Khi các chuyên gia cùng luận về nợ xấu
Nợ xấu bộc phát từ năm 2012 và kéo dài đến nay, đây được coi là bài toán kinh tế vĩ mô mà Nhà nước đang giải đáp. Hiện nợ xấu chiếm 4.17% tổng quỹ nợ, tương đương 161,000 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2015 sẽ giải quyết còn 3%. Các giải pháp được đưa ra gồm có kích tổng cầu; ngân hàng dùng tài sản để xử lý nợ xấu, phát mãi tài sản; giải quyết thủ tục để đẩy nhanh quá trình phát mãi tài sản - TS Trần Du Lịch chia sẻ.
Các diễn giả bàn luận chủ đề “Ngân hàng và Công cuộc tái cơ cấu” tại hội thảo Gateway to Vietnam ngày 11/09/2014.
|
VAMC được đánh giá là một khởi động khá tốt trong việc xử lý nợ xấu, ông Darryl James Dong - Regional Head, Distress Investments, Asia, I.F.C cho biết. Tuy nhiên ông đánh giá yếu tố còn thiếu ở đây là những chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng để không chỉ kêu gọi những nhà đầu tư nước ngoài mà còn hỗ trợ các công ty trong nước cách nhìn nhận vấn đề nợ xấu.
Nhật Bản đã mất hơn 30 năm tăng trưởng để đối mặt với nợ xấu, họ có những giải pháp đồng bộ và theo đuổi nó, vì thế nợ xấu dường như không còn quay trở lại đối với nền kinh tế này nữa, ông Dong chia sẻ.
Sẽ không có giải pháp quốc gia nào giống quốc gia nào, điều này đồng nghĩa với đặc thù nền kinh tế Việt Nam thì buộc phải có những giải pháp và kế hoạch riêng để xử lý. Ông Dong ví von việc những nhà đầu tư “nhảy” vào để giải quyết nợ xấu giống như những “con kền kền”, họ vào và ra ngay. Nhìn về thị trường Việt Nam ông chưa thấy rõ các quy trình xử lý nợ xấu hay tiền lệ người nước ngoài mua các khoản nợ này.
Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đại diện Asian I.F.C chia sẻ tại hội thảo “Gateway to Vietnam” ngày 11/09 rằng, Việt Nam cần phải có những chính sách, quy định, cách thức thẩm định rủi ro, quy trình rõ ràng để bán được nợ, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia giải quyết. Tuy nhiên vẫn sẽ tồn tại những rủi ro nhất định, đặc biệt là việc phân chia các khoản lỗ như thế nào.
Ai lỗ hơn ai?
Cùng bàn luận về phần lỗ trong quá trình xử lý nợ xấu, ông Cấn Văn Lực, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV (BID) đưa ra dẫn chứng cụ thể. Hiện nay các ngân hàng thương mại (NHTM) chịu 3 phần lỗ gồm 30% lỗ do các khoản nợ chỉ được mua lại với giá 70% giá trị sổ sách; hai là lỗ từ việc NHTM phải trích lập rủi ro; ba là NHTM phải trích lập dự phòng rủi ro hằng năm cho công tác thu hồi nợ.
Khi xác định được các khoản lỗ thì vấn đề đặt ra tiếp theo ai sẽ là người chịu lỗ nhất?. Mua lại khoản nợ với giá 70% giá trị sổ sách, VAMC sẽ bán ra với giá thị trường. Tuy nhiên lại chưa có tổ chức nào đứng ra định giá lại các khoản nợ đó là bao nhiêu. Kinh nghiệm một số nước cho thấy như Hàn Quốc cao nhất cũng chỉ thu hồi được 45%, Malaysia là 35%, Trung Quốc là 25%.
Hình thành thị trường và ngành nghề mua bán nợ
Bên cạnh đó, ông Lực cũng chia sẻ trên thế giới vốn điều lệ công ty mua bán nợ nằm từ 0.4-20% tổng số nợ, Việt Nam là 0.5% tương đương 500 tỷ đồng, nhưng so với tổng nợ xấu lên hàng tỷ đô la thì rõ ràng con số này quá thấp, ông đề nghị mức vốn cho VAMC là từ 2,000-3,000 tỷ đồng.
TS Trần Du Lịch cũng đồng quan điểm khi cho rằng thực lực của một công ty mua án nợ cho cả quốc gia với 500 tỷ đồng thì chưa thể làm gì được.
Một vấn đề khác đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua và tiếp tục được đề cập đến tại hội thảo là đặc quyền cho VAMC.
Nói về VAMC thì không thể “tay không bắt giặc”, TS Trần Du Lịch nhận định, phải coi mức độ và điều chỉnh, hiện tại chỉ mới nằm ở cơ chế chuyển nợ giữ giùm tài sản chứ chưa thực sự mua bán.
