Công nghiệp sòng bài Macao và tiền bẩn
Chiến dịch “đánh” tham nhũng ở Trung Quốc có liên quan gì đến việc các sòng bài ở Macao sụt giảm doanh thu hai tháng liên tiếp gần đây? Giới báo chí và chống rửa tiền quốc tế tin rằng Macao chính là nơi diễn ra các hoạt động rửa tiền của nhà giàu Trung Quốc.
Công nghiệp casino châu Á vượt xa Las Vegas
Từ năm 2006, Macao đã vượt qua Las Vegas và trở thành trung tâm casino lớn nhất thế giới, và từ đó càng ngày càng tăng trưởng mạnh. Cũng như Hồng Kông, Macao từng là một thuộc địa của Bồ Đào Nha, nay về lại với Trung Quốc nhưng trở thành một đặc khu hành chính có quyền tự trị, và đây là nơi duy nhất trên khắp Trung Quốc cho phép kinh doanh casino. Các sòng bài cũng là nguồn thu ngân sách chính của đặc khu này, mà phần lớn từ người chơi Trung Quốc.
Tờ Bloomberg Businessweek ước đoán doanh thu của Macao trong năm 2014 là 43,3 tỉ đô la Mỹ, trong khi Las Vegas chỉ 7 tỉ đô la. Mà đó không phải chỉ là vận may của Macao, casino đang là ngành kinh doanh “nóng” trong khu vực.
Singapore, ước tính doanh thu từ casino năm 2014 là 6,2 tỉ đô la, chỉ có hai casino mới mở ba năm qua mà doanh thu đã ngang ngửa Las Vegas. Ở Hàn Quốc, doanh thu năm 2014 ước tính đã là 5,2 tỉ đô la, dù chỉ một trong 17 casino cho phép người địa phương vào chơi. Malaysia sẽ đầu tư 937 triệu đô la vào dự án cải tạo khu nghỉ dưỡng sòng bài duy nhất trên cả nước trong năm năm tới. Còn ở Hồng Kông, tám du thuyền casino của lãnh thổ này đang hoạt động trên vùng biển quốc tế, với số lượng du khách tăng 9% chỉ trong nửa năm 2013.
Tại Úc, các dự án sòng bài ở Sydney và Cains đang được các cơ quan chính phủ xem xét. Tuy các sòng bạc ở đây chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của các du khách Trung Quốc, vốn mang lại phần lớn doanh thu cho ngành du lịch Úc, nhưng chưa được nhà nước liên bang cấp giấy phép hoạt động. Ở Philippines, chính phủ đang xem xét khả năng đánh thuế bốn dự án sòng bài ở Manila. Động thái này có thể làm kìm hãm ngành kinh doanh sòng bạc tại đây, với doanh thu năm 2014 ước tính là 2,2 tỉ đô la.
Hàng triệu người chơi giàu có từ Trung Quốc đã khiến trung tâm công nghiệp sòng bài thế giới rời bỏ Las Vegas và dịch chuyển mạnh về châu Á-Thái Bình Dương chỉ trong vài năm, theo đánh giá của các chuyên gia ngành công nghiệp này.
Đại lý sòng bài và rửa tiền
Tuy nhiên, sự phát triển tăng vọt của Macao từ lâu cũng đã lọt vào tầm ngắm của các tổ chức chống rửa tiền quốc tế.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc năm 2013 cho rằng, hàng năm lượng tiền bẩn chảy qua Macao khoảng 202 tỉ đô la Mỹ. Cũng như các tổ chức chống rửa tiền, Chính quyền Trung Quốc cũng nhắm vào Macao để truy tìm dấu vết rửa tiền bẩn từ tham nhũng trong chiến dịch đánh tham nhũng “từ hổ đến ruồi” vài tháng gần đây. Bứt dây động rừng, Reuters vừa đưa tin 35 casino của Macao sụt giảm doanh thu hai tháng liên tiếp (giảm 3,6% trong tháng 7 và 3,7% trong tháng 6), chuyện chưa từng có trong nhiều năm qua, mà giới kinh doanh và báo chí khẳng định đó là hệ quả trực tiếp từ việc các quan chức liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng tạm ngưng tới Macao để tránh điều tra.
