vi bất hợp pháp và tất nhiên Nhà nước không thể thu thuế trên một giao dịch được xác lập không hợp pháp.
Theo luật sư Nông, nội dung trên của thông tư 111 không phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như Luật đất đai và Luật dân sự hiện hành, thậm chí cả Luật thuế thu nhập cá nhân.
Theo đó, Luật thuế thu nhập cá nhân chỉ được áp dụng đối với các hành vi “chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” kể từ ngày 1-1-2009 về sau.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã cấm không được quy định hiệu lực trở về trước đối với: “Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý”.
D. Ngọc Hà
Tuổi trẻ
|