Không thể lấy vinh dự để trừ tiền
Nhà xuất bản Giáo dục độc quyền in sách giáo khoa, một mình một chợ, muốn ra giá bao nhiêu cũng được. Phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa là sự bắt buộc, không có quyền trả giá và tất nhiên không có quyền từ chối cũng như quyền lựa chọn. Có thứ kinh doanh gì hả hê hơn là in sách hàng chục triệu bản, có sẵn hàng triệu khách hàng hằng năm và không sợ bị ế ẩm.
Loại độc quyền này từng bị phê phán nhiều, nhưng nó vẫn tồn tại. Không biết sử dụng cụm từ “lợi ích nhóm” ở đây đã đủ để nói lên lợi ích trong việc xuất bản sách giáo khoa bao nhiêu năm qua chưa?
Nhưng có một vấn đề chưa ai đề cập đến, đó là tác quyền. Mấy chục năm nay, nhiều tác giả có tác phẩm in trong sách giáo khoa, nhưng không được trả tiền tác quyền. Thậm chí, không nhận được một thư xin phép, một thư cảm ơn hoặc sách biếu. Nhà xuất bản Giáo dục ứng xử với các nhà văn, nhà thơ như vậy đó.
Sách bán hàng chục triệu bản cho hàng triệu học sinh, nhưng tác giả có tác phẩm đưa vào trong sách lại không được trả tiền tác quyền. Có lẽ Nhà Xuất bản Giáo dục nghĩ rằng, người nào được đưa tác phẩm vào sách thì đã may mắn lắm rồi, nên không cần phải trả tiền.
Đúng là vinh dự cho tác giả nào có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, nhưng không phải lấy niềm vinh dự để trừ tiền, và càng không thể lấy pháp luật làm “ghế ngồi” cho niềm vinh dự đó. Quy định về tác quyền là phải thực hiện, bất kể trong trường hợp nào.
Nếu như Nhà Xuất bản Giáo dục in sách phục vụ học sinh phi lợi nhuận, thì có thể thực hiện hợp đồng với từng tác giả, trong đó có cam kết không nhận tiền tác quyền của tác giả. Còn nếu tác giả không đồng ý thì hoặc không sử dụng, hoặc sử dụng thì phải trả tiền, đó là luật.
Không nói thì ai cũng biết, xuất bản và bán sách giáo khoa là một trong những thứ kinh doanh béo bở nhất do độc quyền đẻ ra, chỉ có lãi và lãi nhiều. Vậy thì không thể không thực hiện nghĩa vụ đối với các tác giả. Khai thác, sử dụng chất xám của người khác để kinh doanh - mang danh nghĩa giáo dục - là một cách làm không thể chấp nhận được. Xin mời các vị lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục đọc Luật Sở hữu trí tuệ để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Có thể các tác giả vì lòng tự trọng không muốn thưa kiện hoặc chẳng quan tâm đến việc này. Tuy nhiên, một xã hội văn minh thì mọi sự phải được minh bạch, mọi quan hệ đã được pháp luật điều chỉnh thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Chính vì điều đó mà Lao Động phải lên tiếng.
Lê Thanh Phong
lao động
|