Bộ Xây dựng quyết thu hồi 20 nhà công vụ tại Hoàng Cầu
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật với TP.Hà Nội về việc thực hiện Luật Nhà ở ngày 28.8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tính đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã thu hồi được khoảng 20 căn hộ nhà công vụ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) do sử dụng không đúng mục đích.
Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận vì vụ việc thu hồi số nhà công vụ này đã kéo dài nhiều năm nay, thậm chí đã có những lúc tưởng như là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội)
|
Tại sao khó?
Khu nhà công vụ Hoàng Cầu gồm 2 tòa nhà (A và B). Mỗi tòa nhà 2 đơn nguyên với tổng số 80 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 1999, thuộc quyền quản lý của Văn phòng Chính phủ. Từ ngày 31.12.2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định bàn giao cho Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS) thuộc Bộ Xây dựng quản lý.
Theo quy định hiện hành, các trưòng hợp cán bộ đã về hưu, chuyển công tác về các địa phương khác, đã mất hoặc không ở thì phải trả lại nhà ở công vụ. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Cục QLN&TTBĐS việc thực thi này hoàn toàn không đơn giản. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo các chuyên gia, thì chủ yếu vẫn là do các quy định của pháp luật trước đây về lĩnh vực này còn thiếu, hoặc chung chung. Nhà công vụ thường có các vị trí đẹp, tương đối thuận lợi, nhưng khi bàn giao thì đơn vị quản lý nhà ở công vụ chỉ có quyết định giao nhà ở công vụ mà không có hợp đồng thuê nhà, không quy định về việc thuê, giá thuê cụ thể, thời hạn thuê nhà!
Ngoài ra, cũng do cả một thời gian dài vừa qua, việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ gần như bị lãng quên. Đáng chú ý, nhiều cán bộ dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn sở hữu nhà công vụ. Có trường hợp đang cho người nhà ở nhờ, hoặc không có người ở, hoặc nghiễm nhiên sử dụng sai mục đích. Lý do được đưa ra là khi tiếp nhận nhà công vụ, họ đã phải đầu tư, chi phí khá lớn các trang thiết bị nội thất và sửa chữa cải tạo cho nhà ở công vụ một thời gian dài hết sức tốn kém...
Chính vì vậy, để ra được quyết định thu hồi 20 căn nhà ở công vụ sử dụng sai mục đích tại Hoàng Cầu, bản thân Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, cá nhân ông đã phải chịu khá nhiều sức ép, đơn từ khiếu nại vượt cấp khắp nơi. Song theo ông, cái yếu của nhà công vụ thời gian qua là quản lý, thực thi chứ không phải yếu về mặt pháp luật, cơ chế. Quy định đã rõ ràng nhưng không được thực hiện nghiêm túc, người được phân nhà công vụ cũng chưa nghiêm túc.
Kiên quyết làm bằng được!
Để thực hiện nguyên tắc trong việc quản lý, sử dụng nhà công vụ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BXD do Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam ký ngày 16.1.2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 6.3.2014. Theo đó, với nhà công vụ Hoàng Cầu, Bộ Xây dựng đã tiến hành rà soát, phân loại nhà ở công vụ thành 4 trường hợp: Cán bộ hiện đang công tác đúng đối tượng, đủ điều kiện và đang ở nhà công vụ; cán bộ đã nghỉ hưu hiện vẫn đang ở nhà công vụ; cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã mất, hiện đang cho người nhà ở nhờ; cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đã mất, nhà không có người ở, khóa cửa.
Với trường hợp cán bộ hiện đang công tác đúng đối tượng, đủ điều kiện và đang ở nhà công vụ Hoàng Cầu thì sẽ được bố trí nhà ở công vụ mới của Chính phủ tại nhà chung cư CT1-CT2 và nhà chung cư CT7 mà Bộ Xây dựng đang được giao quản lý.
Đối với các trường hợp khác, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch và quy trình xử lý cụ thể, thận trọng theo quy định về nhà ở công vụ và phù hợp với thực tiễn đang quản lý, sử dụng tại khu nhà Hoàng Cầu trên nguyên tắc: Khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà công vụ thì dứt khoát phải trả nhà.
“Với các trường hợp hiện không ở tại khu nhà Hoàng Cầu, đang sử dụng không đúng mục đích thì sẽ phải trả lại nhà công vụ để bố trí cho các cán bộ khác thuộc đối tượng, có nhu cầu. Bộ Xây dựng có nhiều cách để thu hồi nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, và việc này sẽ được rà soát, thống kê, phân loại không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà sẽ được thực hiện trên diện rộng tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn có nhiều nhà ở công vụ” - Thứ trưởng Nam khẳng định.
Theo Cty TNHH MTV dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS - thuộc TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD), đơn vị quản lý nhà công vụ Hoàng Cầu, căn cứ danh sách thu tiền nước do BQL cung cấp thì hiện nay trong số 50% căn hộ cán bộ đã về hưu tại khu này, có tới 10 căn hộ không có người ở với một số lý do...
Sau khi nghỉ hưu đương nhiên phải trả lại nhà công vụ
"Quỹ nhà ở công vụ được tạo lập từ hai nguồn là nhà ở tiếp quản do thực hiện các chính sách về nhà đất trước đây và nhà ở do Nhà nước đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan trung ương, địa phương yêu cầu báo cáo về việc quản lý sử dụng quỹ nhà ở công vụ mà các cơ quan trung ương và địa phương đang quản lý trên cả nước. Hiện nay, đối với quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ, ngoài việc nhận bàn giao 80 căn chung cư tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã nhận chuyển giao 24 căn chung cư CT7 từ TP.Hà Nội và mua 76 căn chung cư CT1-CT2 làm nhà ở công vụ của Chính phủ và đang triển khai bố trí cho thuê, quản lý vận hành quỹ nhà ở công vụ này theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở công vụ hiện hành.
Tuy nhiên, theo Thông tư 01/2014 hướng dẫn quản lý, sử dụng nhà ở công vụ mà Bộ Xây dựng mới ban hành, thì kể từ ngày 6.3.2014, sẽ xử lý khá mạnh tay đối với người không muốn trả nhà ở công vụ. Cụ thể, khi đã có thông báo thu hồi lại nhà, mà người được giao sử dụng nhà công vụ không trả lại nhà thì cơ quan nhà nước sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi nhà. Việc quản lý, sử dụng, trả lại nhà ở công vụ phải theo hướng dẫn này. Khi người được thuê nhà ở công vụ nghỉ hưu thì đương nhiên những người này phải trả lại nhà. Nếu người thuê nhà ở quá thời gian thì sẽ có thông báo thu hồi. Nếu họ vẫn tiếp tục không trả lại nhà thì bị cưỡng chế để thu hồi nhà ở công vụ đó".
(Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng - Vũ Xuân Thiện)
|
Song Minh
lao động
|