Lỗ hổng ngàn tỉ
Chỉ với một động tác rà soát lại 44 dự án do mình trực tiếp quản lý, Bộ Giao thông Vận tải đã tiết giảm được đến 39.365 tỉ đồng chi phí đầu tư. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận, nhưng không thể “ghi điểm” cho Bộ Giao thông Vận tải vì sự kiện này cũng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại trong công tác quản lý dự án ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, nhiều dự án bị đội vốn do thiết kế nhiều hạng mục không cần thiết, thiết kế không phù hợp mà cụ thể là quá mức cần thiết. Do vậy, cơ quan này cũng khẳng định việc tiết giảm chi phí không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao các đơn vị tư vấn lại đưa những hạng mục không cần thiết, những thiết kế không phù hợp vào dự án để làm tăng chi phí đầu tư? Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với yêu cầu đặt ra cho người làm tư vấn là phải bảo đảm hiệu quả kinh tế và tính khả thi cho dự án, trong đó tính khả thi về tài chính là rất quan trọng. Có phải do trình độ chuyên môn của tư vấn kém?
Một câu hỏi nữa là vì sao các dự án còn nhiều khiếm khuyết như thế lại lọt qua hết các cơ quan thẩm định để cuối cùng được chủ đầu tư ký phê duyệt và cho triển khai. Có phải những chuyên gia làm việc ở các cơ quan này không đủ trình độ chuyên môn để thẩm định?
Chỉ trong vòng bảy tháng đầu năm nay, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã có thể rà soát 25 dự án và phát hiện ra những bất hợp lý để đề nghị cắt bỏ, nhưng trước đó từ tư vấn đến người thẩm định đều không nhìn thấy. Điều này cho thấy bất cập ở đây có thể không liên quan gì đến trình độ chuyên môn, mà là do những nguyên nhân khác.
Bộ Giao thông Vận tải mới rà soát 44 dự án mà đã có thể tiết giảm được 39.365 tỉ đồng, chiếm tới 15% tổng dự chi ngân sách của Nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2014. Giả sử nếu việc rà soát được làm một cách nghiêm túc đối với hàng chục ngàn dự án đang và sẽ triển khai của tất cả các bộ, ngành và địa phương, thì số tiết giảm được chắc chắn phải là một con số khổng lồ.
Chúng ta còn nghèo, nguồn tài chính hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư lại rất lớn. Vì vậy, cần phải “liệu cơm mà gắp mắm”. Việc xây dựng nên các dự án với những hạng mục không cần thiết, thiết kế không phù hợp... để đẩy tổng mức đầu tư vượt quá mức cần thiết không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của dự án, mà còn để lại nhiều tác hại lan tỏa khác.
Đó là tăng gánh nặng nợ công và thâm thủng ngân sách, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tác động tiêu cực đến sự an toàn của hệ thống tài chính, đồng thời Chính phủ không còn vốn để đầu tư cho rất nhiều dự án quan trọng về kinh tế và xã hội khác. Tất cả những hệ quả đó đều tác động trực tiếp đến lạm phát, đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.
Hơn hai năm trước, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu rà soát, cắt giảm những dự án đầu tư chưa cần thiết, kém hiệu quả như một giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc Bộ Giao thông Vận tải rà soát và tiết giảm được số tiền rất lớn ở một số dự án cho thấy một vấn đề khác, đó là ngay trong những dự án được cho là cấp bách, là cần thiết cho nền kinh tế cũng tồn tại những hạng mục đầu tư không cần thiết, thậm chí là lãng phí. Vì thế, việc cấp bách Chính phủ cần làm là siết chặt quản lý ngay từ khâu chuẩn bị đầu tư thì mới mong loại bỏ tận gốc những lãng phí núp bóng trong các thiết kế kỹ thuật và giải pháp thi công.
tbktsg
|