Để được thực hiện việc phát mãi tài sản đảm bảo, mỗi lần như vậy VAMC phải xin ý kiến từ cơ quan có thẩm quyền, điều này rất mất thời gian, do đó ông Lực đề nghị việc tăng thêm quyền lực cho VAMC trong việc quyết định mua bán các khoản nợ như thế nào.
Ngoài ra với đặc điểm nợ xấu xuất phát chủ yếu từ bất động sản nên sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xử lý. Có thể kể đến trường hợp như nhà đã phát mãi rồi nhưng người ở không chịu đi, TS Trần Du Lịch nêu ví dụ. Điều này đòi hỏi đặc quyền VAMC được phép liên kết với cơ quan công an cưỡng chế, cho phép thu hồi các tài sản đảm bảo nhanh chóng, ông Lực bổ sung cho ý kiến trên.
Hiện VAMC vẫn chưa tự tin được khi đưa giá bán tài sản. Xung quanh những đề xuất đặc quyền cho VAMC thì việc thành lập các công ty tư vấn mua bán nợ được ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản Lý Quỹ SSI đưa ra tại hội thảo. Các công ty này sẽ định giá các khoản nợ, thay mặt chủ nợ tư vấn, đưa ra các biện pháp quản trị tài sản đảm bảo và cả biện pháp chế tài.
Hiện nay không có ngành nghề kinh doanh mua bán nợ và các tổ chức muốn đăng ký kinh doanh dịch vụ này sẽ không biết mua hay bán ở đâu. Nếu không được phép thì phương thức xử lý nợ sẽ rất hạn chế. Ông Hải nhìn thấy cơ hội ở thị trường mua bán nợ ở Việt Nam rất nhiều, việc bổ sung thêm ngành nghề mua bán nợ và tư vấn mua bán nợ là điều hết sức cần thiết.
Khi nào người nước ngoài được mua bất động sản Việt Nam?
TS Trần Du Lịch cũng khẳng định Việt Nam chưa hình thành thị trường mua bán nợ. Một thị trường được đánh giá có rất nhiều cơ hội và đặc biệt là nợ thì lại gắn liền với bất động sản. Đây trở thành rào cản khiến người nước ngoài muốn tham gia mua bán nợ tại Việt Nam nhưng không thể xin giấy phép.
Phần lớn bất động sản của nợ xấu là các dự án ở dang, lực cầu nội trong nước không đủ lớn trong khi lực cầu ngoại rất tiềm năng nhưng lại chỉ “đứng nhìn” sẽ khiến cho dự án cứ nằm đó “phơi nắng, phơi sương”, thất thoát tài sản mỗi ngày một nhiều thêm.
Đại diện của SSI, ông Hải cho biết nước ngoài hình thành một loại hình quỹ tương tự như quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Sự phối hợp cho phép các quỹ được tham gia đầu tư chứng khoán trên cơ sở huy động vốn từ nước ngoài để mua bán nợ, bởi hiện tại Việt Nam đang áp dụng hình thức chuyển nợ xấu thành các trái phiếu, cổ phiếu.
Với tư cách là một người quản lý Nhà nước, TS Trần Du Lịch cho biết Luật kinh doanh bất động sản sẽ cố gắng thực hiện việc cho phép chuyển nhượng các dự án nhà đầu tư trong nước làm dở dang cho nhà đầu tư nước ngoài mua lại và tiếp tục hoàn thành; khai thông cho người nước ngoài mua nhà, FDI đầu tư vào bất động sản nhằm tăng sức cầu, khai thông thị trường.
Luật đầu tư sẽ thay đổi một vấn đề cực kỳ quan trọng là khai thông toàn bộ môi trường kinh doanh bằng việc đưa kinh doanh trở thành quyền cao nhất, muốn hạn chế thì chỉ có luật mới hạn chế được, văn bản dưới luật không có ý nghĩa trong việc hạn chế này.
Trước mắt sẽ tập trung hướng dẫn và xử lý các vấn đề hành chính và tư pháp về bán tài sản, bán nợ, liên quan giữa Bộ Tài chính và Tư pháp. Khi đồng bộ tất cả cùng với quá trình tái cơ cấu ngân hàng, những giải pháp phát triển cho thị trường phát mại nợ xấu mà chủ yếu là bất động sản mới thực thi hiệu quả.
"Tất cả các vấn đề trên nhằm mục tiêu làm sao cho tốc độ xử lý nợ nhanh hơn tốc độ phát sinh nợ mới thì mới đạt yêu cầu", TS Trần Du Lịch chia sẻ.
“Nợ xấu bao giờ nó cũng tồn tại. Chỉ khi nào nó thành vấn đề gây bất ổn của hệ thống, thành điểm nghẽn toàn bộ nền kinh tế thì chúng ta mới thấy nó ảnh hưởng, tới năm 2015 nó vẫn tồn tại là điều bình thường. Có khi chính nợ xấu sẽ kích thích phát triển thêm một mảng thị trường tài chính là thị trường mua bán nợ, thành ra tự nợ xấu chẳng có gì xấu cả”, TS Trần Du Lịch
|
Trần Hạnh
|