Các casino có thể là một kênh rửa tiền cho giới nhà giàu Trung Quốc như thế nào?
Reuters phân tích, Trung Quốc chỉ cho phép mỗi người một lần mang 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.200 đô la), và 50.000 đô la Mỹ mỗi năm, ra khỏi đất nước. Như thế, các tay chơi sộp người Trung Quốc chỉ có hai cách. Họ có thể ký quỹ với các đại lý tại Trung Quốc và sử dụng tiền đó ở Macao, hoặc họ có thể mượn tiền từ các đại lý này.
Nếu họ ký quỹ, các đại lý sẽ chuyển tiền qua biên giới và người chơi sẽ dùng tiền này ở Macao. Một khi đánh bạc, họ có thể chuyển số tiền thắng bạc vào các quỹ ở Mỹ hay chuyển sang đô la Hồng Kông và đầu tư vào bất động sản hay các “thiên đường rửa tiền” ở nước ngoài.
Một cách rửa tiền khác qua các casino ở Macao là người chơi mua hàng hóa, đồ trang sức ở các cửa hiệu hàng xa xỉ bằng thẻ, rồi bán lại ngay tại chỗ lấy tiền mặt, tất nhiên là chi hoa hồng cho cửa hàng.
Tờ Financial Times dẫn lời Aaron Fisher, một chuyên gia phân tích ngành cờ bạc của CLSA, cho biết tổ chức này ước tính UnionPay đã giao dịch khoảng 45 tỉ đô la Mỹ với các cửa hàng trang sức ở Macao, và khoảng 50% các giao dịch này là giả.
Chống rửa tiền được không?
Từ đầu năm nay, hoạt động chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh đã được đẩy mạnh, bao gồm cả việc rà soát tính pháp lý của ngành công nghiệp sòng bài. Tháng 12 năm ngoái, một số đại lý cho casino ở Macao đã bị bắt. Khoảng 14 đại lý nhỏ và vừa bị buộc phải đóng cửa.
Chính quyền Macao cho biết đang “xem xét” đưa ra hệ thống kiểm tiền chuyển qua biên giới nhằm hạn chế rửa tiền, tuy nhiên, chưa có gì cụ thể được đưa ra hay thực hiện.
Macao cũng tránh những quy định về chuyển tiền của FATF, phần lớn do các hoạt động điều phối bí mật và phức tạp của đại lý. Theo một báo cáo của chuyên gia chống tội phạm rửa tiền Christine Duhaime, các đại lý này săn lùng danh sách những người giàu có và nhân vật quan trọng để môi giới cho các sòng bài ở Macao, và còn làm nhiều dịch vụ liên quan chuyển tiền hay mua bán bất động sản khác, nhưng giữ kín không cung cấp danh sách này cho các sòng bài. Đại lý chiếm 75% giao dịch của các sòng bài, tuy nhiên, lại không được yêu cầu chịu trách nhiệm gì với các quy định của Luật Phòng chống rửa tiền của Macao.
Tháng 6 vừa qua, Ủy ban Quốc hội Mỹ đã đề nghị FATF ưu tiên đánh giá lại vấn đề điều hành các khu vực đánh bài VIP và hoạt động các đại lý casino ở Macao so với các điều luật chống rửa tiền quốc tế. FATF sẽ đánh giá mức độ tuân thủ các tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của các quốc gia, và sẽ đưa ra danh sách đen các tổ chức vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn này, điều sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của quốc gia và mối quan hệ giữa các ngân hàng quốc tế. Và Macao rất có “tiềm năng” ở trong danh sách này, theo Asia Gambling Brief.
Khi những động thái này còn chưa đem lại kết quả gì rõ rệt, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cũng bày tỏ lo ngại về tiền bẩn từ Macao đang tìm đường vào chính trường Mỹ, ông đơn cử CEO của tập đoàn Las Vegas Sands, Sheldon Adelson đã nhận lợi nhuận từ Macao.
Ngọc Ý
tbktsg
|