Thứ Hai, 01/09/2014 17:02

Lớn lên trên vai người khổng lồ

“Muốn trở nên cao lớn, hãy đứng trên vai người khổng lồ”. Điều này dường như đang trở thành chiến lược chung của các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối (OEM) Việt Nam khi gần đây, họ chạy đua hợp tác với các hãng công nghệ nước ngoài. Điều này giúp họ tiết kiệm chi phí và giảm thời gian nghiên cứu - phát triển sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm của họ cũng được người tiêu dùng dễ dàng đón nhận hơn.

Những cái bắt tay

Thời gian qua, hãng Qualcomm - nhà sản xuất bộ vi xử lý của Mỹ, khá bận rộn khi liên tục gửi kỹ sư sang hãng Q-mobile để tư vấn kỹ thuật trong suốt quá trình hãng này thiết kế dòng điện thoại mới. Không chỉ có Qualcomm mà cả Microsoft cũng miệt mài làm việc cùng Q-mobile. Kết quả là hồi đầu tháng 8 năm nay, họ đã cho ra đời dòng điện thoại Storm chạy trên hệ điều hành Window Phone 8.1 và sử dụng chip của Qualcomm.

Đây không phải là sự hợp tác duy nhất giữa một OEM trong nước với các hãng công nghệ nước ngoài.

Cũng trong tháng 8, một nhà sản xuất điện thoại trong nước khác là Mobiistar đã bắt tay với MediaTek, một công ty sản xuất bộ vi xử lý di động ở Đài Loan để đưa con chip của MediaTek vào dòng điện thoại Prime 508.

Không dừng ở đó, Mobiistar còn hợp tác với hãng phần mềm Opera Software (Na Uy) để cài đặt ứng dụng Opera Max lên dòng điện thoại này. Điều đáng nói là Mobiistar đạt được thỏa thuận cài đặt ứng dụng Opera Max trước khi nó được đưa lên kho ứng dụng Google Play. Opera Max giúp người dùng Prime 508 tiết kiệm dữ liệu, điều này đồng nghĩa với việc tiết kiệm tiền mỗi khi lướt mạng 3G.

Trước đó, hồi tháng 6, một doanh nghiệp OEM trong nước khác là Công ty Viết Sơn cũng hợp tác với Microsoft để sản xuất máy tính bảng Rosa chạy trên hệ điều hành Window 8.1.

Để chiến thắng trong thế giới phẳng

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, cho rằng trong thế giới “phẳng”, nguồn tài nguyên tri thức khoa học và công nghệ thuộc về nhân loại. Việc các doanh nghiệp trong nước tiếp thu và ứng dụng một cách sáng tạo nguồn tài nguyên này giúp họ sản xuất ra những thiết bị với chi phí cạnh tranh.

Theo ông Nam, để sản xuất một chiếc điện thoại, thông thường doanh nghiệp phải mất hơn một năm cho việc định nghĩa sản phẩm, thiết kế cấu hình, tính năng, lựa chọn nền tảng phần cứng, phần mềm. Nhưng nếu họ biết tận dụng những tài nguyên có sẵn của doanh nghiệp khác, thời gian sản xuất sẽ được rút ngắn.

Qualcomm là hãng chuyên sản xuất bộ chip xử lý di động và họ có sẵn các thiết kế điện thoại tham chiếu. Dựa trên thiết kế tham chiếu, Q-mobile chỉnh sửa (customize) và đưa vào đó định nghĩa sản phẩm, tính năng, nền tảng phần cứng... mà họ có được qua nghiên cứu hành vi người dùng.

Đối với phần mềm, Q-mobile bắt tay với Microsoft bởi hãng này miễn phí hệ điều hành Window 8.1 cho mọi thiết bị có màn hình dưới 9 inches kể từ cuối năm ngoái.

Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc điều hành Q-mobile, cho rằng chiến lược “đứng trên vai” Microsoft và Qualcomm đã giúp Q-mobile rút ngắn được thời gian nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Đồng thời, nó như một “giấy chứng thực” giúp cho sản phẩm của họ dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận.

Năm ngoái dòng điện thoại Dream của Q-mobile đã thất bại vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo ông Minh, việc lựa chọn bắt tay với các “ông lớn” là để tránh thất bại lần nữa.

Theo ông Ngô Nguyên Kha, Giám đốc điều hành Mobiistar, trong lĩnh vực công nghệ, ý tưởng sáng tạo giữ vai trò đặc biệt trong việc tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên trên thực tế, để thành công, doanh nghiệp không nhất thiết phải phát minh ra cái mới mà hãy học hỏi, áp dụng những cái có sẵn một cách thông minh vào công việc kinh doanh của mình.

Google là một ví dụ điển hình. Họ không phải là công cụ tìm kiếm đầu tiên trên thế giới nhưng nay đã trở thành gã khổng lồ về công nghệ tìm kiếm trên Internet. Để làm được điều đó, Google cũng đã áp dụng chiến thuật “đứng trên vai người khổng lồ” bằng cách thuê và tận dụng triệt để những chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ, đồng thời, mua lại những phát minh mà họ cho rằng có tiềm năng phát triển thương mại.

Theo ông Kha, nếu một sáng tạo mà không khả thi và không tạo ra một sản phẩm đúng nghĩa thì nên dừng lại. Không có cách nào nhanh hơn là hãy tận dụng nguồn tri thức sẵn có.

Việc tận dụng những kiến thức và ý tưởng này không đồng nghĩa với “bắt chước” hay ăn cắp ý tưởng của người khác.

“Đó không phải là vấn đề, cái đích cuối cùng là việc sản phẩm của bạn có được người dùng thích thú đón nhận hay không”, ông Kha nói.

Hiền Nguyễn

tbktsg

Các tin tức khác

>   Du khách quốc tế mang lại nguồn thu gần 8,5 tỷ USD cho Mexico (31/08/2014)

>   Công nghiệp sòng bài Macao và tiền bẩn (31/08/2014)

>   EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh để bàn về vấn đề kinh tế (31/08/2014)

>   Lợi nhuận của FrieslandCampina giảm gần 40% trong 6 tháng (31/08/2014)

>   Ukraine: Không có tiến triển trong đàm phán khí đốt với Nga (30/08/2014)

>   Tình hình kinh doanh của Malaysia Airlines (30/08/2014)

>   Mark Zuckerberg tham vọng cạnh tranh lĩnh vực tìm kiếm với Google (30/08/2014)

>   Tổng thống Nga Putin cảnh báo nước ngoài về sức mạnh hạt nhân (30/08/2014)

>   Microsoft được 'bật đèn xanh' nhập dây chuyền từ Trung Quốc (29/08/2014)

>   Hãng Malaysia Airlines thua lỗ gần gấp đôi trong quý hai (29/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật