Giành lại thị phần xuất khẩu: Bài toán khó cho ximăng Việt Nam
Sản lượng ximăng đã đủ phục vụ nhu cầu trong nước kể từ năm 2010. Xu thế cung vượt cầu bắt đầu xuất hiện từ thời điểm năm 2012 do sức tiêu thụ giảm sút bởi chịu tác động chung từ suy giảm kinh tế.
* Không cấp phép cho dự án xi măng dưới 2.500 tấn clinker/ngày
* Loại thêm 5 dự án xi măng khỏi quy hoạch
* Giá ximăng xuất khẩu không thấp hơn giá bán trong nước
Công nhân Công ty Cổ phần ximăng Bắc Giang vận chuyển ximăng đi tiêu thụ.
|
Xuất khẩu ximăng được xem như một giải pháp tình thế để các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Liệu ximăng Việt Nam có đủ sức cạnh tranh trên một thị trường đã bỏ ngỏ nhiều năm qua và có nên hoạch định một chiến lược riêng cho mặt hàng xuất khẩu này.
Đây cũng là nội dung trao đổi của phóng viên TTXVN với ông Nguyễn Quang Cung- Chủ tịch Hiệp hội ximăng Việt Nam.
- Khi sản lượng ximăng trong nước cung đã vượt cầu thì việc xuất khẩu mặt hàng này là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Cung: Một quốc gia muốn phát triển thì phải đẩy mạnh xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ để thu ngoại tệ về. Ngành nào cũng nghĩ đến xuất khẩu nhưng với ximăng thì có người cho rằng đó là giải pháp tình thế. Nhưng theo tôi hướng đi này đã mang lại lợi tích cho doanh nghiệp, cho người lao động và phải đánh giá trên thực trạng chung của ngành ximăng Việt Nam.
Việt Nam rất có lợi thế để phát triển sản xuất bởi nguồn nguyên liệu phong phú, có tới 3/4 diện tích là núi mà trong đó núi đá vôi chiếm phần lớn; đồng thời có bờ biển dài với nhiều cảng biển rất thuận lợi cho việc xuất khẩu...
Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư nhiều dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến nên Việt Nam hiện là một trong những cường quốc về ximăng ở Đông Nam Á. Xuất khẩu ximăng cần có bước đi thích hợp và từ nay đến khoảng năm 2025-2030 thì đây vẫn là con đường nên lựa chọn.
- Giá xuất khẩu ximăng của Việt Nam liệu có cạnh tranh được với các nước trong khu vực và có hay không tình trạng chèn ép thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước, thưa ông?
Hiện nhiều nước trong khu vực châu Á có lượng ximăng xuất khẩu rất lớn và có thâm niên trong hoạt động này. Như Thái Lan và Nhật Bản đã tham gia thị trường xuất khẩu này hàng chục năm.
Xuất khẩu ximăng không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các thị trường mà còn là cạnh tranh về giá. Nói riêng về giá thì nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có giá thấp hơn các nước, ví dụ như giá gạo cũng thấp hơn Thái Lan.
Để xuất khẩu, trước tiên phải củng cố sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiếp đến là cần sự ổn định và khẳng định được thương hiệu với khách hàng. Bởi vậy, xuất khẩu hàng hóa cần có một quá trình, muốn tăng giá thì phải xây dựng được bạn hàng, sản xuất ổn định.
Hiện giá ximăng xuất khẩu của Việt Nam dao động quanh khoảng 50-55 USD/tấn, mức này có thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng không nhiều lắm, chưa tới 10%.
Cạnh tranh không lành mạng cũng là một “yếu điểm” trong hoạt động xuất khẩu nói chung. Để có thể nâng được giá bán ximăng, ngoài việc doanh nghiệp phải cố gắng tối đa nâng cao chất lượng thì cần có sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Vật liệu Xây dựng và một số ban ngành khác.
Mục tiêu đặt ra là tạo được sự đồng thuận của các nhà sản xuất, đơn vị xuất khẩu dưới sự “điều tiết” của cơ quan quản lý để thống nhất một đầu mối liên hệ nhập khẩu ximăng. Như vậy sẽ tránh được hiện tượng dìm giá, chia rẽ nội bộ giữa các doanh nghiệp trong nước.
- Để hoạt động xuất khẩu ximăng thực sự hiệu quả chứ không chỉ là giải pháp tình thế, theo ông thời gian tới ngành công nghiệp ximăng cần có những định hướng dài hạn gì?
Tôi cho rằng một nhà máy ximăng công suất là 1 triệu tấn/năm nhưng nếu trong giai đoạn khó khăn không tiêu thụ được và không tận dụng hết công suất thiết kế, chỉ sản xuất cầm chừng khoảng 70 vạn tấn thì toàn bộ khấu hao, nhân công lao động tiền lương... vẫn đè lên 70 vạn tấn.
Nhưng nếu phát huy được 1 triệu tấn công suất thì rõ ràng khấu hao cho sản xuất cũng được giảm giá thành. Hiệu quả xuất khẩu cần nhìn vào lợi nhuận tổng hợp chứ không chỉ thông qua bán để tính đầu ra đầu vào.
Quy hoạch phát triển ximăng sau vài lần điều chỉnh cũng nhấn mạnh mục tiêu tập trung đáp ứng cho thị trường nội địa và dành một phần xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu ximăng đang thiếu một chiến lược dài hạn và bài bản.
Các khu vực sản xuất hàng hóa được tham gia xuất khẩu thì nên được hoạch định vùng, phân định rõ nơi sản xuất đó là phục vụ cho xuất khẩu. Với mặt hàng ximăng thì điều này lại càng cần thiết.
Nhà máy ở gần cảng biển, có nguồn nguyên liệu tốt, đã đầu tư nhà máy công suất lớn, công nghệ cao thì nên ưu tiên xuất khẩu bởi nó có thương hiệu mạnh, chi phí sản xuất thấp và sẽ cho hiệu quả rất cao. Còn nếu xuất hàng qua đường vận tải biển mà lại chọn những nhà máy cách xa cảng thì lộ trình không hợp lý, chi phí phát sinh tăng, giá cũng vì thế đội lên nên kém hiệu quả hơn. Bởi vậy, cần có định hướng xem đơn vị nào phù hợp thì tập trung cho xuất khẩu, còn doanh nghiệp nào thì phục vụ cho nhu cầu trong nước.
Trên thực tế, các doanh nghiệp ximăng hiện vẫn đang tập trung nhiều cho nhu cầu trong nước vì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa làm chủ được mà chủ yếu phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Do bỏ ngỏ cả một thời gian dài nên để giành lại thị phần xuất khẩu cũng là bài toán khó mà ngành ximăng phải nỗ lực giải quyết.
Bởi vậy, nhà nước cần hoạch định một chiến lược xuất khẩu ximăng phù hợp. Một số doanh nghiệp chia sẻ họ thích xuất khẩu hơn vì được nhận “tiền tươi thóc thật” còn bán hàng trong nước giá có cao hơn nhưng trả nợ quá chậm và èo uột, thậm chí nợ còn khó đòi nên tưởng là thuận lợi mà lại thành khó khăn.
- Xin cảm ơn ông!
Thu Hằng
vietnam+
|