Chủ Nhật, 21/09/2014 09:41

Cú “việt vị” của cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng?

Chỉ 8 tháng sau khi rời nhiệm sở, cựu bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả. Việc một quan chức về hưu tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp là xu hướng tích cực trong một nền kinh tế thị trường, khi mà kiến thức, kỹ năng và quan hệ của mọi cá nhân được huy động cho công việc kinh doanh, không phân biệt trình độ, xuất thân hay tuổi tác.

Tuy nhiên, tham gia quản lý và điều hành một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà trước đó quan chức này từng trực tiếp quản lý, thậm chí trực tiếp ký vào các văn bản liên quan, thì lại là câu chuyện khác và liệu có ẩn chứa trong đó những “mâu thuẫn lợi ích”?

Ông Hồ Nghĩa Dũng (thứ hai từ phải sang) luôn có mặt trong những sự kiện quan trọng của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả trong hai năm qua

Đó là câu hỏi mà công luận đang đặt ra với cựu bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Hồ Nghĩa Dũng.

Từ khung khổ pháp lý

Rủi ro từ việc một quan chức trước khi về hưu có thể ký tá các văn bản có lợi cho một doanh nghiệp cụ thể nào đó là một nguy cơ đã được nhìn thấy từ lâu. Đáng mừng là các cơ quan chức năng đã nhìn thấy điều này, đưa tới các quy định pháp lý khá chặt chẽ.

Các văn bản pháp luật như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003 đều thể hiện tinh thần “ngăn ngừa” nguy cơ này.

Chi tiết hơn, năm 2006, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 102/2007/NĐ-CP quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ.

Tờ trình của Bộ Nội vụ khi đó ghi rõ mục tiêu “quy định thời hạn không được kinh doanh” là “nhằm ngăn chặn, phòng ngừa người thôi giữ chức vụ lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực trước đây được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giao quản lý để vụ lợi cho bản thân và gia đình, làm thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác”.

Mục tiêu này cũng được cụ thể hóa thành một điều trong nghị định nói trên, đồng thời nghị định cũng chi tiết hóa thành 4 nhóm đối tượng, tương ứng là thời hạn không được kinh doanh.

Đáng chú ý là nghị định quy định về “Nhóm 4”, gồm các chương trình, dự án do người thôi giữ chức vụ khi đang là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp nghiên cứu, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt.

Theo quy định, đối với nhóm này, thời hạn không được kinh doanh là “thời hạn thực hiện xong chương trình, dự án”. Trường hợp dự án có thời hạn thực hiện trên 5 năm thì thời hạn không được kinh doanh phải “tối thiểu 36 tháng”.

Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, theo đó được phép “từ chối cấp phép cho người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định về lĩnh vực và thời hạn không được kinh doanh”; đồng thời “có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi phát hiện lĩnh vực kinh doanh và thời hạn không được kinh doanh của người thôi giữ chức vụ được cấp phép không đúng quy định tại Nghị định này”.

Tại điều 9, đối với người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định tại nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan thì “tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Đến chuyện của ông Hồ Nghĩa Dũng

Mấy ngày gần đây, dư luận đặt câu hỏi quanh việc cựu bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tham gia Hội đồng quản trị và là cố vấn cho Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả thì có là một câu chuyện “mâu thuẫn lợi ích” hay không.

Theo giới thiệu của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, ông Hồ Nghĩa Dũng đã được “bầu vào Hội đồng quản trị” vào tháng 4/2012, tức là chỉ sau 8 tháng tính từ thời điểm nghỉ hưu.

Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả cũng cho biết ông Dũng đồng ý làm “cố vấn” cho dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả và đánh giá rằng việc mời được cựu bộ trưởng là "một trong những thành công lớn” vì “trong suốt quá trình hình thành ý tưởng dự án, cũng như khi đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ, ông Hồ Nghĩa Dũng là người đã đồng thuận và tạo điều kiện để dự án hoàn thành các thủ tục căn cứ pháp lý".

Cụ thể hơn, ngày 05/10/2009 Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định số 2860/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL 1A theo hình thức BOT&BT. Tiếp đó, ngày 6/10/2009, ông đã ký Quyết định số 2886/QĐ-BGTVT về việc chỉ định Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho dự án này.

Cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng được xác nhận là đã "tạo điều kiện để Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp xúc với các tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước", theo đó Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả từng ký với Ngân hàng Credit Agricole Corporate&Investment Bank (CA-CIB) và Société Générale (SG) của Pháp một Biên bản ghi nhớ (MOU) tài trợ 800 triệu USD cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả, cho dù về sau việc tài trợ này không thực hiện được.

"Sức làm việc không mệt mỏi cộng với kinh nghiệm và năng lực nắm bắt đường hướng chính sách, chính là một tài sản lớn cho Công ty Đèo Cả", website của công ty viết.

Cho đến chiều 19/9, phần giới thiệu này cũng như hình ảnh cựu Bộ trưởng trong mục “Ban lãnh đạo” đã được gỡ khỏi website của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả.

Cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả có vi phạm nghị định 102/2007/NĐ-CP hay không và vì sao Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả lại phải gỡ thông tin về ông Hồ Nghĩa Dũng trên website của mình là vấn đề quan trọng, cần câu trả lời thỏa đáng từ các bên liên quan.

Yến Thanh

vneconomy

Các tin tức khác

>   Hoãn xử vụ lừa đảo chiếm đoạt trên 64 tỷ đồng tại Cần Thơ (21/09/2014)

>   Cháy rừng khiến đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 gặp sự cố (21/09/2014)

>   Dựng chuyện “kho báu” gần 550 tỉ USD để lừa đảo (20/09/2014)

>   ​Khám xét Công ty VN Pharma (20/09/2014)

>   ĐH Hoa Sen đề xuất thoái vốn, cổ đông phản ứng (19/09/2014)

>   Sắp có quy định về phong toả tài sản đối tượng thanh tra (19/09/2014)

>   Y án chung thân "cò" ngân hàng lừa 33 tỷ (19/09/2014)

>   Công chức được vay đến 2 tỉ đồng mua nhà (19/09/2014)

>   Bình Dương: Dập tắt vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại Công ty Sakata (19/09/2014)

>   Tập đoàn Besra Việt Nam cho rằng không tẩu tán tài sản (19/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật