Sắp chất vấn Thống đốc về xử lý nợ xấu
Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 9 này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
* ‘Gom’ gần 3 tỷ USD nợ xấu từ các ngân hàng
* “Phẫu thuật” nợ xấu
* Xử lý nợ xấu: Gỡ khó từ thực tế
Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nội dung chất vấn gồm việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, kết quả xử lý nợ xấu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua.
|
Đây là quyết định vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra, trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội gửi đến giữa hai kỳ họp, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7, kiến nghị của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua.
Thông qua hoạt động chất vẫn sẽ làm rõ hơn trách nhiệm trong quản lý, điều hành của người trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ mục đích.
Nhóm vấn đề sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.
Tiến độ thực hiện quy hoạch đất đai, kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí, thực trạng sử dụng đất lúa nông nghiệp và chủ trương triển khai chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa cũng nằm trong nội dung Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời trực tiếp.
Việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai dự kiến cũng sẽ là nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang.
Tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan có bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an và Tổng thanh tra Chính phủ.
Với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nội dung chất vấn gồm việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, kết quả xử lý nợ xấu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua.
Tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015 cũng là vấn đề Thống đốc sẽ chuẩn bị để trả lời tại phiên chất vấn.
Bộ trưởng các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư sẽ ở vị trí “chia lửa” cho Thống đốc Bình.
Nửa ngày sẽ là thời gian dành chất vấn mỗi vị được chọn, song thời gian cụ thể mới chỉ được ấn định trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến sẽ diễn ra từ 22 đến 30/9.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Nguyễn Văn Bình đều được lưu ý là không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp và kết nối truyền hình trực tuyến với 63 đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo thông lệ hàng năm, phiên chất vấn giữa hai kỳ họp Quốc hội giữa năm và cuối năm sẽ được tổ chức vào tháng 8. Năm nay hoạt động này cũng đã dự kiến diễn ra vào tháng 8, sau đó được quyết định lùi một tháng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình là thành viên Chính phủ hiếm hoi hai lần trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Vào tháng 8/2012, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng đã trực tiếp trả lời chất vấn nhiều vấn đề, trong đó có xử lý nợ xấu.
Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp chất vấn Thống đốc về lộ trình xử lý nợ xấu. Tình hình nợ xấu sẽ được cải thiện trong thời gian sắp tới, tiến tới chỗ là ngay trong nhiệm kỳ này chúng ta có thể đưa được nợ xấu về mức an toàn theo đúng chuẩn mực quốc tế là câu trả lời của Thống đốc.
Hai năm qua, tại diễn đàn Quốc hội, những đánh giá tích cực cho hoạt động ngân hàng và cá nhân Thống đốc đã ngày một nhiều hơn. Song, xử lý nợ xấu chắc chắn sẽ còn không ít câu hỏi dành cho người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.
Nguyên Hà
vneconomy
|